Sếp doanh nghiệp bất động sản thu nhập tiền tỉ mỗi tháng
Thời điểm các doanh nghiệp niêm yết dồn dập công bố báo cáo tài chính quý 3-2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (CIC Group - CKG) mới đây ra báo cáo bán niên 2023 đã soát xét.
Trước đó, cổ phiếu CKG bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 12-10-2023 vì lý do chậm nộp loại báo cáo này.
Báo cáo vừa công bố cho thấy doanh thu 6 tháng đầu năm nay CIC Group đạt 664 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 78 tỉ đồng, giảm 20%.
Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán, bà Phạm Thị Như Phượng - tổng giám đốc CIC Group - cho biết kỳ này chi phí bán hàng tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái do việc bán nhà bị chậm lại, công ty phải thực hiện khuyến mãi lớn nhằm hút khách hàng.
Ngoài ra nguồn thu từ dự án nhà ở xã hội chiếm 39% tổng doanh thu nửa đầu năm nay nhưng theo quy định về giá bán loại hình này, lợi nhuận không vượt quá 10% chi phí đầu tư. Vì vậy, tỉ suất lợi nhuận của dự án nhà ở xã hội làm giảm lợi nhuận chung của công ty, bà Phượng lý giải.
Kinh doanh khó khăn hơn, tiền lương và các khoản thu nhập khác của các lãnh đạo công ty 6 tháng đầu năm nay đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
6 tháng đầu năm nay, ông Trần Thọ Thắng - chủ tịch hội đồng quản trị - nhận gần 8,5 tỉ đồng, giảm 11% nhưng vẫn cao hơn nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cùng ngành. Trước đó, năm 2022, ông Thắng nhận thu nhập 13,7 tỉ đồng, gần gấp đôi năm 2021.
Người thu nhập cao thứ hai tại CIC Group là bà Phạm Thị Như Phượng - tổng giám đốc - với 2,4 tỉ đồng, giảm gần 11%. Bình quân thu nhập mỗi tháng bà Phượng là 400 triệu đồng, còn ông Thắng là 1,4 tỉ đồng.
Còn các vị trí khác tại hội đồng quản trị như phó chủ tịch, thành viên nhận thu nhập 27 - 30 triệu đồng. Trong ban điều hành, 6 phó tổng giám đốc nhận thu nhập dao động 18 - 827 triệu đồng 6 tháng.
Tính đến cuối tháng 6-2023, tổng tài sản CIC Group đạt 4.754 tỉ đồng, xấp xỉ con số đầu năm.
Lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản "than" thị trường khó
Thị trường bất động sản những tháng đầu năm nay còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, nhìn chung thu nhập lãnh đạo doanh nghiệp ngành này đều có xu hướng giảm.
Như chủ tịch hội đồng quản trị Bất động sản Phát Đạt (PDR) - ông Nguyễn Văn Đạt - nhận 484 triệu đồng quý 3 này, sụt tới 84% cùng kỳ năm ngoái, bình quân mỗi tháng hơn 160 triệu đồng.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Hường - phó chủ tịch, nhận 265 triệu đồng, cùng kỳ năm ngoái hơn 1 tỉ đồng. Ông Bùi Quang Anh Vũ - tổng giám đốc, là người nhận thu nhập cao nhất với 1,4 tỉ đồng, giảm 26%.
Thu nhập dàn lãnh đạo PDR giảm trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế quý 3 năm nay giảm gần 86% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 101 tỉ đồng. Doanh thu công ty phần lớn đến từ chuyển nhượng đất.
Ông Bùi Quang Anh Vũ - tổng giám đốc PDR - cho biết do tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là ngành bất động sản, nên việc đầu tư kinh doanh của công ty vào các dự án không thuận lợi…
Không công bố chi tiết thu nhập từng lãnh đạo, báo cáo tài chính của Công ty CP Đầu tư Nam Long tiết lộ thù lao HĐQT, lương tổng giám đốc và các thành viên quản lý khác nhận trong 9 tháng đầu năm nay là 34,4 tỉ đồng, giảm gần 22%.
Còn tại Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest, thu nhập của lãnh đạo tăng - giảm khác nhau ở từng vị trí. Trong đó, ông Tô Như Toàn - chủ tịch công ty, nhận thu nhập quý 3 là 639 triệu đồng, nhỉnh hơn 3 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Nguyễn Diệu Tú - phó chủ tịch, nhận 90 triệu đồng, giảm 57%. Trong khi bà Đỗ Thanh Phương - thành viên hội đồng quản trị, nhận 334 triệu đồng, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái…
Trong quý 3, lợi nhuận sau thuế của Văn Phú đạt hơn 32 tỉ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được công ty cho biết do tỉ suất lợi nhuận gộp của các sản phẩm bàn giao trong quý này thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong khi chi phí tài chính tăng mạnh do ảnh hưởng của việc dừng vốn hóa chi phí lãi vay của các dự án đã hoàn thành và việc điều chỉnh tăng lãi suất của các khoản vay…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận