Một lớp học theo mô hình VNEN tại Đắk Nông - Ảnh: LINH ĐAN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - phó tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục - nói:
- Sắp tới giá bán (SGK) có thể sẽ là một trong những yếu tố cạnh tranh giữa các bộ sách. Nhiều bộ sách thì số lượng phát hành của mỗi bộ sẽ giảm đi so với hiện nay, dẫn đến giá công in tăng cao hơn. Giá thành của bộ sách còn phụ thuộc vào chất lượng giấy, chất lượng in, cách thức tổ chức sản xuất và phát hành... Các nhà xuất bản phải cân đối tất cả các yếu tố đó để đưa ra giá bán hợp lý.
* Nhưng giá sách VNEN đắt gấp 4 lần so với SGK của Bộ GD-ĐT, như vậy có phải vì chưa phải "cạnh tranh"?
- Sách VNEN có khổ sách lớn hơn (19cmx27cm) so với SGK hiện hành (17cmx24cm). Ngoài nội dung kiến thức, sách VNEN có thêm nội dung hướng dẫn cách học cho học sinh và cách tổ chức học cho giáo viên, có thêm các bài tập.
Như thế sách VNEN không có sách giáo viên và sách bài tập, nên tăng số trang so với SGK hiện hành. Sách VNEN được in 4 màu với chủng loại giấy có chất lượng cao. Đó là những lý do khiến sách VNEN có giá bìa cao hơn trung bình 1,6 lần so với SGK hiện hành.
Giá sách VNEN cũng do Bộ Tài chính quản lý, giá sách tương ứng với chất lượng và những lợi ích khi sử dụng.
* Việc bộ sách VNEN đang thí điểm nhưng in số lượng tăng đột biến lại chỉnh sửa hằng năm nên không dùng lại được, gây lãng phí, ông có giải thích gì? Tình trạng này liệu có tái diễn khi biên soạn bộ sách phát triển từ tài liệu VNEN?
- Năm đầu tiên dự án mới có ở lớp 2, những năm sau đó có thêm các lớp học trên, số trường tự nguyện áp dụng mô hình trường học mới cũng tăng thêm nên số lượng phát hành sách VNEN cũng tăng theo.
Cũng như SGK, hằng năm Bộ GD-ĐT đều hướng dẫn việc dùng lại sách VNEN cho các năm học sau. NXB Giáo Dục cũng dành riêng một nửa trang ở đầu sách để hướng dẫn giáo viên và học sinh cách giữ gìn và dùng lại sách VNEN cũ.
Những hạn chế của SGK hiện hành cũng như của sách VNEN sẽ phải được khắc phục trong bộ SGK mới. Việc chỉnh sửa cập nhật SGK trong quá trình sử dụng sẽ rất ít nhưng không thể tránh được. Đây cũng là cách làm của các bộ SGK trên thế giới.
Chúng tôi cũng đang cân nhắc phương án hạn chế chỉnh sửa SGK bằng việc đưa nội dung cần cập nhật vào tài liệu dành cho giáo viên, hoặc làm tài liệu đính kèm giúp giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng mà không cần chỉnh sửa SGK.
Ông Nguyễn Văn Tùng
* Bộ sách sắp biên soạn có điều chỉnh gì để tránh việc học sinh viết, vẽ vào sách không?
- Không nên nhầm lẫn giữa việc thiết kế các hoạt động học, các bài tập có yêu cầu điền khuyết, nối ghép... trên SGK với yêu cầu học sinh phải viết, vẽ lên sách. SGK của nước nào cũng có những phần như vậy.
Nếu có điều kiện, để cho học sinh viết, vẽ... ngay trên đó thì hoạt động học sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn. Đây là một yêu cầu về mặt phương pháp nhằm đa dạng hóa hình thức kiểm tra đánh giá, tạo hứng thú học tập, kích thích học sinh hoạt động, tăng cường hiệu quả dạy học.
Trong điều kiện của nước ta, theo tôi, cần linh hoạt theo hoàn cảnh cụ thể, trong đó có ưu tiên phương án hướng dẫn học sinh làm bài ra giấy, vở riêng để tận dụng lại SGK cho những năm sau. Sắp tới điều đó cần được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn.
* Nghị quyết 88/2014/QH13 quy định: Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.
* Hiện tại đã có những nhóm/đơn vị khác triển khai soạn thảo SGK dựa trên dự thảo chương trình giáo dục mới, vậy tiến độ biên soạn bộ sách phát triển từ tài liệu VNEN như thế nào?
- Bộ sách này sẽ giao cho Công ty Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội trực thuộc NXB Giáo Dục tổ chức. Trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các dự thảo chương trình môn học, chúng tôi đã tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc biên soạn sách, từ nhân lực, vật lực đến tài lực như xây dựng và kiện toàn đội ngũ tác giả, chủ biên, tổng chủ biên các môn học, tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn trao đổi về định hướng, phương pháp biên soạn SGK mới...
Nhìn chung các khâu chuẩn bị đã tương đối kỹ lưỡng và chi tiết. Khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình môn học, việc biên soạn SGK mới sẽ được triển khai chính thức.
* Những ưu điểm nào của bộ sách VNEN sẽ được tiếp thu và phát triển ở bộ sách này?
- Sẽ có nhiều ưu điểm của bộ sách VNEN được áp dụng vào bộ SGK mới. Một là mỗi bài học đều được thiết kế theo logic hoạt động nhận thức gồm 4 phần: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập và vận dụng; điều này đã được quy định trong thông tư 33 của Bộ GD-ĐT.
Hai là nội dung mỗi bài học được thể hiện thông qua các hoạt động học tập của học sinh và đó cũng là gợi ý cho giáo viên cách tổ chức hoạt động học. Học sinh được trải nghiệm qua các hoạt động học tập để phát triển năng lực.
* Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Căn cứ thông tư này, các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện có quyền bình đẳng và cạnh tranh một cách lành mạnh trong việc biên soạn, đề nghị bộ thẩm định SGK. Các bộ sách đã được thẩm định sẽ được sử dụng trong các nhà trường.
* Để bảo đảm công bằng, minh bạch, tất cả vì quyền lợi của học sinh, Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông trên cơ sở ý kiến giáo viên, phụ huynh và học sinh; quy định cụ thể trách nhiệm của sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong quản lý việc lựa chọn, sử dụng SGK.
Theo Bộ GD-ĐT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận