Được chào giá cao hơn hợp đồng đã ký, nhiều nông dân đã "bẻ kèo" với người đặt trước khiến nhiều đơn vị thiếu hàng và nguy cơ đền hợp đồng với đối tác.
Cò nâng giá, nông dân "bẻ cọc"
Khoảng tuần nay, tại các vườn sầu riêng các xã Ea Kiết, Ea Tul, Ea Tar, Ea Kuêh... (Cư M’gar, Đắk Lắk) nhộn nhịp cảnh mua bán, cắt hái sầu riêng. Đây là một trong những vùng trồng sầu riêng cắt bán, xuất khẩu sớm nhất tại Đắk Lắk nên giới "cò chốt giá" cùng dạt về đây.
Loạn giá bán sầu riêng ở Tây Nguyên do 'cò' nâng giá, nông dân 'bẻ cọc'
Giữa trưa 11-8, gia đình anh Vinh (xã Ea Kuêh) đang cắt những quả sầu riêng đã chín để bán cho thương lái. Vườn nhà anh Vinh có khoảng 100 cây sầu riêng trồng xen thì có khoảng 20 cây cho thu hoạch năm nay. Khoảng hơn 1 tháng, một thương lái từ Tây Ninh lên đặt cọc gia đình anh 300 triệu với giá 65.000 đồng/kg.
"Nay giá ở đây họ mua 85.000 - 90.000 đồng/kg, gia đình tôi cũng xót ruột. Nhưng mình chốt bán cho người ta từ đầu mùa, lúc trái còn nhỏ chưa biết đẹp hay xấu nên mình phải thực hiện đúng thỏa thuận. Tuy nhiên chị thương lái cũng rất tử tế, mua đồng giá quả nhỏ đến quả lớn với giá 72.000 đồng/kg. Giá này gia đình tôi đã rất có lời, vui lắm rồi", anh Vinh phấn khởi.
Vậy nhưng không phải nông dân nào cũng "chất phác" như anh Vinh, việc nâng giá dẫn đến bỏ cọc xảy ra ở nhiều nơi.
Chị Yến, một thương lái buôn sầu riêng cả chục năm nay, bán trực tiếp tận Trung Quốc, Thái Lan, ngao ngán với mức giá chốt bán nhảy múa như năm nay.
Chị cho biết từ 2 tháng trước, chị đã đi rất nhiều nhà vườn, chọn những vườn có cây, quả đẹp để chốt giá, chuẩn bị nguồn hàng đi Trung Quốc.
"Lúc đó giá sầu riêng ở Tây Nguyên đang thấp, tôi chốt các vườn với giá 65.000 đồng/kg. Thế nhưng gần đến lúc cắt, nhiều nhà vườn kiếm cớ "bùng hợp đồng". Một nhà vườn ở huyện Ea Kar nhận 900 triệu tiền cọc bán khoảng 70 tấn sầu riêng, nếu bên nào vi phạm sẽ đền gấp ba. Thế nhưng khi có người chốt giá 85.000 đồng/kg thì tự ý bỏ cọc nhưng chỉ đền cọc 900 triệu đồng. Để bù số hàng 70 tấn này, tôi còn chưa biết kiếm đâu ra. Nếu không đủ hàng thì tôi bị đối tác phía Trung Quốc, Thái Lan bắt đền cọc gấp ba lần hợp đồng", chị Yến nói.
Chị Ân, một chủ vựa từ tỉnh Tây Ninh lên mua sầu riêng, cũng khổ sở vì bị "bẻ cọc". Chị Ân kể mới tuần trước chị bị một nhà vườn ở Đắk Nông "bẻ cọc" khi được thương lái, cò sầu riêng khác chốt giá cao hơn dù đã nhận trước 800 triệu cọc cho 40 tấn sầu riêng.
"Hôm qua có một nhà vườn đã nhận hơn 1 tỉ tiền cọc nhưng khi có người đến trả giá cao thì người này gọi điện lớn giọng đòi tăng giá hoặc họ sẽ "bẻ cọc", muốn làm gì thì làm", chị Ân ngán ngẩm.
Doanh nghiệp ôm sầu
Nguyên nhân giá sầu riêng mua tại vườn tăng chóng mặt, các thương lái và doanh nghiệp cho rằng là do có sự tham gia của nhiều nhóm "cò đất" chuyển sang làm "cò chốt giá sầu riêng". Nhóm này chả hiểu gì về sầu riêng, cứ chốt bừa rồi sang tay kiếm lời.
Ngoài ra một số thương lái, cò sầu riêng người Trung Quốc, Thái Lan có mặt ngay tại các vùng trồng sầu riêng dẫn đến tình trạng loạn giá.
Những người này thường có 1-2 người phiên dịch, cò dẫn đi xem vườn, họ ưng vườn nào là chốt luôn, giá cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg.
"Có thể họ có nguồn tiêu thụ nhưng cũng có thể họ khiến thị trường loạn giá để thâu tóm rồi áp đặt giá mua. Tuy nhiên, người nông dân khi nghe giá cao như vậy đều chốt bán, "bẻ cọc" dù không hề biết những người này là ai", chị Yến phân tích.
Nói thêm về việc này, bà Ngô Tường Vy - tổng giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu - cho hay việc nông dân hủy hợp đồng cọc đã làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như tình hình kinh tế tài chính của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không thể lấy lý do nông dân "bẻ cọc" để hủy hợp đồng với đối tác vì sẽ phải bồi thường và cái thiệt hại lớn nhất là uy tín, thương hiệu.
Theo bà Vy, mức giá đã chốt trước đây với người dân từ 60.000 - 65.000 đồng/kg (mua xô, không kể trái to, nhỏ) thì người nông dân đã có lãi rất nhiều. Nếu vườn tỉ lệ 90% hàng loại 1 thì có thể mua giá 80.000 đồng/kg, tỉ lệ vườn 60% hàng loại 1 thì chỉ có thể mua được 65.000 - 70.000 đồng/kg là hợp lý.
Tuy nhiên, nông dân không hiểu vấn đề này mà vẫn cho rằng giá chốt hiện nay 90.000 - 95.000 đồng/kg là cho cả vườn dẫn đến hủy cọc.
Phân tích thêm về việc này, ông Lê Anh Trung - phó chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk - nhìn nhận tình trạng thổi giá hiện nay sẽ tạo nên hệ lụy khiến các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bị phá vỡ hoàn toàn.
Để tránh tình trạng xung đột lợi ích về sau, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk khuyến cáo thành viên là người nông dân và hợp tác xã trong việc thực hiện các hợp đồng thương mại.
Khi ký hợp đồng cần kiểm tra đánh giá kỹ lưỡng năng lực doanh nghiệp xuất khẩu; cơ sở đóng gói ở đâu, quy mô công suất như thế nào. "Vì cái lợi trước mắt, giữa các bên sẽ mất niềm tin với nhau, khó cùng nhau phát triển", ông Trung nói.
Giá sầu riêng tại vườn lên tới 100.000 đồng/kg
Ông Lê Văn Thanh - giám đốc Hợp tác xã sản xuất, thương mại, dịch vụ và du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, Gia Lai) - cho biết giá sầu riêng thời gian qua liên tục tăng cao.
Nếu như vào tháng 5 đầu mùa, giá các thương lái đặt cọc tại vườn là khoảng 50.000 đồng/kg thì giá hiện tại, khi vụ sầu riêng mới ở giữa vụ, giá thu mua đã lên đến 80.000 đồng/kg. Riêng giá sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu có thể lên đến 100.000 đồng/kg.
Cùng thời gian này năm ngoái, giá sầu riêng chỉ ở mức 40.000 - 45.000 đồng/kg. Năm nay giá đã tăng gần gấp đôi.
Giải thích về tình trạng này, giám đốc hợp tác xã với hơn 200ha sầu riêng cho biết năm nay hầu hết các nơi bị mất mùa sầu riêng, thị trường có dấu hiệu khan hiếm hàng.
"Vào tháng 11 đến tháng 12, khi sầu riêng bắt đầu ra hoa, lẽ ra các trận mưa đã chấm dứt nhưng lúc này trời vẫn tiếp tục mưa gây rụng hoa ở nhiều vườn sầu riêng. Có những vườn hoa rụng đến 70 - 80%. Thậm chí đến tận tháng 1 năm nay, khi sầu riêng bắt đầu kết trái thì trời vẫn còn tiếp tục mưa khiến sản lượng quả năm nay bị ảnh hưởng nặng nề" - ông Thanh lý giải.
Theo ông Thanh, sản lượng sầu riêng sụt giảm trên toàn vùng khiến các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc bị hụt nguồn hàng buộc các doanh nghiệp này phải đẩy giá cao để thu mua cho đủ hàng xuất khẩu, nếu không sẽ bị phạt hợp đồng.
"Hợp đồng xuất khẩu đã ký kết rồi mà tới vụ không có đủ hàng xuất cho người ta là sẽ bị phạt hợp đồng nên doanh nghiệp dù có phải chịu lỗ cũng phải cố thu mua. Nguyên nhân là do họ không tính trước, ước lượng được sản lượng năm nay", ông Thanh nhận định.
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Gia Lai có 4.068ha sầu riêng, trong đó diện tích cho sản phẩm là 1.706,5ha, sản lượng đạt trên 24.870 tấn. Dự kiến kế hoạch đến năm 2025 Gia Lai sẽ có diện tích sầu riêng 5.000ha.
Chặn thao túng thị trường, bảo kê, ép giá sầu riêng
Để đảm bảo an ninh trật tự mùa sầu riêng, trung tá Thái Khắc Chính - trưởng Công an huyện Cư M’gar - cho biết từ trước khi mùa vụ diễn ra, đơn vị đã có kế hoạch để bảo vệ mùa màng.
Công an huyện và công an các xã tổ chức lực lượng xung kích thường xuyên "đến từng vườn, gõ cửa từng chòi rẫy" để nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng chống trộm cắp mùa sầu riêng. Riêng lực lượng công an huyện, các xã luôn cắt cử 30% quân số để đi tuần tra các điểm để cùng nhân dân phòng chống trộm cắp.
Đối với việc "loạn chốt giá" sầu riêng, trung tá Chính cho rằng đó là các hợp đồng dân sự, là quyền của người dân và thương lái. Tuy nhiên để đảm bảo an ninh trật tự, tránh những hệ lụy về sau, Công an huyện đã thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an toàn cho người dân, doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng.
Các xã đều thành lập nhóm Zalo kết nối với từng chủ vườn để khi có thông tin các nhóm cò, thương lái có biểu hiện đến các vườn trả giá cao bất thường, thương lái có yếu tố nước ngoài... thì nông dân báo ngay.
"Công an không làm khó việc làm ăn, buôn bán nhưng phải kiểm tra nhân thân những người lạ mặt, trả giá cao bất thường nhưng năng lực tài chính đến đâu, có làm ăn thật hay không để ngăn chặn nạn ép giá, bảo kê mùa sầu riêng từ những người lạ mặt", ông Chính nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận