Một người dân ở Orania với các đồng tiền giấy Ora đủ mệnh giá - Ảnh: AFP |
Nếu không có gì trục trặc, bắt đầu từ giữa tháng 8 tới, cư dân Orania sẽ bắt đầu sử dụng tiền ảo “E-ora” trong các giao dịch thường ngày.
Nằm trên một mảnh đất tư hữu với hệ thống ngân hàng và tiền tệ riêng, Orania thường bị chỉ trích là tàn dư của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid (cũ).
Chuyển từ tiền giấy
Orania không phải là một khu tự trị của người Nam Phi gốc Âu (Afrikaner) ở Cộng hòa Nam Phi.
Vùng đất này được hiến pháp hậu Apartheid bảo vệ quyền tự quyết về văn hóa và ngôn ngữ bằng điều 235.
Orania có hẳn một “ngân hàng trung ương” riêng chuyên phát hành một loại “tiền” giấy có tên Ora kể từ năm 2004.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nam Phi không công nhận Ora là một loại tiền tệ của nước này.
Rand Nam Phi, đồng tiền chính thức, được đổi theo tỉ lệ 1:1 với đồng Ora tại Orania.
Trên thực tế, Ora được sử dụng như một phiếu giảm giá (voucher) nhằm kích thích tiêu dùng ở thị trấn và sẽ hết hạn sau ba năm kể từ ngày phát hành.
Ý tưởng sử dụng tiền ảo “E-ora” xuất phát từ một vấn đề rất thực tế: tiết kiệm chi phí in tiền giấy.
Tuy nhiên, theo các “kỹ sư trưởng” của Orania, “E-ora” là một bước tiến lớn.
Người dân có thể mua “E-ora” từ Ngân hàng Orania thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh thay vì đổi ra tiền giấy.
Mọi giao dịch giữa người bán và người mua sẽ được thanh toán bằng “E-ora” thông qua điện thoại thông minh. Và cũng không giống tiền giấy Ora, “E-ora” sẽ không bao giờ hết hạn.
“Các phí tổn khi thanh toán bằng thẻ sẽ biến mất. Bên bán lẫn bên mua có thể tiết kiệm từ 3-5% giá trị mỗi giao dịch” - ông Peter Krige, một điều phối viên của dự án “E-ora”, khẳng định với CNN.
Thị trấn 1.400 dân này đang tỏ ra quyết liệt trong dự án đồng tiền ảo của riêng mình. Theo ông Dawie Roodt, nhà kinh tế học hàng đầu Nam Phi được mời làm cố vấn chính của dự án, quá trình vận hành thử nghiệm đồng tiền ảo cũng đã được tiến hành.
Tranh cãi xung quanh tiền ảo E-ora
Thị trường tiền ảo toàn cầu đang bùng nổ với giá trị ước tính lên tới hàng tỉ USD nhưng hay bị chỉ trích là tiếp tay cho những kẻ buôn ma túy, vũ khí và buôn người.
Tuy nhiên, vấn đề ở Orania lại khác.
Việc thị trấn này chuẩn bị tung ra đồng tiền ảo bị chỉ trích là một bước tiến gần hơn trong tham vọng trở thành một “quốc gia” của người da trắng ở Nam Phi. Orania nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhóm da trắng ở đất nước đã từng bị tàn phá bởi nạn phân biệt người da màu.
Nếu thành công, đồng “E-ora” của Orania sẽ gia nhập vào thị trường tiền ảo tiềm năng toàn cầu, cùng với những đồng tiền ảo khác như Bitcoin, Ethereum, Ripple...
Mô hình của Orania và đồng “E-ora” sẽ nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới Nam Phi, kéo theo làn sóng chạy đua ra đồng tiền ảo của riêng mình ở nhiều cộng đồng khác trên thế giới - giới chuyên môn nhận định với CNN.
Bảo tồn giá trị truyền thống hay tàn dư Apartheid? Được thành lập vào những năm tháng giãy chết 1991 của chế độ Apartheid ở Nam Phi, Orania là đứa con tinh thần của ông Carel Boshoff III, con rể của người được xem là “kiến trúc sư trưởng” của Apartheid - cố thủ tướng Nam Phi Hendrik Verwoerd. Vùng đất này có khoảng 1.400 dân, trải rộng trên diện tích 8.000ha với 2 trường học, 1 ngân hàng và 127 cơ sở kinh doanh. Tỉ lệ thất nghiệp ở mức 2%. Tư tưởng của người sáng lập thị trấn là mong muốn nó trở thành nơi bảo tồn các giá trị truyền thống của người Afrikaner. Tuy nhiên, những biểu hiện của nó thường bị chỉ trích là tàn dư của Apartheid. Lá cờ của Orania sử dụng lại ba màu chính trong lá cờ của chế độ Apartheid (cũ). Hình ảnh một cậu bé da trắng, xắn tay áo chuẩn bị đấm một ai đó được đưa lên nền cờ của thị trấn và đập ngay vào mắt những người mới đến. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận