05/03/2020 11:08 GMT+7

Thi viết 'Tôi chọn nghề' Lần 2: Khi thành công, gia đình sẽ thấu hiểu

ĐẶNG ĐÔNG HẢI DUY
ĐẶNG ĐÔNG HẢI DUY

TTO - LTS: Mất cha mẹ từ nhỏ, Đặng Đông Hải Duy (20 tuổi, Cần Thơ) phải bươn chải vừa học vừa làm, rồi táo bạo chọn ngã rẽ quyết định cho cuộc đời mình. Bức thư tay với nét chữ rất đẹp của Duy gửi đến báo Tuổi Trẻ khiến nhiều người xúc động.

Thi viết Tôi chọn nghề Lần 2: Khi thành công, gia đình sẽ thấu hiểu - Ảnh 1.

Đặng Đông Hải Duy và bài thi viết tay gửi tới cuộc thi “Tôi chọn nghề” - Ảnh: THÁI TRINH

27-6 là ngày tôi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Trong gần một tháng chờ đợi kết quả, tôi trăn trở rất nhiều liệu mình có đậu vào ngôi trường ĐH hàng đầu, liệu rằng mình có thật sự đam mê với ngành học đã đăng ký hay lựa chọn chỉ do áp lực từ gia đình, dòng họ? 

Rồi tôi cũng đã ghi tên mình vào danh sách lớp văn học của Trường ĐH Cần Thơ với số điểm khá cao khi đó là 20,25.

Những câu hỏi ám ảnh

Gia đình hai bên nội, ngoại đều tự hào, nhưng tôi vẫn có cảm giác hình như mình không thực sự đam mê với con đường đã chọn.

Mới tám tuổi, tôi đã mồ côi cha mẹ. Tôi sống với ông bà ngoại từ nhỏ và dựa vào những đồng tiền ít ỏi của anh hai tôi lao động chân tay, cho tôi ăn học tới hôm nay. 

Năm đầu tiên trên giảng đường, tôi vất vả làm rất nhiều công việc, từ may gia công cho một xưởng nhỏ gần nơi ở đến chạy hàng chục cây số mỗi ngày giao hàng, rồi làm phục vụ cho một quán cà phê gần trường... chỉ để trang trải cho cuộc sống sinh viên khó khăn của mình.

Những ngày học ĐH, tôi lại bị ám ảnh những câu hỏi: Liệu rằng mình có đi đúng con đường, liệu rằng cố gắng của mình như thế có ý nghĩa gì? Tôi đã sụt mất 5kg cho việc học và làm mà không đem về thành tích nào nổi trội.

Chán nản từ từ, tôi lao vào đi làm thêm kiếm tiền cho gia đình mà không màng gì việc học. Rồi cái gì đến cũng đến, cuối học kỳ 2 năm nhất, tôi nợ 2 môn và điểm tổng kết chỉ nằm ở tốp trung bình. Tôi bắt đầu suy sụp: Nên tiếp tục hay dừng lại? Tương lai của mình rồi sẽ đi về đâu?

Ngã rẽ cuộc đời

Đến đầu tháng 7-2019, tôi quyết định táo bạo sẽ chuyển ngành, chuyển trường bởi không thể học khi không phù hợp đam mê. Đúng vào thời gian đó, Trường cao đẳng Du lịch Cần Thơ tuyển sinh, tôi đã không chần chừ mà nộp hồ sơ ứng tuyển ngay vào ngành quản trị nhà hàng khách sạn, bởi đây là ngành tôi thực sự yêu thích trước kia mà vì nhiều lý do tôi không thể lựa chọn.

Khi cân nhắc vào trường, tôi cũng thắc mắc rất nhiều: Vì sao mới năm đầu trường lại cho thẳng vào chuyên ngành? Tại sao trường lại có học phí khá thấp, liệu ra trường có việc làm không? Tại sao trường chỉ đào tạo trong vòng hai năm rưỡi? 

Dần dần những câu hỏi trong tôi cũng được giải đáp, tôi đã hiểu rõ hơn về ngôi trường mà mình đang theo học và tin tưởng với đam mê của mình.

Cũng phải nói rằng tôi quyết định táo bạo khi chuyển ngành, chuyển trường mà chưa cho gia đình tôi biết. Tôi nghĩ đến khi tôi có được thành công, gia đình sẽ thật sự hiểu và thông cảm cho tôi. 

Hiện tại, tôi đang từng ngày cố gắng chứng minh định kiến phải vào ĐH mọi giá mới thành công và có thể tạo ra nhiều tiền. Với tôi, thành công là dựa vào đam mê nghề nghiệp, vào thực lực cá nhân chứ không phải trên con đường ĐH mới có.

Tôi tự nhủ tôi không hẳn mong muốn sau này mình sẽ thành công rực rỡ, mà chỉ muốn khẳng định rằng đam mê nghề nghiệp - một đam mê không bao giờ bị dập tắt. Tôi không hẳn mong muốn sau này mình giàu sang, tôi chỉ muốn có cuộc sống an bình với những gì mình đã chọn, có một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc với những nghề mà mình có.

Và tôi mong gia đình thấu hiểu quyết định của tôi...

Một trường 66 bài thi

Tuần qua, ban tổ chức cuộc thi "Tôi chọn nghề" nhận được gói bưu phẩm chứa 66 bài viết của các học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ, Thái Nguyên). Cho đến hiện tại, đây là số lượng tham gia kỷ lục từ một đơn vị dự thi.

Cô Cao Thị Hiền - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ - chia sẻ ngay khi biết thông tin về cuộc thi "Tôi chọn nghề", nhà trường nhanh chóng triển khai đến các giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô trong bộ môn văn vận động các em tham gia.

Nhà trường đã chấm vòng sơ loại, rồi mới chọn ra các bài thi đặc sắc nhất và phù hợp với tiêu chí gửi về báo Tuổi Trẻ. "Trường cũng có riêng những giải thưởng để khuyến khích các em tham gia" - cô Hiền nói.

Cô Hiền cho biết thêm thầy cô trong trường luôn chú trọng vấn đề hướng nghiệp cho các em, đặc biệt là học sinh lớp 12. Do đó, các em luôn tự tin lựa chọn theo định hướng của mình vào đại học hoặc vào các trường nghề, tùy theo đam mê và năng lực.

TRỌNG NHÂN

Bài dự thi "Tôi chọn nghề" không quá 1.500 chữ và phải để tên thật, địa chỉ của nhân vật, số điện thoại để ban tổ chức liên lạc khi cần thiết.

Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 31-3-2020. Gửi bài qua địa chỉ email [email protected] hoặc địa chỉ Ban giáo dục - khoa học báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ dự thi "Tôi chọn nghề".

Giải thưởng: giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng, giải ba 10 triệu đồng và năm giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.

Thi viết Tôi chọn nghề: Mỉm cười sau 15 năm tìm đam mê Thi viết Tôi chọn nghề: Mỉm cười sau 15 năm tìm đam mê

TTO - Tôi bước vào đời sinh viên tại TP.HCM năm 2000, hành trang lúc ấy chỉ văng vẳng lời trách của ba tôi ở quê: Kiếm cái nghề cho rõ ràng, đừng văn chương viết lách mơ mộng.

ĐẶNG ĐÔNG HẢI DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên