Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chia sẻ vừa tiếp nhận ông L.V.V. (58 tuổi) đến viện thăm khám trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau mỏi cơ đùi phải.
"Kết quả chụp X-quang cho thấy có nhiều sán nằm ở các cơ. Qua khai thác, người đàn ông này có sở thích ăn những món tái, sống như gỏi cá, rau sống và tiết canh.
Việc ăn những món tái, sống chính là con đường đưa các loại giun sán thâm nhập vào cơ thể. Khi ăn phải ấu trùng sán, chúng có thể di chuyển theo đường máu tới não, cơ và gây bệnh. Trong trường hợp này, bệnh nhân phải điều trị theo đợt, định kỳ", bác sĩ Thiệu chia sẻ.
Đặc biệt khi ấu trùng sán cư trú trong não (gặp ở 60-96% trường hợp), có thể dẫn đến các nhóm bệnh thần kinh như nhức đầu (48,4%), động kinh (6,2%), rối loạn tâm thần (5,2%), rối loạn thị giác (15,6%), suy nhược cơ thể - giảm trí nhớ (28,1%), co giật cơ (34,3%).
Ngoài ra, thể ấu trùng dưới da và trong cơ chiếm 18,57%, chủ yếu ở cơ hoành, cơ lưỡi, cơ delta, vùng thân, vùng chi và cổ, dưới da đầu...
"Nhiều bệnh nhân cho rằng tiết canh lợn, vịt, gà "nhà nuôi" là sạch nên vẫn vô tư ăn, mà không biết rằng chúng hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm sán và các mầm bệnh nguy hiểm khác như tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn,…
Trong khi đó, việc ăn các loại rau sống, đặc biệt là những loại rau thủy sinh (rau cần, rau muống...) có nguy cơ nhiễm loại giun, sán nguy hiểm đặc biệt cao.
Trong môi trường tự nhiên, ấu trùng đuôi và nang trùng sán lá gan lớn bám vào rau thủy sinh hoặc bơi trong nước. Các loại rau mọc dưới nước như rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong… hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán sẽ có nguy cơ mắc bệnh", bác sĩ Thiệu cho hay.
Bác sĩ Thiệu nêu rõ thông qua đường tiêu hóa, ấu trùng sán lá gan lớn vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan. Đây cũng chính là giai đoạn kích thích cơ thể phản ứng miễn dịch mạnh nhất.
Sán lá gan lớn ký sinh chủ yếu ở mô gan, nhưng trong giai đoạn xâm nhập sán có thể di chuyển lạc chỗ và gây các tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng, đôi khi có trong bao khớp.
Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán xâm nhập vào đường mật, trưởng thành và đẻ trứng. Tại đây sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm (có thể tới 10 năm) nếu không được phát hiện và điều trị.
Phòng bệnh thế nào?
Bác sĩ Thiệu khuyến cáo để tránh nhiễm các loại giun sán, người dân cần có những biện pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ như:
Giữ môi trường sống sạch sẽ;
Ăn uống hợp vệ sinh;
Không ăn thức ăn chưa nấu chín như gỏi cá, tiết canh...;
Luôn rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh;
Hạn chế thả rông vật nuôi như heo, nếu nuôi heo phải tuân thủ những quy trình xử lý phân, hay ngăn cách địa điểm nuôi với môi trường sống; tẩy giun sán định kỳ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận