Thị trường lao động trong nước chậm hồi phục

VŨ THỦY - A LỘC - TÂM LÊ 29/10/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Nhu cầu tuyển dụng hiện nay của các doanh nghiệp so với cùng kỳ các năm trước suy giảm. Tuyển dụng mới cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều nhà máy đã cho công nhân quay lại sản xuất bình thường. Ảnh: NGÂN HÀ

 

Vướng quy định đi lại

Hiện Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao TP.HCM) có khoảng 3.000 lao động. “Bình thường, công ty cần khoảng 6.000 công nhân nhưng hiện chỉ duy trì một nửa. Chúng tôi liên tục tuyển dụng nhưng rất khó tuyển người vào thời điểm này” - ông Lưu Kim Hồng, chủ tịch công đoàn Nidec, cho biết.

Công ty CP cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh) cũng đang muốn tuyển thêm 50 - 60 người, cả lao động có tay nghề và lao động phổ thông để tăng cường sản xuất. Họ nhận được rất ít đơn đăng ký tuyển.

Với các doanh nghiệp nằm ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp, việc tập hợp công nhân cũ và tuyển dụng mới còn khó khăn hơn. 

Tại một công ty may ở quận 12, TP.HCM, phần lớn công nhân đã về quê nên dù công ty này trở lại sản xuất từ ngày 1-10, họ chỉ đủ nhân lực hoạt động cầm chừng với khoảng 100 người đi làm lại, trong khi bình thường có khoảng 300 lao động. 

Công ty này không đủ khả năng chi trả lương cho người lao động trong thời gian 3 tháng ngưng sản xuất nên người lao động không thể bám trụ. Công nhân ở Huế, Quảng Trị và các tỉnh miền Tây đều chưa thể quay trở lại.

Nhiều người lao động ở nhiều tỉnh thành đang mong ngóng quay trở lại đi làm. Hai vợ chồng chị Phan Thị Thủy (27 tuổi, Huế) về quê từ tháng 7.

“Tôi làm công nhân may, chồng làm thợ tiện. Đợt thành phố bùng dịch, công ty đóng cửa nên hai vợ chồng chạy về quê. Giờ công ty gọi đi làm lại mừng lắm. Nhưng liên hệ nhà xe thì họ chỉ đồng ý chở nếu tiêm một mũi vắc xin và có giấy xét nghiệm âm tính. Ở quê chưa ai được tiêm nên cũng chưa biết sao” - chị Thủy bày tỏ.

Theo Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, đến nay phần lớn các doanh nghiệp tại đây đã tái sản xuất. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tăng lao động và đã tuyển dụng qua nhiều kênh song vẫn thiếu.

 “Thiếu về nguồn cung và vướng về cơ chế đi lại giữa các tỉnh nên lao động muốn đi làm không đến tuyển dụng được. Cơ quan chức năng cần phải tháo gỡ chuyện này, không nên yêu cầu test và kiểm tra kết quả trên đường như hiện nay - đại diện Ban quản lý Khu Công nghệ cao nói.

Kết nối việc tuyển dụng còn khó khăn

Theo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, 3 tháng qua (tháng 8 đến 10), các doanh nghiệp ở tỉnh cần tuyển khoảng 22.000 lao động, từ nay đến cuối năm cần hơn 40.000 lao động.

Các lĩnh vực cần tuyển nhiều là may mặc, giày da, chế biến gỗ, điện tử... Trong đó, nhu cầu lao động phổ thông chiếm 95%, lao động có trình độ sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học chỉ chiếm 5%.

Ông Lê Nhật Trường, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pousung VN (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), cho biết có khoảng 15.000 trong tổng số hơn 23.000 lao động của công ty quay lại làm việc (65%).

Hơn 8.000 lao động chưa thể quay lại dù đã tiêm vắc xin nhưng chưa đủ 14 ngày. Doanh nghiệp này dự tính tuyển bù số lao động thâm hụt và tuyển mới từ 3.000 - 4.000 lao động để mở rộng sản xuất. Ông Trường nhận định 2 tháng cuối năm còn khó tuyển dụng hơn.

Ông Nguyễn Tấn Pháp, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pouchen VN (TP Biên Hòa), cho biết trước dịch công ty có khoảng 16.700 lao động. Hiện doanh nghiệp đã làm test nhanh cho lao động để chuẩn bị khôi phục sản xuất. 

Dự kiến họ cần khoảng 3.000 lao động để đảm bảo công suất tối đa. Nhiều phương thức tuyển dụng đã được thực hiện, tuy nhiên ông Pháp cho rằng thị trường lao động đã tương đối bão hòa, vì vậy việc tuyển đủ số người sẽ không dễ.

Bà Trần Thị Thùy Trâm, phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, cho biết nhu cầu tuyển dụng có nhưng kết nối, tuyển dụng còn khó khăn bởi việc đi lại giữa các tỉnh vẫn chưa thực sự trong trạng thái “bình thường mới”, mỗi tỉnh quy định khác nhau. 

Tại Đồng Nai, công nhân “vùng đỏ” vẫn chưa đi làm, các “vùng cam”, “vùng vàng” phải có phương án riêng. Do đó, doanh nghiệp ưu tiên hoàn tất thủ tục, hồ sơ, test COVID-19 đối với các vị trí cần tuyển ngay như quản lý xưởng, thông dịch viên, kế toán, quản lý nhân sự, lái xe nâng, kỹ thuật điện - điện tử... 

Đối với lao động phổ thông, quy định phải đáp ứng điều kiện tiêm đủ liều vắc xin hoặc 1 mũi sau 14 ngày gây khó cho việc kết nối lao động, dù có giới thiệu được nhưng lao động chưa thể đi làm được liền. Lao động ngoại tỉnh hiện trong tình trạng phỏng vấn xong rồi “để đó”, chờ đến khi Đồng Nai nới lỏng, cho lao động được đi xe máy vào địa phương mới.

Bên cạnh đó, việc lên phương án đón công nhân tốn khá nhiều thời gian, nhiều thủ tục nên chỉ những doanh nghiệp thực sự “mặn mà” mới đeo đuổi tuyển dụng lao động trong giai đoạn này.

Cũng theo bà Trâm, không chỉ Đồng Nai mà doanh nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Long An đều có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lên đến hàng chục ngàn lao động. Do đó, người lao động sẽ nhìn vô các yếu tố đãi ngộ, lương thưởng để chọn doanh nghiệp phù hợp.

 “Trung tâm đang kết nối với các tỉnh thành có lao động về quê mà có nhu cầu quay trở lại, chừng nào thông xe lao động sẽ trở lại” - bà Trâm nói.

null

 

Xu hướng làm tự do, tự kinh doanh?

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: “Dịch bệnh vẫn đang ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người lao động rất lớn, từ giờ tới cuối năm. Doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển nhưng lại sợ dịch bệnh phải dừng lại, trong khi tâm lý của người lao động muốn ở quê cho dịch ổn định rồi ra tết mới tính”.

Theo bà Hương, trong thời gian nghỉ dịch đã có sự chuyển dịch lao động giữa một số ngành nghề. Không ít người đã chuyển sang làm tự do hoặc kinh doanh online sau nhiều tháng giãn cách đã làm quen với việc này. Những lao động trở về quê cũng có thể phát triển ở địa phương nhờ công nghệ. 

Họ có thể kết nối sản xuất và đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng mà không cần qua khâu trung gian nào. Cách này có thể kéo giãn lao động, không tập trung quá đông ở các đô thị và khu công nghiệp.

Theo khảo sát của Navigos Group - tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks, công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, khi được hỏi về tình trạng hiện nay khi dịch bệnh bùng phát trở lại, có đến 41,5% người lao động cho biết họ đã thôi việc và chưa có việc làm mới.

 Nhiều người trong số họ đã chuyển sang làm thời vụ hoặc tự kinh doanh riêng. Nguyên nhân do các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự hoặc giảm lương thưởng trong thời gian này. Ngoài ra, số người lao động đang làm việc ổn định tại công ty vẫn chiếm tỉ lệ khá lớn, trên 47%. 

Con số này tương ứng với việc có gần 50% doanh nghiệp cùng tham gia khảo sát không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra.

Bà Dương Thúy Quỳnh, đại diện Navigos Group, cho biết để đáp ứng nhu cầu phục hồi hoạt động, doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển dụng cho ba lĩnh vực gồm kinh doanh/bán hàng, IT (công nghệ thông tin), kỹ thuật. 

Sau đó, doanh nghiệp vẫn cần những bộ phận như tiếp thị - marketing, chăm sóc khách hàng để có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường đúng cách.

Tuy nhiên, cũng theo khảo sát của Navigos Group, tuyển dụng của nhiều ngành nghề so với cùng kỳ các năm trước sụt giảm, trong đó có ngành năng lượng, ngành hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ...

Trước đó, nhiều nhà máy, doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu sử dụng năng lượng sụt giảm, phải giảm công suất phát điện lên lưới từ 50 - 70%. Điều này khiến các doanh nghiệp mảng năng lượng gặp nhiều khó khăn, giảm nhu cầu tuyển dụng và mức lương cho các vị trí thấp hơn so với thị trường hiện nay.

Tương tự với ngành hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn hoặc vẫn chỉ duy trì ở mức thấp. Người lao động trong mảng này do ảnh hưởng bởi COVID-19 nên không cởi mở với các cơ hội mới nhằm đảm bảo sự an toàn trong công việc. Do đó, dù nhu cầu tuyển dụng không lớn nhưng thị trường vẫn khan hiếm ứng viên tiềm năng cho các vị trí đang cần tuyển.

Dự báo trong quý 4, các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ mở cửa trở lại và nhu cầu tuyển dụng có chiều hướng tăng nhẹ vào đầu năm 2022. 

50% doanh nghiệp ưu tiên tuyển mới, người kinh nghiệm

Theo kết quả khảo sát của Navigos Group, gần 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ tuyển dụng những người mới hoàn toàn. Đây là điểm đáng chú ý cho cả nhà tuyển dụng và người tìm việc. Sau khi nền kinh tế hồi phục, doanh nghiệp vẫn cần phải cân đối các khoản chi phí hoạt động và việc tuyển dụng mới nhằm tối ưu chi phí. 

Tuy nhiên, vẫn có khoảng 36,9% doanh nghiệp ưu tiên những người đã từng làm việc ở công ty sau đó mới tuyển mới. Cũng theo thống kê, hơn 72% doanh nghiệp mong muốn tuyển dụng nhóm nhân viên có nhiều kinh nghiệm, được xem là bệ phóng để tăng năng suất làm việc cho doanh nghiệp. 

V.THỦY

Tăng lương cơ bản để thu hút lao động

Gần đây, nhiều công ty của Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Quang Minh (Hà Nội) và khu công nghiệp các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương liên tục đăng thông tin tuyển dụng. Có công ty tuyển số lượng lớn tới 1.000 công nhân, có công ty tuyển không hạn chế số lượng. Điều đặc biệt, lương cơ bản và các chế độ đãi ngộ đều tăng và công khai chi tiết.

Các nhà tuyển dụng đã đăng thông tin nhiều nơi, kể cả trên các trang mạng và đăng tuyển liên tục. Kèm một bảng thông tin dài về chế độ ưu đãi đính kèm như tuyển công nhân chính thức so với trước đây phần lớn tuyển công nhân thời vụ. Lương cơ bản tăng từ 4,5 lên 4,9 triệu đồng/tháng. 

Trợ cấp chung 350.000 đồng, ngoài ra nơi ở chỉ mất 50.000 đồng, điện nước miễn phí; được trợ cấp làm ca đêm và tăng ca, làm tháng đầu tiên đã được đóng bảo hiểm xã hội; được nghỉ 2 - 3 ngày thứ bảy và các ngày chủ nhật trong tháng; thưởng lễ, tết đầy đủ; tính chế độ lâu năm từ tháng thứ 3, đặc biệt nhấn mạnh làm một ngày cũng trả lương...

Công ty Santomas cũng ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đăng thông tin tuyển lao động nữ đi làm chính, số lượng không giới hạn. Công ty này có mức lương cơ bản hơn 5 triệu đồng/tháng, bảng lương phụ cấp khá cao, gồm trợ cấp đi lại 300.000 đồng, trợ cấp nhà ở 300.000 đồng, trợ cấp chuyên cần 200.000 đồng, trợ cấp nóng, mùi (môi trường) 200.000 đồng. Mức lương làm thêm giờ khá hấp dẫn, tăng từ 150% tới 390%.

Cũng về lĩnh vực điện tử, Công ty Elentec thuộc Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội, tuyển dụng 50 nữ đi làm ngay. Mức lương trung bình mỗi tháng người lao động có thể nhận được từ 8,5 đến 10,5 triệu đồng. Công ty hỗ trợ test COVID-19 miễn phí để công nhân được đi làm ngay.

Trên các bảng tuyển dụng có thể thấy số lượng công ty cần tuyển nhân sự gấp tăng đột biến so với thời điểm này các năm trước. Có nhà tuyển dụng đăng tuyển cho 3 - 4 khu công nghiệp, công ty nào phỏng vấn trước thì người lao động sẽ được đi làm sớm. 

Tuy nhiên, dưới bảng tuyển dụng, số lượt quan tâm của người lao động khá ít ỏi, chỉ vài lượt thích và bình luận. Phần tuyển dụng có số điện thoại cá nhân của nhân viên tuyển dụng, người lao động đều có thể liên lạc để biết thêm thông tin. 

TÂM LÊ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận