22/04/2019 20:00 GMT+7

Thị trường bất động sản TP.HCM cần giải gấp bài toán nguồn cung

PHƯƠNG UYÊN-BDS
PHƯƠNG UYÊN-BDS

Thị trường bất động sản vốn sôi động nhất cả nước vừa trải qua 3 tháng đầu năm tương đối nhạt nhòa.

Thị trường bất động sản TP.HCM cần giải gấp bài toán nguồn cung - Ảnh 1.

Nguồn cung ách tắc gây khó khăn cho thị trường bất động sản TP.HCM những tháng đầu năm. Ảnh minh họa: Phương Uyên

Theo thông tin mới đây từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong quý 1-2019, Sở Xây dựng TP.HCM chỉ phê duyệt 8.472 giấy phép xây dựng (kể cả khu vực nhà dân và dự án), giảm đến 63% so với cùng kỳ năm trước; chỉ có 10 dự án hình thành trong tương lai được cấp phép mở bán, tổng số 3.109 sản phẩm là căn hộ và nhà thấp tầng.

Các dự án được phân bổ chủ yếu tại khu đông và khu nam thành phố. Lượng hàng đủ điều kiện hiện được giao dịch trên thị trường TP.HCM quý vừa qua chỉ có hơn 1.000 sản phẩm.

Cùng với đó, nguồn thu ngân sách thành phố từ tiền sử dụng đất cũng sụt giảm mạnh (hai tháng đầu năm giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước).

Dữ liệu về tình hình giao dịch quý 1/2019 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy các con số đều sụt giảm giống như báo cáo công bố trước đó của nhiều đơn vị. Cụ thể, TP.HCM có 3.274 sản phẩm chào bán, trong đó có gần 3.000 giao dịch thành công.

Những con số sụt giảm cả về lượng sản phẩm mở bán và giao dịch thành công tại thị trường bất động sản đầu tàu của cả nước cho thấy sự giảm tốc của thị trường bất động sản so với những năm gần đây, nhất là các năm 2017-2018.

Theo HoREA, quá trình rà soát, thanh tra các dự án càng kéo dài sẽ càng gây bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Số lượng nhà ở đưa ra thị trường bị sụt giảm, số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng theo đó cũng giảm từ 30-50%.

Thị trường TP.HCM đang đối mặt khó khăn về nguồn cung, có thể nói là nặng nề nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Sự khan hiếm sản phẩm cục bộ buộc nhiều doanh nghiệp bất động sản phải rời địa bàn chính là TP.HCM để về các tỉnh lân cận như Long An, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Phan Thiết, Phú Quốc.

Làn sóng này này tạm thời khiến thị trường TP.HCM khá yên ắng trong các tháng qua.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA, cho rằng vấn đề của thị trường TP.HCM đến từ sự ách tắc pháp lý dự án. Nguồn hàng từ các dự án không phải không có, thậm chí có nhiều, nhưng việc đủ điều kiện chào hàng lại đang gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn này xuất phát từ các cơ quan quản lý. Các dự án đang khẩn trương chào bán để thu hồi vốn, tuy nhiên việc phê duyệt các dự án đủ điều kiện khởi công xây dựng cho đến khi dự án đủ điều kiện đưa ra thị trường đều bị tắc hồ sơ tại các cơ quan chuyên môn của TP.HCM.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan do công tác thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết, vẫn nhũng nhiễu gây khó cho doanh nghiệp.

Bất chấp thị trường ảm đạm, giá bất động sản vẫn cao, đây là điều tưởng như nghịch lý nhưng lại đang diễn ra tại TP.HCM. Căn hộ tăng giá từ 10-30% tùy khu vực, đất nền nhiều nơi tăng gần 30-40%.

Cá biệt phân khúc nhà phố trung tâm có nơi giá rao bán tăng đến 50-60%. Tuy giá rao tăng rất nhanh nhưng số lượng giao dịch lại không tăng tương ứng. Đây là khó khăn lớn nhất thị trường đang gặp phải.

Vấn đề khác mà thị trường bất động sản phải đối mặt đó là khó khăn đến từ dòng vốn tín dụng. Bắt đầu từ khi thông tư 32 chính thức được thực hiện từ quý 1-2019 đã tác động rất mạnh và rõ nét đến giao dịch trên thị trường.

Việc khó tiếp cận được vốn, giá nhà lại tăng liên tục khiến nhu cầu đầu tư và mua bán bất động sản giảm mạnh không chỉ tại TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

Từ những thực tế trên, HoREA kiến nghị UBND TP và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết đối với hơn 30 dự án còn đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra. Điều này vừa đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người mua nhà.

Ngoài ra, Hiệp hội kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành sớm kết luận, xử lý khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi quyết định hoặc văn bản về sử dụng đất. Đơn vị này đề xuất phân loại 300 mặt bằng đất công nói trên thành ba nhóm để giải quyết.

Với nhóm các mặt bằng thực hiện đúng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì sớm được giải tỏa cho người sử dụng đất; nhóm các mặt bằng có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước ở mức độ không lớn có thể yêu cầu người sử dụng đất hoàn thành các thủ tục đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với Nhà nước nếu có; nhóm các mặt bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì cần triển khai biện pháp giải quyết dứt điểm.

PHƯƠNG UYÊN-BDS
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên