TTCT - Dù khác nhau về quy mô, thị trường thịt heo (lợn) của Trung Quốc (TQ) và Việt Nam (VN) lại rất giống nhau về cơ cấu, không lạ khi giá thịt heo ở VN cũng đã tăng thời gian vừa qua. Tuy nhiên, câu hỏi liệu mức giá có trải qua một cuộc khủng hoảng như ở TQ hiện tại hay không lại là vấn đề hoàn toàn khác. Ảnh: scmp.com “Bản sao” không hoàn chỉnh Số liệu thống kê năm 2018 cho thấy tổng số trâu bò ở VN là hơn 8,2 triệu con và số lượng heo là 28,1 triệu con. Cộng với gia cầm thì tổng sản lượng các loại thịt chủ yếu này của VN vào khoảng 5,34 triệu tấn, tương đương sản lượng thịt bình quân đầu người 56,4kg. Trong đó, tỉ trọng của thịt heo tăng dần và đạt đỉnh 81,5% vào năm 2006, nhưng từ đó đến nay liên tục giảm và năm 2018 chạm đáy với 71,5%. Ở TQ, đàn gia súc đa dạng hơn nhiều với số lượng khổng lồ: 1,12 tỉ con vào năm 2018, riêng đàn heo là 428,1 triệu con (chiếm 38,3%). Sản lượng thịt bình quân đầu người đã đạt 76,1kg. Trong đó sản lượng thịt heo từ tỉ trọng áp đảo 94,1% trước đây cũng liên tục giảm, tới năm 2018 còn chiếm 50,9%. Với hơn 1,4 tỉ người, chiếm 18,71% dân số thế giới, và tập quán tiêu dùng nhiều thịt heo, tỉ trọng của TQ trong “rổ thịt heo thế giới” năm 2014 đạt kỷ lục 52,73%, còn năm 2018 là 49,25% (bình quân 5 năm trở lại đây chiếm 50,14%). Không chỉ giống nhau ở tỉ trọng, VN còn giống TQ khi phải đối mặt với vô vàn khó khăn do dịch tả heo châu Phi gây ra. Ở TQ, ngay từ trước khi phát hiện hai ổ dịch đầu tiên cách xa nhau đến gần 2.800km (Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang và Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang) hồi tháng 8-2018, ngành chăn nuôi TQ vốn đã tụt dốc do liên tiếp phải đối mặt bốn khó khăn lớn. Mùa đông khắc nghiệt hiếm có 2014-2015 dẫn tới sản lượng thịt heo giảm liên tiếp trong hai năm sau đó, từ kỷ lục 58,2 triệu tấn xuống hơn 54 triệu tấn. Tiếp theo, lệnh cấm chăn nuôi heo ở các khu vực đất chật người đông gây ô nhiễm không khí khiến các trang trại lớn ở những tỉnh duyên hải và miền trung TQ phải đóng cửa, mà còn đồng nghĩa với việc đẩy nguồn cung - giờ chuyển sang các tỉnh đông bắc - cách xa nơi tiêu thụ hàng nghìn cây số. Trong điều kiện như vậy, dịch tả heo châu Phi xuất hiện khiến khoảng 200 triệu con heo bị tiêu hủy kèm theo lệnh cấm vận chuyển gay gắt để hạn chế dịch bệnh lây lan, gây ra mất cân đối cung - cầu lớn. Khó khăn thứ tư là việc TQ đánh thuế đậu nành và ngừng mua nông sản Mỹ để trả đũa trong chiến tranh thương mại khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng, càng làm ngành chăn nuôi heo thêm vất vả. VN không gặp phải nhiều vấn đề như vậy nhưng trong chưa đầy sáu tháng đối mặt với dịch tả heo châu Phi vừa qua, tổng số heo bị tiêu hủy cũng đã lên tới hơn 4,4 triệu con, bằng 15,7% tổng đàn năm 2018. Từ “ủ bệnh” tới “sốt giá” Nguồn: Tác giả tổng hợp Đối mặt với khó khăn chồng chất, giá thịt heo hơi bình quân ở thị trường TQ đầu tháng 6-2019 đã vượt ngưỡng 16 nhân dân tệ/kg (52.800 đồng/kg), rồi tiếp tục tăng nhanh, đến thượng tuần tháng 9 là 28,4 nhân dân tệ/kg (93.700 đồng/kg), tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2018, và tới tháng 10 lại cán mốc mới, 39,3 nhân dân tệ/kg (129.600 đồng/kg). Mặc dù Chính phủ TQ đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích, nhưng giới chuyên gia cho rằng ngành chăn nuôi heo TQ phải mất vài năm mới có thể vượt qua nạn dịch. Giới quản lý trong nước cho biết do đàn heo nái đã giảm 27% về số lượng, tình trạng thiếu hụt có thể còn kéo dài trong 2-3 năm nữa. Điều đó có nghĩa cơn sốt giá thịt heo bùng phát từ đầu tháng 8 vừa qua mới là “khúc dạo đầu”, nhiều khả năng sẽ lên đến đỉnh điểm vào cuối năm nay và còn kéo dài chí ít tới cuối năm sau. Ngành chăn nuôi heo ở VN trên thực tế không gặp khó về nguồn cung như TQ. Các số liệu thống kê của VN cũng cho thấy dù số lượng heo thiệt hại do bệnh dịch không hề nhỏ, tổng sản lượng thịt trong 9 tháng đầu năm nay chỉ giảm 247.000 tấn, tức khoảng 9%. Quan trọng hơn, hơn 7 tháng có dịch là khoảng thời gian không ít người tiêu dùng quay lưng với thịt heo, nên nhiều khả năng nguồn cung vẫn đủ đáp ứng, như nhận định của các nhà quản lý. Xét bối cảnh đó, việc giá heo hơi bị đẩy lên 60.000-65.000 đồng/kg vào tháng 10 vừa qua và 75.000-80.000 đồng/kg mấy tuần gần đây, cao gấp hơn hai lần so với 8-9 tháng trước có thể là chiêu “thổi giá” để “ăn theo” thị trường TQ của những lực lượng có khả năng thao túng thị trường. Với thực tế đó, có thể tiên đoán tăng giá thịt heo ở VN trong thời gian tới là vẫn có thể xảy ra, nhưng ở mức độ thấp hơn hẳn bởi ba lẽ chủ yếu: Thứ nhất, thống kê cho thấy trong gần hai thập kỷ qua, tổng xuất khẩu thịt heo của VN chưa bao giờ vượt ngưỡng 50.000 tấn, kim ngạch chưa bao giờ đạt 100 triệu USD, trong đó thị trường TQ là không đáng kể, ở dưới ngưỡng 1.000 tấn và 4 triệu USD. Thậm chí trong danh mục các thị trường nhập khẩu thịt và phụ phẩm thịt ăn được nói chung của VN 7 tháng đầu năm nay còn không có tên thị trường này, do VN cũng là nước có dịch tả heo châu Phi và TQ đang tăng cường thắt chặt biên mậu, khiến chuyện ồ ạt gom heo để xuất khẩu sang TQ như hai năm 2015 và 2016 là khó xảy ra. Thứ hai, việc giá thịt heo gần đây tăng mạnh là dễ hiểu, có thể là “khúc dạo đầu” trước khi lên đến đỉnh điểm vào khoảng trước Tết Nguyên đán và còn tiếp tục kéo dài. Giá thịt heo tăng mạnh không hẳn do cán cân cung - cầu, bởi tuy cầu gia tăng nhưng lượng cung vẫn còn tồn lại trong 7 tháng dịch đầu tiên do người tiêu dùng e ngại loại thực phẩm này. Tuy nhiên, trong điều kiện nhu cầu tiếp tục nhích lên trong những tháng tới, đặc biệt sẽ tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán, mà người chăn nuôi vẫn chưa tái đàn mạnh do dịch vẫn còn, nguồn cung sẽ cạn dần và sốt giá chính là hệ quả. Thứ ba, việc giá gia cầm quá rẻ thời gian qua một mặt do nguồn cung dư thừa, mặt khác còn do nguồn cung thịt heo vẫn dồi dào. Không những vậy, cũng là thịt heo, nhưng thói quen của người tiêu dùng nước ta là thịt heo nóng (thịt tươi), chứ không phải thịt đông lạnh, nên dù giá rất rẻ nhưng nguồn thịt nhập khẩu cũng ít có chỗ đứng trong thị trường VN. Tóm lại, việc giá thịt heo hiện bắt đầu tăng mạnh trong ngắn hạn ở VN có nhiều khả năng là tác động lan tỏa tâm lý ngày càng mạnh từ thị trường TQ, còn sốt giá thực sự do cung - cầu căng thẳng vì dịch bệnh sẽ là vấn đề của dài hạn, và phải ở mức độ thấp hơn so với thị trường khổng lồ láng giềng.■ Nguy cơ lạm phát Cuộc khủng hoảng giá thịt heo ở Trung Quốc che giấu một nguy cơ khác còn lớn hơn: gia tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát. Theo số liệu của Cục Thống kê nhà nước TQ, chỉ số lạm phát hàng tiêu dùng của nước này đã đạt mức đỉnh trong gần 8 năm vào tháng trước, khi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. CPI 3,8% của tháng 10-2019 không chỉ là cao nhất kể từ tháng 1-2012, mà cũng cao hơn hẳn mức lạm phát mục tiêu của chính phủ năm nay là 3%. Không khó hiểu, lạm phát tăng chủ yếu do giá thịt heo tăng, ở mức 101,3% vào tháng 10 so với cùng kỳ 2018, góp phần vào 23,35% mức tăng giá với gói hàng thực phẩm trong rổ CPI. Bất chấp những nỗ lực tổng lực của chính quyền, việc thiếu một loại văcxin ngừa dịch tả heo châu Phi hữu hiệu khiến không có cách nào dễ dàng và nhanh chóng để tăng nguồn cung thịt heo. Nhập khẩu thêm cũng không phải là giải pháp, không chỉ vì nhu cầu ngừa dịch, mà còn bởi thực tế TQ hiện là nước nhập khẩu thịt heo lớn nhất thế giới rồi, nơi tiêu thụ hơn một nửa lượng thịt heo xuất khẩu toàn cầu. Giá cả được dự báo còn tăng hơn nữa trong dịp Tết âm lịch sắp tới. Nomura Global Economics dự báo CPI TQ sẽ tiếp tục tăng ở mức 4,6% vào tháng 11 và đạt đỉnh 6% vào tháng 1-2020, tháng diễn ra Tết âm lịch. Giá thịt heo leo thang còn gây ra rủi ro “lạm phát tràn”, tạo áp lực tăng giá lên các hàng hóa thay thế như thịt gà, bò hay cừu. Nếu loại trừ lạm phát do giá thịt heo, CPI của TQ thực ra vẫn khá thấp, với mức tăng so với năm ngoái là 1,4% và tăng hằng tháng chỉ khoảng 0,1%. Riêng giá thịt heo tăng, chưa kể hiệu ứng “lạm phát tràn”, đã chiếm 2,4 điểm phần trăm của CPI. Nếu lạm phát quả thật cao hơn mức mục tiêu 3%, đây sẽ là thời điểm không tốt chút nào với kinh tế TQ. Mức tăng trưởng GDP 6% giai đoạn quý 3-2019 đã là thấp nhất kể từ khi chính quyền công bố số liệu đó vào quý 1-1992. Và mức tăng trưởng 6% còn có ý nghĩa là một rào cản tâm lý - chính trị rất quan trọng với chính quyền Bắc Kinh. Rất rõ ràng là thịt heo ở đây không chỉ là thịt heo nữa. LOAN PHƯƠNG Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Biến động giá thịt heo: đi tìm lời giải Tags: Trung QuốcViệt NamThịt heoBản saoSốt giáỦ bệnhHeo tai xanh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.