Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi môn văn lớp chuyên kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm 2020 tại Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Trước thông tin Sở Giáo dục và Đào TP.HCM đề xuất với UBND TP về việc thay đổi cách tính điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết:
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, thí sinh vẫn thi 3 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Những năm trước, điểm thi lớp 10 là tổng điểm của 3 môn thi, trong đó điểm thi môn ngữ văn và toán nhân hệ số hai. Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đang đề xuất với UBND TP điểm thi lớp 10 là tổng điểm 3 môn thi trong đó không có môn nào nhân hệ số.
Đề thi tiếng Anh sẽ thay đổi
Việc đổi mới cách tính điểm như trên nhằm nâng cao vai trò của môn ngoại ngữ trong trường phổ thông. Chủ trương này bắt nguồn từ thông tư 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT.
Nếu như trước đây việc xếp loại học lực của học sinh phụ thuộc vào điểm trung bình của 1 trong 2 môn toán hoặc ngữ văn thì nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi: việc xếp loại học lực của học sinh phụ thuộc vào điểm trung bình của 1 trong 3 môn toán hoặc ngữ văn hoặc ngoại ngữ.
Không những thế, TP.HCM cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào việc dạy ngoại ngữ và tin học trong trường phổ thông. Ngoại ngữ được xem là một môn học quan trọng, nền tảng giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.
Nếu đề xuất trên được UBND TP.HCM phê duyệt thì đề thi môn tiếng Anh năm nay sẽ tăng thời gian làm bài, số lượng câu hỏi và độ dài của các câu hỏi cũng sẽ tăng lên, tuy nhiên độ khó của các câu hỏi không thay đổi. Sở Giáo dục và Đào tạo TP vẫn giữ vững quan điểm ra đề thi tuyển sinh lớp 10 theo hướng kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức của thí sinh, yêu cầu thí sinh phải biết cách giải quyết vấn đề của thực tiễn cuộc sống.
Do đó, các trường THCS phải đổi mới cách dạy và học theo hướng phát triển năng lực học sinh. Nếu nhà trường không đổi mới, học sinh lớp 9 sẽ rất thiệt thòi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đề thi của cả 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ đều có 60% câu hỏi thuộc dạng cơ bản, 40% thuộc dạng nâng cao để phân hóa thí sinh nhằm phục vụ cho công tác tuyển sinh.
Trường công tuyển 70% số học sinh
TP.HCM hiện có gần 99.000 học sinh lớp 9. Năm nay các trường THPT công lập trên địa bàn sẽ tuyển 70% số học sinh trên vào lớp 10. Tỉ lệ tuyển sinh như trên là rất ổn định, bằng với năm 2020. Việc một số trường THPT công lập tuyển không đủ chỉ tiêu là vì sau khi có kết quả tuyển sinh lớp 10, một số học sinh lại không muốn học công lập mà chọn học trường quốc tế, du học, học nghề...
Năm nay, khi xét duyệt điểm chuẩn vào lớp 10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP sẽ lưu ý các trường tuyển không đủ chỉ tiêu ở năm trước để có quyết định phù hợp về điểm chuẩn. Sau khi đã công bố kết quả tuyển sinh và danh sách thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 của từng trường thì Sở Giáo dục và Đào tạo TP sẽ không hạ điểm chuẩn, dù với bất cứ hình thức nào.
Ngoài chỉ tiêu vào lớp 10 công lập, năm học 2021 - 2022 các trường THPT ngoài công lập, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên ở TP.HCM có tổng chỉ tiêu tuyển hơn 30.000 học sinh.
Nếu rớt lớp 10 công lập, học sinh có thể chọn lựa một con đường khác để tiếp tục học tập mà không phải lo lắng về việc thiếu chỗ học.
Ông Trần Tiến Thành (chuyên viên môn ngữ văn, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM):
Môn văn: phần đọc - hiểu có 1 câu về tiếng Việt
Đề thi môn ngữ văn năm nay vẫn có phần đọc - hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Phần đọc - hiểu sẽ cho thí sinh đọc văn bản (có thể là văn bản thông tin, văn bản nghị luận xã hội, văn bản nghị luận, văn bản khoa học...) rồi trả lời câu hỏi có liên quan đến văn bản đó. Các câu hỏi sẽ được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng.
Có thể là các câu hỏi yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; câu hỏi nêu nội dung văn bản; câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới... Trong các câu hỏi phần đọc - hiểu sẽ có 1 câu hỏi về tiếng Việt.
Phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết bài văn khoảng 500 chữ. Ở phần này, thí sinh cần đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài. Cần vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, các em cũng cần rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân mình.
Ở phần nghị luận văn học, thí sinh sẽ có hai lựa chọn. Đề 1 sẽ là phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình, từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng (liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến...).
Đề 2 có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn. Học sinh nắm vững kiến thức và kỹ năng của dạng đề nào thì chọn đề đó, tránh việc chọn đề theo cảm hứng ngẫu nhiên...
Thí sinh dự thi tuyển vào lớp 10 ở TP.HCM năm 2020 - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Trần Đình Nguyễn Lữ (chuyên viên môn tiếng Anh, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM):
Môn tiếng Anh: chú ý nhiều hơn từ vựng
Nếu UBND TP.HCM phê duyệt cách tính điểm tuyển sinh lớp 10 không nhân hệ số như Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất thì đề thi môn tiếng Anh năm nay tăng thời gian làm bài là 90 phút thay vì 60 phút như năm trước.
Số lượng câu hỏi trong đề thi cũng tăng lên 40 câu thay vì 36 câu như trước đây. Tuy nhiên, nội dung kiến thức vẫn nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là lớp 9.
Các câu hỏi sẽ được ban ra đề biên soạn theo hướng kiểm tra khả năng sử dụng ngôn ngữ của thí sinh trong đời sống thực tế. Vì vậy, tôi khuyên các em học sinh nên chú ý nhiều hơn đến phần từ vựng cũng như việc sử dụng tiếng Anh trong quá trình học và ôn thi.
Đề thi vẫn có 2 bài đọc như thường lệ, nội dung bài đọc cũng nằm trong những chủ điểm mà học sinh đã học, độ dài của bài đọc sẽ dài hơn nhằm kiểm tra năng lực đọc nhanh - hiểu đúng của thí sinh.
Những câu hỏi thuộc dạng phân hóa thí sinh dự kiến sẽ nằm ở phần đọc - hiểu và viết lại câu. Những câu hỏi về ngữ pháp dự kiến sẽ ra theo hướng nhẹ nhàng, chiếm khoảng 1/4 trong tổng số các câu hỏi của đề.
Ông Dương Bửu Lộc (chuyên viên môn toán, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM):
Môn toán: cấu trúc như năm ngoái
Về cơ bản, đề thi môn toán có cấu trúc như đề thi năm ngoái gồm 8 bài toán. Trong đó, bài 1 có nội dung về đồ thị, bài 2 liên quan đến định lý Viet. Bài 3, 4, 5, 6, 7 là những bài toán thực tế về diện tích, tỉ lệ phần trăm, yêu cầu thí sinh dùng kiến thức toán học để giải quyết các vấn đề có liên quan đến các môn lý, hóa, sinh, địa...
Những bài toán thực tế tuy hơi dài nhưng thật ra không khó, thí sinh cần có kỹ năng đọc - hiểu tốt để có thể phân tích đề, biết sử dụng dữ liệu của đề thi, biết vận dụng các công thức toán học để giải quyết câu hỏi.
Bài toán số 8 là bài toán về hình học phẳng, bao gồm các câu hỏi nhỏ khác nhau. Đây là các câu hỏi nhằm phân hóa thí sinh nên yêu cầu vận dụng kiến thức khá cao. Tuy vậy, nếu học sinh biết cách tư duy, nắm vững kiến thức... vẫn có thể giải được.
Học nghề được miễn phí 100%
Tôi xin nhấn mạnh thêm là học sinh tốt nghiệp THCS nếu đăng ký học tại các trường nghề sẽ được miễn học phí 100%. Sau khi học xong, nếu chưa muốn đi làm ngay thì các em vẫn có thể học liên thông lên ĐH bởi cơ hội học liên thông hiện rất rộng mở.
Riêng đối với những học sinh có gia cảnh khó khăn thì việc chọn con đường học nghề sẽ giảm bớt áp lực học phí.
Học nghề sau 3 năm, các em có thể đi làm ngay và có thu nhập phụ giúp gia đình rồi. Tương tự, các trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay cũng dạy theo sách giáo khoa như nhà trường THPT.
Hết lớp 12, học sinh hệ giáo dục thường xuyên cũng thi tốt nghiệp cùng kỳ với học sinh hệ phổ thông, bằng tốt nghiệp cũng có giá trị ngang nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận