Tứ đại mỹ nhân (ảnh trái) là một dự án phim trực tuyến Việt được phát từ năm 2022. Trong khi đó, The Power of the Dog (ảnh trên) nằm trong nhóm phim hay nhất năm, còn Emily in Paris 2 (ảnh dưới) là ví dụ điển hình cho phim trực tuyến dở nhưng vẫn gây sốt - Ảnh: ĐPCC
Từ vị thế phụ, phải tìm cách để đủ điều kiện cạnh tranh với phim chiếu rạp, phim trực tuyến giờ đây trở thành thế lực chính tại các giải thưởng, cạnh tranh gay gắt với phim chiếu rạp.
Không chỉ lớn mạnh về chuyên môn và giải thưởng, phim trực tuyến cũng chinh phục khán giả đại chúng khi năm nào cũng có không ít loạt phim gây sốt. Thị trường phim trực tuyến bé nhỏ của Việt Nam chưa hòa chung vào xu hướng đó.
Cần đầu tư sản xuất phim trực tuyến Việt
Mới đây, cặp đạo diễn Bảo Nhân - Namcito công bố dự án phim trực tuyến tham vọng Tứ đại mỹ nhân. Đây là một phim Việt Nam hiếm hoi được đầu tư lớn để chiếu độc quyền trên nền tảng trực tuyến mà không ra rạp hay chiếu YouTube trước.
Cụ thể, phim có tầm nhìn sản xuất 6 mùa, quy tụ 4 diễn viên nổi tiếng Lan Ngọc, Phương Anh Đào, Diễm My và Jun Vũ.
Trước đó, nhận định với Tuổi Trẻ, đại diện các nền tảng phim trực tuyến Việt Nam cũng nhấn mạnh nếu muốn lớn mạnh, họ chỉ có một con đường là đầu tư sản xuất những phim trực tuyến Việt dành riêng cho người Việt, với diễn viên, câu chuyện, bối cảnh Việt. Tứ đại mỹ nhân là ví dụ tiêu biểu.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, PGS.TS Đỗ Hồng Quân - chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam - nêu ý kiến: "Chỉ đến khi chúng ta nhận ra con cháu ta say mê xem phim, nghe nhạc Hàn Quốc hơn là phim, nhạc Việt Nam; thích đọc truyện tranh Nhật Bản hơn truyện cổ tích Việt Nam; bật tivi lên bất kỳ giờ nào cũng thấy nhiều phim và nhạc nước ngoài hơn phim, nhạc Việt... lúc đó chúng ta mới bàng hoàng nhận ra nguy cơ mất nước từ bên trong".
"Nguy cơ mất nước từ bên trong" là cụm từ quá rộng và khó chứng minh bằng số liệu khoa học, nhưng hiện tượng thiếu hụt phim trực tuyến Việt cho người xem Việt là có thật. Nhiều phim trực tuyến hiện nay - do các nghệ sĩ nổi tiếng như Trấn Thành, Hồng Vân, Thu Trang - Tiến Luật, Huỳnh Lập, Võ Tấn Phát... thực hiện - đều chiếu miễn phí qua YouTube trước khi lên các nền tảng trả phí nên mất đi tính độc quyền và mới mẻ.
Nội dung các phim trực tuyến này cũng chưa thể coi là đặc sắc khi quanh quẩn một số đề tài như phim giang hồ, phim hài về khu xóm nhỏ bình dân, phim hài gia đình... Rõ ràng, chất lượng như vậy khó có thể đặt cạnh những phim trực tuyến nước ngoài đạt đến độ kỳ công về sản xuất hay xuất sắc về chất lượng.
Khi "món ngon" được phục vụ... tận giường
Trực tuyến là xu hướng của mọi ngành nghề và giải trí, phim ảnh không nằm ngoài xu hướng đó. Trong 2 năm qua, COVID-19 góp phần đẩy xu hướng này phát triển nhanh hơn, phổ biến sâu rộng hơn đến mọi mặt của nền giải trí.
Hiện nay, có thể nói không quá rằng: "Sản phẩm giải trí đang được phục vụ đến tận giường của công chúng, với số lượng vô tận và chất lượng phong phú".
Thế giới giải trí trực tuyến ngày càng được cá nhân hóa đến từng chi tiết và ngày càng chi phối đời sống của công chúng, đặc biệt là lớp khán giả trẻ. Họ truy cập những nền tảng trực tuyến để xem phim, nghe nhạc như thói quen thường ngày.
Có cả một đại dương phim và chương trình giải trí đầy màu sắc, tiếp cận người xem quá dễ dàng, giải trí trực tuyến cũng ngập tràn cám dỗ. Như đã nói, do chất lượng "phong phú", trên các nền tảng có cả những phim cực hay lẫn những phim cực dở.
Có những phim đạt trình độ nghệ thuật cao hơn hầu hết phim chiếu rạp, nhưng cũng có những phim rất dễ dãi được sản xuất vì lợi nhuận, chất lượng dưới trung bình so với phim rạp.
Điển hình là Red Notice - phim hành động quy tụ 3 ngôi sao Dwayne Johnson, Gal Gadot và Ryan Reynolds, hay Emily in Paris - phim tình cảm hài có câu chuyện nhạt nhẽo nhưng được sản xuất đến 2 mùa vì đông người xem.
Người xem gạn đục khơi trong ra sao giữa đại dương giải trí rộng lớn đó? Câu hỏi này chưa thể trả lời trong năm 2021 và cũng sẽ không thể trả lời trong năm 2022 này. Bởi ở chính các nền tảng truyền thống, lâu đời như phim truyền hình, phim chiếu rạp cũng tồn tại những sản phẩm dở tệ, dễ dãi và có ảnh hưởng xấu đến người xem nhưng vẫn được đón nhận rộng rãi.
Còn câu trả lời cho tương lai xa hơn chính là khán giả tự điều chỉnh thị hiếu của bản thân, biết dành thời gian giải trí cho những sản phẩm chất lượng hơn khi lựa chọn của họ đang là vô biên.
OTT nước ngoài và những "tai nạn"
Các nền tảng giải trí trực tuyến cũng có tính hai mặt. Khi bàn về Luật điện ảnh của Việt Nam đang được thảo luận tại Quốc hội, rất nhiều người quan tâm đến chính sách dành cho phim chiếu mạng bởi đây là một lĩnh vực quá mới, còn rất nhiều lỗ hổng về quản lý trong luật.
Một số nền tảng OTT xuyên biên giới, dù rất phổ biến tại Việt Nam, vẫn gặp nhiều tranh cãi về vấn đề đóng thuế, quản lý nội dung.
Đặc biệt là vấn đề kiểm duyệt. Dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi đề xuất các nền tảng này được quyền hậu kiểm, tức tự duyệt phim lên nền tảng và có biện pháp xử lý khi phát hiện vi phạm. Cách làm này là khả thi nhất khi xét đến số lượng phim trực tuyến khổng lồ, lên đến hàng triệu phim.
Trên thực tế, các nền tảng vẫn đang hậu kiểm. Trong mấy năm qua, khán giả đã phát hiện và yêu cầu các nền tảng xử lý, chỉnh sửa một số phim Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam như: Nhất sinh nhất thế, Em là niềm kiêu hãnh của anh, Em là thành trì doanh lũy của anh, Lấy danh nghĩa người nhà, Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận