Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại TP.HCM Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo nhiều giáo viên và chuyên gia, điểm chuẩn vào ĐH năm nay theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng so với năm ngoái.
Phổ điểm tiếng Anh có 2 đỉnh
Môn tiếng Anh có 866.993 thí sinh dự thi và là môn thi có "kịch tính" nhất. Cùng với lịch sử, đây là môn có nhiều thí sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều nhất (tiếng Anh 40,27% dưới trung bình; lịch sử 52,03%). Nhưng đây lại là môn thi đứng thứ hai trong số các môn thi có "mưa điểm 10" với trên 4.000 điểm 10.
Theo TS Vũ Thị Phương Anh - nguyên giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia TP.HCM, phổ điểm môn tiếng Anh năm nay giống như lưng chú lạc đà hai bướu: bướu bên trái là nhóm thí sinh dưới 4-5 điểm, còn bướu bên phải là nhóm thí sinh 7-8 điểm.
Trước hết, cần khẳng định rằng đề thi môn tiếng Anh những năm gần đây đã ổn định về hình thức và nội dung. Thế nên, phổ điểm môn tiếng Anh rất đặc biệt như năm nay thể hiện có hai đối tượng khác nhau rõ rệt đang được đánh giá bởi cùng một bài thi.
Một bên là những học sinh có điều kiện học tiếng Anh bài bản, đầy đủ; một bên là nhóm học sinh chưa được học tiếng Anh đến nơi đến chốn.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng cả hai đỉnh của phổ điểm tiếng Anh đều cao hơn đỉnh của năm 2020.
Điều này cho thấy mặt bằng chung chất lượng dạy học tiếng Anh, bao gồm cả các vùng nông thôn, vùng khó khăn đã có chuyển biến tích cực hơn.
Còn đỉnh bên phải, với khoảng 7-8 điểm cũng thể hiện chất lượng đầu tư cho tiếng Anh ở một số khu vực. "Xuất hiện đỉnh thứ hai, tôi thấy đó là tín hiệu mừng" - GS Đức nhận xét.
18.000 điểm 10 giáo dục công dân
Giáo dục công dân là một môn thành phần trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội mà nhiều thí sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT. Môn lịch sử, địa lý còn có một số lượng đáng kể thí sinh sử dụng trong các tổ hợp xét tuyển, còn giáo dục công dân thì hầu như không xuất hiện trong các tổ hợp xét tuyển ĐH.
Mục đích đưa môn giáo dục công dân vào môn thi tốt nghiệp nhằm thúc đẩy chất lượng dạy học của môn học vốn bị xem là đứng cuối bảng trong các môn phụ nhưng lại rất cần trang bị kiến thức cho học sinh ở bậc phổ thông. Với mục tiêu này, một số chuyên gia cho rằng đề thi môn giáo dục công dân quá dễ cũng không đáng lo ngại.
"Có thi là có học. Và có học vẫn hơn không học. Lứa tuổi 18 cần có hiểu biết nhất định về các quy định pháp luật, trách nhiệm công dân. Nếu chỉ đặt mục tiêu ở việc kiểm tra kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp THPT thì tôi thấy đề thi cũng hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, thí sinh phải gặp nhiều khó khăn" - một giáo viên THPT tại Hà Nội bày tỏ quan điểm.
Nhưng nhiều giáo viên và hiệu trưởng khác lại cho rằng khi đã đưa vào môn thi thì phải đặt nó công bằng như các môn thi khác trong việc xây dựng đề, đảm bảo đúng ma trận của đề thi chuẩn mà Bộ GD-ĐT quy định. Một đề thi có phổ điểm co cụm hoàn toàn về bên phải với trên 18.000 điểm 10 không thể xem là bình thường hoặc lạc quan cho là "tín hiệu đáng mừng" được.
Cô Nguyễn Thị Mai - giáo viên ở TP Thủ Đức, TP.HCM - chia sẻ: "Học trò của tôi chọn tổ hợp khoa học xã hội vì có môn giáo dục công dân dễ đạt được điểm cao và ít phải học bài. Có thể 1-2 năm đầu Bộ GD-ĐT ra đề dễ để động viên thí sinh nhưng tình trạng này kéo dài sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa thí sinh thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội".
Thí sinh dự thi môn toán tại điểm thi THPT Marie Curie (TP.HCM) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 - Ảnh: Quang Định
Lịch sử cuối bảng
Môn lịch sử năm 2021 tiếp tục đứng cuối bảng với trên 50% bài thi dưới điểm trung bình. Đỉnh của phổ điểm môn lịch sử năm nay ở khoảng điểm 4 và điểm trung bình là 4,97. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, môn lịch sử năm nay đã "tiến bộ hơn so với chính nó".
Năm 2018 trên 80% bài thi lịch sử dưới trung bình và năm 2019 tỉ lệ này trên 70%. Theo TS Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, điểm lịch sử thấp không hoàn toàn do chất lượng dạy học mà phần lớn là do tâm lý thí sinh chú trọng học những môn để sử dụng kết quả xét tuyển ĐH.
ThS Nguyễn Viết Đăng Du - giáo viên môn lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM - phân tích: "Phổ điểm môn sử phản ánh chính xác quan niệm của xã hội, của học sinh về môn sử.
Tôi là người dạy luyện thi nhiều năm nhưng năm nào cũng vậy, số học sinh có nhu cầu sử dụng môn sử để xét tuyển vào ĐH rất hiếm hoi. Vì không có nhu cầu nên các em chỉ học đủ để không bị dưới 2 điểm - điểm liệt khi xét tốt nghiệp THPT. Các em bắt buộc phải học sử vì đây là một trong ba môn trong tổ hợp khoa học xã hội...".
Nhóm "thí sinh ít đầu tư"
TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho rằng các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đều nằm trong nhóm "thí sinh ít đầu tư, chỉ dự thi để xét tốt nghiệp". Nhưng môn địa lý điểm vẫn cao hơn lịch sử vì đề thi địa lý có phần vận dụng Atlat địa lý giúp thí sinh dễ lấy điểm.
Giáo dục công dân có nhiều câu hỏi tình huống thực tế cũng là cơ hội "cộng điểm" cho thí sinh. Trong khi lịch sử dù đã điều chỉnh từ cách dạy học đến ra đề thi nhưng vẫn nặng nề việc ghi nhớ sự kiện, con số. Thí sinh không dành cho môn lịch sử sự đầu tư thời gian thích đáng để ôn luyện nhưng cũng phải thừa nhận nó là môn học không hấp dẫn.
Tuyển sinh đại học: ngành "hot" cần tiêu chí bổ sung
Theo phân tích dữ liệu điểm của tổ hợp khối A (toán, lý, hóa) thì khoảng nhiều thí sinh đạt được nhất là từ trên 22 điểm đến 23 điểm (45.626 thí sinh). Chỉ có 12 thí sinh đạt từ trên 29 điểm đến 30 điểm và 216 thí sinh đạt từ trên 28 điểm đến 29 điểm.
Ở tổ hợp khối A1 (toán, lý, tiếng Anh), khoảng có nhiều thí sinh đạt được nhất là từ trên 21 đến 22 điểm (35.449 thí sinh). Chỉ có 20 thí sinh đạt ở mức trên 29 điểm đến 30 điểm và 503 thí sinh đạt ở mức trên 28 đến 29 điểm.
Khối B (toán, hóa, sinh), khoảng có nhiều thí sinh đạt được nhất là trên 20 đến 21 điểm (45.545 thí sinh). Có 73 thí sinh đạt ở mức từ trên 29 đến 30 điểm và 613 thí sinh đạt ở mức trên 28 đến 29 điểm.
Khối D (toán, văn, tiếng Anh), số thí sinh đạt được nhiều nhất ở khoảng từ trên 18 đến 19 điểm (72.616 thí sinh). Có 3 thí sinh đạt ở khoảng từ trên 29 đến 30 điểm và 229 thí sinh đạt từ trên 28 đến 29 điểm.
Khối C (văn, sử, địa), khoảng mà thí sinh đạt được nhiều nhất là từ trên 18 đến 19 điểm (67.200 thí sinh). Có 2 thí sinh đạt được mức từ trên 29 đến 30 điểm và 225 thí sinh đạt ở khoảng trên 28 đến 29 điểm.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cũng cho rằng nhìn từ dữ liệu điểm theo các khối thi truyền thống thì có thể thấy các trường tốp dưới, tốp giữa không khó tuyển. Nhưng những ngành "hot" thì bao giờ cũng gặp khó hơn.
"Tôi cho rằng các ngành "hot" nên kết hợp giữa xét điểm thi tốt nghiệp THPT và các tiêu chí riêng như bài kiểm tra bổ sung, chứng chỉ tiếng Anh, điểm xét học bạ... Cách kết hợp như thế sẽ khắc phục được khó khăn và cũng không phải tổ chức riêng một kỳ thi để tuyển sinh. Nhìn ra thế giới, cũng nhiều trường ĐH có uy tín sử dụng cách thức tuyển sinh này" - ông Khuyến nói.
Thầy Vũ Văn Phong - giáo viên môn toán ở quận 7, TP.HCM - nhận định: "Với phổ điểm đẹp như năm nay thì các trường ĐH tốp đầu sẽ rất khó tuyển sinh, nhất là với những học sinh đạt điểm tối đa. Như vậy, chắc chắn phải có tiêu chí phụ hoặc thêm một kỳ phỏng vấn, test nhanh... mới có thể tuyển sinh công bằng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận