27/06/2021 10:05 GMT+7

Thi tốt nghiệp THPT giữa mùa dịch, ổn không?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Hơn một tuần nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ diễn ra (ngày 7 và 8-7) nhưng tình hình dịch bệnh COVID-19 căng thẳng ở TP.HCM khiến nhiều người lo lắng.

Thi tốt nghiệp THPT giữa mùa dịch, ổn không? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020 tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 TP.HCM có 89.275 thí sinh đăng ký dự thi tại 155 điểm thi; số cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi là hơn 18.000 người.

Nan giải với trường tư

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, hiệu trưởng các trường THPT tư thục ở TP.HCM cho biết họ đang rối vì Sở GD-ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể đối với số học sinh nhà ở các tỉnh thành sẽ về TP.HCM dự thi.

Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh - người điều hành hệ thống Trường tư thục Ngô Thời Nhiệm, TP Thủ Đức - thông tin: "Năm nay trường chúng tôi có 873 học sinh thi tốt nghiệp THPT. Trong đó có 252 học sinh ở các tỉnh miền Đông, miền Tây, miền Trung và cả miền Bắc; 269 học sinh có nhà ở TP.HCM nhưng ở các quận 7, 8, Bình Tân, Hóc Môn... trong khi địa điểm thi của các em ở các trường trên địa bàn thuộc TP Thủ Đức. 

Việc đưa đón học sinh đến các điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay đang là vấn đề nan giải không chỉ đối với Trường Ngô Thời Nhiệm mà còn với nhiều trường tư thục khác trên địa bàn TP".

Tương tự, ông Nguyễn Văn Phúc - hiệu trưởng Trường THCS-THPT tư thục Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp - chia sẻ: "Hằng năm, các trường tư thục đều đưa đón học sinh đi thi. Đặc thù của các trường tư thục là phụ huynh đa số ở tỉnh hoặc ở các quận, huyện xa xôi của thành phố. Họ không rành đường nên mong muốn trường đưa các em đi thi. 

Chúng tôi đang thắc mắc là thành phố có cho phép các trường đón học sinh vào ở nội trú trong những ngày thi tốt nghiệp hay không?".

Không những thế, lãnh đạo một số trường tư thục còn cho hay việc đưa học sinh các tỉnh về thành phố cũng đang là vấn đề đau đầu. Bởi hiện nay một số địa phương đã cấm xe khách đi - về TP.HCM đồng thời ban hành quy định người về từ TP.HCM phải cách ly 21 ngày. 

Như vậy, phụ huynh sẽ phải thuê xe riêng đưa con đi thi và khi về phải cách ly, rất nhiêu khê.

Phụ huynh lo lắng

Bà Hồng Nga - phụ huynh ở Đắk Lắk có con học lớp 12 tại một trường THPT tư thục ở TP Thủ Đức - băn khoăn: "Mấy hôm nay ngày nào tôi cũng gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của con trai để hỏi về việc đi thi tốt nghiệp. Cô giáo nói phải chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT. 

Tôi rất sốt ruột. Nhà xa nên nguyện vọng của gia đình tôi là cháu được ở nội trú trong trường vào những ngày thi. Chứ tìm nơi lưu trú trong những ngày TP.HCM giãn cách là rất khó khăn, chưa kể nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm COVID-19".

Bà Trần Thị Hồng Thủy - phụ huynh ở Q.Bình Tân - tâm sự: "Với quan điểm an toàn là trên hết, vợ chồng tôi đề nghị con gái không tham gia thi tốt nghiệp THPT đợt 1 để tránh dịch bệnh. Vậy mà cháu nhất quyết không chịu. Tôi thấy đa số học sinh muốn thi ngay đợt 1 này nhưng phụ huynh quá lo lắng".

Ngoài ra, bà Thủy cũng thắc mắc: "Sở GD-ĐT TP yêu cầu tất cả thí sinh phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở điểm thi để tránh lây nhiễm COVID-19 là đúng rồi. Nhưng tôi thắc mắc: vậy các con có phải mở khẩu trang ra cho cán bộ coi thi đối chiếu với hình ảnh trên phiếu báo danh hay không? Nếu có thì thực sự rất nguy hiểm". 

Còn một phụ huynh khác băn khoăn: "Con tôi thi chung với học sinh của 2 trường THPT tư thục trên địa bàn. Mà đặc thù của TP.HCM là học sinh tư thục đa số ở các tỉnh thành khác nên tôi rất lo".

Thi tốt nghiệp THPT giữa mùa dịch, ổn không? - Ảnh 2.

Học sinh Trường THPT Bình Phú ôn thi tốt nghiệp THPT 2021 trước khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều đề xuất: phải linh hoạt

Trong ngày 26-6, phóng viên Tuổi Trẻ nhận được khá nhiều ý kiến của phụ huynh, giáo viên, học sinh lớp 12 về một "giải pháp linh hoạt" cho học sinh lớp 12 năm nay. 

"Đó là Sở GD-ĐT TP.HCM từng đề xuất với Bộ GD-ĐT cho phép TP.HCM tự xét tốt nghiệp THPT. Vậy tại sao nhân dịp này không cho TP làm thử?" - thầy H.C.P., giáo viên môn toán ở TP Thủ Đức, đặt vấn đề.

Còn V.Q. - học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, - phân tích: "Đợt rồi, em có nộp hồ sơ dự tuyển ĐH bằng học bạ và đã nhận được giấy báo trúng tuyển vào một trường ĐH ở TP.HCM. Như vậy, giờ em chỉ chờ thi tốt nghiệp để lấy bằng tốt nghiệp THPT bổ sung vào hồ sơ nhập học ĐH. 

Không chỉ riêng em, nhiều bạn trong trường cũng như vậy. Việc thi tốt nghiệp chỉ cho xong thủ tục để bổ túc hồ sơ. Một kỳ thi mà học sinh TP.HCM thi đậu gần 100% thì có nên mạo hiểm để cho nó diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay không? Tại sao không đề xuất cho học sinh TP.HCM một giải pháp riêng, phù hợp với bối cảnh đặc biệt như năm nay?".

Cô N.T.H.N. - giáo viên lớp 12 ở Q.Gò Vấp - lại có ý kiến: "Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, thực sự chúng tôi không muốn cho học sinh của mình đi thi. Nhưng lịch thi đã do Bộ GD-ĐT ấn định thì phải thực hiện. Nhưng tôi mong Sở GD-ĐT TP.HCM hãy linh hoạt đối với thí sinh diện phong tỏa, cách ly. 

Tôi có học trò nằm trong diện này. Thực sự thấy rất thương các em vì trong thời gian cách ly, các em không học online hiệu quả được như các bạn cùng lớp. 

Lý do thứ nhất là đường truyền Internet yếu, mạng chập chờn nên các em tiếp thu bài không tốt. Thứ hai là tinh thần các em không được ổn định, ngày nào cũng nghe loa phát về quy định 5K, các biện pháp phòng chống dịch, rồi đo thân nhiệt, rồi lấy mẫu xét nghiệm...

Vậy nhưng theo quy định, khi học sinh ra khỏi khu phong tỏa, cách ly một ngày trước khi thi cũng phải dự thi đợt 1. Như vậy thì thiệt thòi cho học sinh lắm. Với đối tượng này, tôi đề nghị nên cho các em thi đợt 2 để học sinh có thời gian ôn lại bài và ổn định tâm lý trước khi thi".

Thi tốt nghiệp THPT giữa mùa dịch, ổn không? - Ảnh 3.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Năm nay, tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM phức tạp khiến nhiều người lo lắng - Ảnh: TỰ TRUNG

Sẽ xét nghiệm thí sinh, cán bộ làm công tác thi

Ngày 26-6, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND TP về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Trong đó, sở đề xuất thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi tốt nghiệp THPT và toàn bộ thí sinh. Công tác xét nghiệm này sẽ thực hiện trong ngày 2-7.

Việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ diễn ra tại 155 điểm thi, theo từng phòng thi (24 thí sinh/phòng). Đây sẽ là dịp tổng dợt cho ngày thi chính thức, các trưởng điểm thi sẽ xây dựng và triển khai phương án tổ chức thi an toàn, trong đó các điểm thi sẽ khử khuẩn trước và sau ngày thi một ngày, vệ sinh môi trường điểm thi.

Không nên để thí sinh tự thuê chỗ ở, đến điểm thi

Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, người điều hành hệ thống Trường tư thục Ngô Thời Nhiệm, TP Thủ Đức, ý kiến: "Chúng tôi đề xuất Sở GD-ĐT TP.HCM cho phép thí sinh tại TP.HCM đã có giấy báo thi được tham gia thi ở địa bàn nơi cư trú (vì đề thi áp dụng chung cho toàn quốc sẽ không ảnh hưởng gì) hoặc thí sinh được tập trung tại trường nội trú trước một ngày thi và trong hai ngày học sinh đi thi.

Nhà trường THPT tư thục sẽ có trách nhiệm quản lý, chăm sóc học sinh, lo cho các em ăn uống, đưa xe đến địa điểm thi, đảm bảo thực hiện các quy định về phòng dịch; không nên để các thí sinh tự đi thuê chỗ ở và tự đi đến địa điểm thi".

* Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, TP.HCM):

Kỳ thi nên diễn ra bình thường

Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên diễn ra bình thường, nếu để kéo dài sẽ rất mệt mỏi cho phụ huynh lẫn học sinh. Tuy có ngày chúng ta phát hiện gần 600 ca nhiễm COVID-19 nhưng những ca này đa số đều nằm trong khu vực cách ly, đã được kiểm soát. Còn những ca trong cộng đồng là con số không đáng kể, chúng ta nên tiếp tục truy vết.

Kỳ thi tổ chức bình thường nhưng phải đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Phải tính toán đến phương án đảm bảo an toàn cho cả phụ huynh lẫn học sinh. Lựa chọn các địa điểm thi có không gian thoáng, không mở máy lạnh, chỉ mở cửa sổ, tránh những khu vực cách ly, phong tỏa.

Phụ huynh phải chuẩn bị cho mỗi học sinh khẩu trang (ít nhất 5 cái), dung dịch sát khuẩn tay và quan trọng là khai báo y tế tại nhà cho mỗi thí sinh.

Tại các điểm thi, nên bố trí tốt khâu sàng lọc, đặc biệt là đo thân nhiệt, nếu có biểu hiện sốt sẽ yêu cầu học sinh không được thi. Việc khai báo y tế tại nhà là rất quan trọng để tránh tình trạng học sinh và phụ huynh tụ tập đông người. Đặc biệt, trong phòng thi bắt buộc các thí sinh đeo khẩu trang, ngồi cách nhau ít nhất 1,5m và không để học sinh nói chuyện với nhau.

* Một chuyên gia y tế chuyên về hô hấp tại TP.HCM:

Rất nguy hiểm

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM đang rất phức tạp, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ rất nguy hiểm cho các thí sinh. Đa số thanh thiếu niên và trẻ em nếu mắc COVID-19 sẽ rất ít có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nếu lây lan dịch trong cộng đồng rất khó phát hiện.

Hơn nữa hiện nay, người dân TP.HCM chưa được tiêm đầy đủ vắc xin ngừa COVID-19 sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch rất lớn. Nhiều trường hợp F0 vẫn còn chưa rõ được nguồn lây, việc tổ chức kỳ thi lúc này là không nên. Nhiều nơi vẫn còn thực hiện theo chỉ thị 15, 16 không tụ tập quá 3 người, nếu chúng ta tổ chức thi sẽ làm trái quy định của thành phố.

Chưa kể, nhiều học sinh ở tỉnh thành khác sẽ vào TP.HCM để thi. Nếu để lây lan dịch chúng ta rất khó xử lý hậu quả. Học sinh đi thi sẽ có phụ huynh đi theo, chính vì vậy việc tụ tập là không tránh khỏi, rất dễ lây lan dịch.

Chúng ta có thể nghiên cứu đến phương án thi trực tuyến để đảm bảo an toàn cho các thí sinh, phải tìm ra được giải pháp phù hợp với tình hình thực tế mà đảm bảo chất lượng. Hoặc hoãn kỳ thi cho đến khi thành phố không còn áp dụng các chỉ thị, phong tỏa dịch đã được kiểm soát tốt.

* Nguyễn Hoàng Bảo Việt (học sinh lớp 12 tại TP.HCM):

TP.HCM nên thi đợt 2

Em là học sinh lớp 12, em đã ôn tập và sẵn sàng cho kỳ thi đợt 1 nếu thành phố vẫn quyết định tổ chức thi. Tuy nhiên, em thiết nghĩ thành phố nên tổ chức thi đợt 2 tối đa sau một tháng nữa để đảm bảo được an toàn sức khỏe. Thời gian một tháng đủ dài để thành phố hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh hiện nay.

Mặt khác, em cho rằng nếu tổ chức kỳ thi đợt 1 thì thành phố nên xét nghiệm toàn bộ thí sinh tham gia và điều đó có thể đè nặng thêm ngân sách và trong lúc diễn ra kỳ thi có thể xảy ra những bất trắc. Ví dụ một bạn không may chung phòng thi có dấu hiệu nhiễm thì chúng ta buộc phải truy vết cả thí sinh, cán bộ coi thi cả lúc ra về rất phức tạp.

Em biết rằng nếu dời kỳ thi một tháng nữa nhiều bạn sẽ uể oải, căng thẳng. Nhưng quan trọng là nhà trường, gia đình và bản thân mỗi bạn cần biết động viên, tạo tâm lý thoải mái cho nhau.

Trong lúc này, em nghĩ hy sinh lợi ích cá nhân hiện tại để phục vụ sự an toàn cho mai sau là cần thiết. Với số lượng thí sinh đông và kinh nghiệm của năm ngoái, em tin ngành giáo dục sẽ tổ chức kỳ thi đợt 2 và tổ chức xét tuyển chung cho thí sinh ở cả 2 đợt thực sự công bằng nhất.

THU HIẾN ghi

Các nước tổ chức thi tốt nghiệp, đại học ra sao?

* Ấn Độ: nhiều phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Tại Ấn Độ, các bang vẫn đang tính toán nhiều phương án để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn. Thời gian qua, nhiều học sinh lớp 12 sốt ruột và thấp thỏm không biết chính quyền sẽ tổ chức kỳ thi này như thế nào.

Theo trang New Indian Express, cuối tháng 5 vừa qua, thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee thông báo bang này sẽ tổ chức thi cho các học sinh lớp 12 vào tuần cuối cùng của tháng 7.

Theo bà Mamata Banerjee, kỳ thi sẽ được tổ chức ngay tại các trường để học sinh không phải tới các điểm thi khác bằng phương tiện công cộng.

Ngoài ra, thời gian thi cũng sẽ giảm một nửa (từ 3 tiếng giảm còn 1,5 tiếng) và có thêm các lựa chọn làm bài cho thí sinh. Trong khi đó, tại bang Assam, theo trang Hindustan Times, chính quyền cho biết các kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 7, từ 15 đến 20-7.

Các thí sinh nam, nữ được bố trí thi những ngày khác nhau để đảm bảo giãn cách. Tuy nhiên bang này chỉ tổ chức thi nếu tỉ lệ người mắc COVID-19 giảm xuống dưới 2%. Trong trường hợp dịch chưa tiến triển, kỳ thi có thể bị lùi lại tới đầu tháng 8.

thi trung quoc 11 2(read-only)

Các giáo viên chào đón, động viên học sinh khi các em tới điểm thi của kỳ thi đại học toàn quốc được tổ chức tại một trường trung học ở Bắc Kinh ngày 7-6-2021 - Ảnh: Reuters

* Trung Quốc: xét nghiệm, tiêm vắc xin

Ngày 7-6, Trung Quốc đã tổ chức thành công kỳ thi đại học với 10,78 triệu thí sinh. Năm ngoái, kỳ thi này bị hoãn lại một tháng ở hầu hết các địa phương. Nhưng năm nay, nhờ dịch bệnh đã được kiểm soát, cộng thêm sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kỳ thi đã diễn ra đúng thông lệ hằng năm.

Tại thành phố Quảng Châu - nơi xuất hiện các ổ dịch mới gần đây, kỳ thi được tổ chức với những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.

Theo Tân Hoa xã, hơn 50.000 thí sinh và khoảng 7.000 người liên quan công tác tổ chức thi tại Quảng Châu đã phải hoàn thành hai đợt xét nghiệm nucleic acid (xét nghiệm PCR) vào ngày 6-6. Tất cả nhân viên phục vụ kỳ thi đã được tiêm vắc xin COVID-19.

Một bệnh viện tại Quảng Châu cũng chuẩn bị sẵn các phòng thi đặc biệt trong khu cách ly dành cho thí sinh mắc COVID-19. Các phòng này được gắn camera giám sát độ nét cao, truyền tải âm thanh, hình ảnh theo thời gian thực. Các giám thị sẽ trông thi tại một khu vực riêng...

D.KIM THOA

Bộ GD-ĐT: 63 tỉnh, thành tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 1 cùng ngày Bộ GD-ĐT: 63 tỉnh, thành tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 1 cùng ngày

TTO - Theo Bộ GD-ĐT, tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 vào ngày 7 và 8-7.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên