Thí sinh Đà Nẵng khá thoải mái sau ngày thi đầu tiên - Ảnh: Đ.NHẠN
Thí sinh Đà Nẵng đặc biệt thích thú với đề thi môn văn có sự đổi mới trong hình thức, bàn những vấn đề thời sự và nhân văn.
Đa số học sinh hiện nay có cá tính mạnh, các em đề cao cái tôi cá nhân mà quên đi sự tế nhị trong ứng xử. Đây cũng là một cách nhắc nhở cho học sinh về ứng xử trong cuộc sống, đặc biệt trong vấn đề giúp đỡ.
Thầy Nguyễn Đình Hòa (giáo viên ngữ văn Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng)
Mùa dịch nói về lòng yêu thương
Đề văn với câu đọc hiểu văn bản xoay quanh "Những câu chuyện về lòng yêu thương" (Nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2002). Câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ về ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác.
Theo nhiều thí sinh, chủ đề này mang tính thời sự cao. Bởi trong bối cảnh TP Đà Nẵng trải qua 4 đợt dịch với vô vàn khó khăn, người Đà Nẵng và cả nước đã cùng nhau đoàn kết, sẻ chia dìu nhau vượt qua khó khăn. Hơn bao giờ hết, câu chuyện về lòng yêu thương, sự tử tế, sẻ chia với nhau là điều rất thực tế và gần gũi.
Theo thí sinh Mỹ Hiền (Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu), câu nghị luận xã hội về vấn đề tế nhị trong giúp đỡ người khác khá dễ bởi ai cũng ít nhất một lần giúp đỡ người khác, được giúp đỡ hay chí ít là quan sát hành động đẹp đó diễn ra trong cuộc sống, trên mạng xã hội.
"Của cho không bằng cách cho, điều tưởng đơn giản nhưng với những người trẻ như chúng em thì ít ai hiểu được. Sự tế nhị khi giúp đỡ người khác thể hiện trong cách ứng xử có văn hóa, lịch sự, khéo léo. Nó thể hiện sự khéo léo để người được giúp cảm thấy mình được tôn trọng, không tự ái. Điều tưởng nhỏ nhưng đó sẽ làm cho xã hội tốt đẹp hơn" - Hiền chia sẻ.
Nhiều giáo viên ở Đà Nẵng cho rằng đây là một trong những chủ đề nằm trong phần hướng dẫn khi ôn tập cho học sinh. Đây là câu phân hóa thí sinh bởi nhiều em xác định lệch trọng tâm vấn đề. Không chú tâm phân tích sự tế nhị khi giúp đỡ người khác mà dàn trải ở lòng nhân ái.
Nhẹ nhàng nhưng phân loại cao
Năm nay lần đầu tiên Sở GD-ĐT Đà Nẵng có đề văn mà ở phần nghị luận văn học, thí sinh được lựa chọn 1 trong 3 đoạn thơ để phân tích về vẻ đẹp của con người Việt Nam. Các trích đoạn gồm Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật và Nói với con của Y Phương.
Nhiều phụ huynh cho rằng đây là đề thi dễ nhất trong số các năm và có phần ưu ái cho thí sinh. Chị Hồ Thị Bích Tuyền, một phụ huynh, cho rằng đây là đề "dễ thở" bởi phần thơ luôn là phần được học sinh ôn luyện kỹ nhất. Được chọn 1 trong 3 bài để phân tích một vấn đề thì thí sinh sẽ dễ đạt điểm cao.
"Với lứa học sinh Đà Nẵng đã trải qua 2 năm học và ôn luyện online vì dịch COVID-19 và đi thi trong bối cảnh công tác phòng dịch nghiêm ngặt thì đây cũng là một cách để tạo tâm thế thoải mái cho thí sinh khi làm bài" - chị Tuyền nói.
Cô Nguyễn Thị Bích Vân (giáo viên ngữ văn Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng) cho rằng mỗi đoạn thơ có dung lượng kiến thức đồng đều nên với những học sinh trung bình và khá có thể nắm ý chính và viết tốt. Mặt khác, đề thi có những khoảng riêng dành cho tư duy, sáng tạo, cảm nhận sâu sắc đối với học sinh giỏi.
Sáng nay 16-6, thí sinh tiếp tục thi môn toán. Ngày 17-6, buổi sáng, thí sinh sẽ dự thi môn chuyên vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Yên tâm nhờ kết quả xét nghiệm
Trong ngày thi đầu tiên, công tác phòng chống dịch COVID-19 được các điểm thi thực hiện nghiêm túc, an toàn. Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Đà Nẵng, toàn bộ 16.062 cán bộ làm công tác thi, thí sinh đã được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước kỳ thi đều có kết quả âm tính.
Trước đó, ban chỉ đạo thi đã chuẩn bị điểm thi tại Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn) với tất cả cơ sở vật chất, lực lượng làm công tác thi đầy đủ, sẵn sàng tiếp nhận thí sinh thuộc đối tượng F1, F2, bảo đảm tất cả thí sinh đều thực hiện quyền được thi của mình. Tuy nhiên, đến hiện tại, điểm thi dự phòng này vẫn không cần sử dụng đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận