22/03/2007 09:51 GMT+7

Thị trường chứng khoán Việt Nam trên đầu ngọn sóng

Theo TTXVN
Theo TTXVN

Một số đại biểu tham dự một diễn đàn đầu tư tại Hà Nội cho rằng trong thời gian trung hạn tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn đứng vững, nhưng cần có những điều chỉnh kịp thời để tránh khỏi bị sụp đổ.

tgkBn9xp.jpgPhóng to

Nhà đầu tư an tâm hơn khi mua cổ phiếu mới phát hành lần đầu tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán. Trong ảnh: đông đảo nhà đầu tư đăng ký, bỏ phiếu trong phiên đấu giá cổ phần Công ty Nhiệt điện Bà Rịa chiều 15-3 - Ảnh: Thanh Đạm - TT

Một số đại biểu tham dự một diễn đàn đầu tư tại Hà Nội cho rằng trong thời gian trung hạn tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn đứng vững, nhưng cần có những điều chỉnh kịp thời để tránh khỏi bị sụp đổ.

“Chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, do mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng mạnh trong hơn 6 năm liên tiếp với mức 7% và Việt Nam cũng vừa chính thức gia nhập WTO”, Kevin Snowball, giám đốc điều hành Công ty quản lý tài sản PXP Việt Nam, đánh giá bên lề Diễn đàn Đầu tư Việt Nam lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 19 đến 20-3.

Theo ông Snowball, nhu cầu về vốn đầu tư của Việt Nam hiện nay là rất lớn, do vậy Chính phủ Việt Nam sẽ phải nới lỏng kiểm soát vốn nhằm thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ, các công ty lớn trên thế giới đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều chung nhận xét rằng tính chất “nóng nhanh, nguội sớm” của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay khiến họ còn phân vân, dè dặt khi đầu tư vào thị trường nhiều tiềm năng này.

Ông Lavin Mok, giám đốc điều hành Công ty quản lý vốn Tremont khu vực châu Á, cho rằng thị trường chứng khoán của Việt Nam hiện đang phát triển quá nóng, nhưng lại với hình thức đầu tư nhỏ lẻ và hoạt động trái với quy luật cơ bản của một thị trường chứng khoán chuyên nghiệp, bởi "giá cổ phiếu chỉ có tăng lên".

“Bức tranh rõ nét nhất về hình ảnh các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam hiện nay là họ bỏ tiền đầu tư mà chẳng cần hiểu chỉ số P/E là gì, và ngồi chờ giá cổ phiếu lên một chút là bán kiếm lời”, Lavin nói.

Một vấn đề đặc trưng nữa mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải đối diện là quy mô của thị trường không chính thức (OTC) vượt trội hơn rất nhiều so với thị trường niêm yết chính thức, điều mà theo Karl Derek John, giám đốc điều hành Công ty tư vấn quốc tế thuộc tập đoàn TCK của Australia “là do tâm lý muốn giàu nhanh, kiếm thật nhiều tiền trong thời gian ngắn và tâm lý a dua, phong trào của các nhà đầu tư trong nước hiện nay vô hình chung đẩy giá trị các cổ phiếu lên chóng mặt".

Karl ví von thị trường chứng khoán của Việt Nam giống như người chơi lướt sóng đang ở trên đầu ngọn sóng, nếu bản thân người lướt sóng không biết cách điều chỉnh và kiên trì thì sẽ bị ngã, thậm chí bị thương rất nặng.

Theo các chuyên gia nước ngoài tại diễn đàn, việc "giảm nhiệt" thị trường chứng khoán phụ thuộc rất lớn vào nhận thức và tầm nhìn của các nhà đầu tư Việt Nam.

Karl nêu lên hai lựa chọn để tránh những rủi ro trong đầu tư chứng khoán: "Một là, có thể đầu tư dài hạn trong 20 hoặc 30 năm, hoặc đầu tư sang lĩnh vực bất động sản, dịch vụ...Hai là, đối với các nhà đầu tư lớn thì trái phiếu chuyển đổi có thể là một kênh đầu tư đầy triển vọng".

Lavin thuộc công ty Tremont thì cho rằng các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam nên tính đến một chiến lược đầu tư dài hạn hơn, mang tính ổn định cao hơn, trong khi nhà nước nên bán bớt cổ phần ra ngoài để điều chỉnh sức nóng.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự trong bài phát biểu tại diễn đàn cho biết Việt Nam đã cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán cung cấp qua biên giới một số hoạt động liên quan đến chứng khoán như thông tin tài chính, tư vấn tài chính, các dịch vụ trung gian và hỗ trợ kinh doanh chứng khoán...

Từ khi gia nhập WTO, Việt Nam cũng đã cho phép thành lập liên doanh chứng khoán 49% vốn nước ngoài. Sau 5 năm, cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài và chi nhánh để cung cấp một số loại hình dịch vụ chứng khoán quan trọng.

Các chuyên gia nước ngoài cho rằng điều này phản ánh rất rõ quan điểm và thiện chí của chính phủ Việt Nam trong việc tạo những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

“Tuy nhiên, thị trường chứng khoán của Việt Nam phải tự thân giải quyết những bất cập đang diễn ra hiện nay để ổn định hơn”, Karl kết luận.

Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên