31/08/2022 15:01 GMT+7

Thị trường xăng dầu thất thường: Giải pháp nào để thuận mua vừa bán?

TR.D tổng hợp
TR.D tổng hợp

TTO - Liên quan đến việc thị trường xăng dầu những ngày gần đây lại có hiện tượng không bán hàng, 24 doanh nghiệp gửi đơn kêu điều hành bất cập, bạn đọc Tuổi Trẻ Online đã đưa ra một số giải pháp để giải quyết từ gốc nguy cơ cây xăng đóng cửa.

Thị trường xăng dầu thất thường: Giải pháp nào để thuận mua vừa bán? - Ảnh 1.

Một cửa hàng xăng dầu trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM thông báo chỉ bán hàng 12 giờ (ảnh chụp tối 30-8) - Ảnh: N.AN

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Bạn đọc làm báo xin giới thiệu các ý kiến tiêu biểu dưới đây:

Kinh doanh mà không có tâm, lời nhiều thì đút túi, khi lỗ thì dọa nghỉ bán. Theo tôi, nếu họ muốn đóng cửa thì nên cho họ đóng cửa nghỉ luôn, rút giấy phép luôn.

Kinh tế thị trường, kinh doanh phải có lời có lỗ, muốn lúc nào cũng lãi hết thì nên gửi tiền nhà băng đi. Kinh doanh thì ngành nghề nào cũng như nhau. Nhà nước không nên dành một đặc quyền nào mà nên cương quyết xử lý doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu làm eo hăm dọa nghỉ.

Trung Phạm

Quy luật của kinh doanh, có lãi thì hoạt động, lỗ thì dừng. Đừng nên trách các đại lý xăng dầu. Vì họ chỉ là khâu cuối. Dù kinh doanh đầu mối lãi lớn, họ vẫn chỉ được chiết khấu 1.000 đồng/lít với bao nhiêu khoản chi vào đó. 

Nếu không có chiết khấu, lấy đâu trả lương và các chi phí khác? Công kích thì dễ lắm! Thử kinh doanh như họ xem, đóng cửa sớm hơn.

Hoàng

Mua bán theo hợp đồng, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật thì các cây xăng tư nhân đã không tồn tại, sáp nhập hoạt động dưới trướng các doanh nghiệp lớn dễ buôn bán hơn. 

Người dân có tí kiến thức cũng chẳng dại dột đổ xăng tại các cây xăng tư nhân trừ trường hợp bất khả kháng vì thị trường nào cũng tồn tại hàng kém chất lượng, trôi nổi.

L.Giang

Xăng dầu là hàng hóa chiến lược quan trọng, có ảnh hưởng lớn mọi mặt trong nền kinh tế quốc dân. Cơ quan quản lý, điều hành tránh tuyệt đối không nên để các doanh nghiệp lớn nhỏ thao túng, tạo tiền lệ xấu ảnh hưởng lâu dài cho mọi hoạt động kinh tế của xã hội.

Dân

Các doanh nghiệp buôn bán xăng dầu từ trước giờ tôi chưa thấy ai phá sản hay nghèo đâu. Lãi thì họ đút túi bao nhiêu không ai biết, chiết khấu thấp tí thì kêu lỗ, tìm đủ cách ghim hàng. 

Đề nghị ngành công thương và hải quan làm nghiêm, làm mạnh. Ông nào không trung thực thì tước giấy phép kinh doanh ngay và luôn. Một đất nước khai thác và xuất khẩu dầu thì không thể chấp nhận để tình trạng người dân, doanh nghiệp khó khăn đi mua xăng dầu được.

Lê Trung

Doanh nghiệp thì họ mua bán theo cơ chế thị trường, lời thì họ bán, lỗ thì họ nghỉ cũng là chuyện bình thường. Vấn đề là quản lý nhà nước và điều tiết thị trường như thế nào để tạo cho các doanh nghiệp cạnh tranh, tranh nhau mua bán, hàng không đứt mới là chuyện cần làm.

Kim Liên

Thương trường là chiến trường nên kinh doanh phải tính toán. Theo tôi, sai lầm của hoạch định và quy định của nhà quản lý. 

Cứ cấp giấy phép nếu đóng cửa khi biến động giá thì trong thời gian nhất định rút giấy phép. Giấy phép phải được niêm yết công khai nơi khách hàng dễ đọc dễ thấy và cơ quan chức năng quản lý phải có trách nhiệm kiểm tra và khách hàng phản hồi, nếu đóng cửa không lý do gọi đường dây nóng xử lý.

Biển Đông

Điều hành giá xăng dầu cần đổi 3 việc:

1. Bỏ quỹ bình ổn, chọn ngày kết toán quỹ, đầu mối nào có số dương nộp hết vào ngân sách, đầu mối nào có số âm trích ngân sách bù vào. Việc này là công bằng cho quyền lợi người tiêu dùng.

2. Điều hành giá 7 ngày/kỳ. Đầu mối phải đảm bảo có kho chứa đủ đảm bảo nguồn cung 14 ngày cho tất cả khách hàng của mình tính theo doanh số trung bình của 30 ngày liền kề. 

Khi đó giá bán của đầu mối nhập khẩu luôn được tính đúng, tính đủ với số lượng trong kho cho 7 ngày (7 ngày còn lại là để dự phòng tình huống khẩn cấp bất khả kháng). 

Số lượng nhập mới giá mới sẽ thuộc kỳ điều hành sau. Việc này cũng đảm bảo được lợi nhuận của nhà nhập khẩu.

3. Giá bán lẻ phải có tính thêm lợi nhuận định mức cho thương nhân và đại lý bán lẻ. Do hiện tại giá điều hành chỉ tính 300 đồng/lít cho đầu mối nhập khẩu mà bỏ qua thương nhân và đại lý nên hiện tại đầu mối chiết khấu âm thì buộc đại lý phá sản sao.

Thiện

Trước thực trạng thời gian gần đây có nhiều cây xăng đóng cửa và mới nhất là 24 doanh nghiệp gởi đơn kêu điều hành xăng dầu bất cập..., theo bạn giải pháp nào để giải quyết căn cơ vấn đề này?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn đọc gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected][email protected]. Cảm ơn bạn!

Cây xăng lại than bị Cây xăng lại than bị 'chèn ép' hoa hồng

TTO - Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết thời gian qua bị "chèn ép" hoa hồng (chiết khấu trên mỗi lít xăng dầu) khi chiết khấu đã hạ về mức 200 - 300 đồng/lít.


TR.D tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên