Trước hết, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay rất cao. Nhưng rất cao và rất phấn khởi lại có vẻ chưa đi liền với nhau. Việc 11 sở GD-ĐT ở ĐBSCL tìm cách “áp dụng sáng tạo” đáp án của bộ nhằm chấm thi lỏng cho địa phương mình đã “đóng góp” không nhỏ vào nghịch lý nói trên. Nếu “văn hay nhờ tay thầy chấm”, tốt nghiệp cao nhờ cách áp dụng đáp án chấm thi linh hoạt thì có nhất thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho căng thẳng và tốn kém không?
Và cuộc tranh luận xung quanh việc nên tổ chức hay nên bỏ thi tốt nghiệp THPT đã xảy ra.
Phe ủng hộ việc bỏ thi tốt nghiệp cho rằng học là để có kiến thức chứ không phải để lấy bằng, đánh giá học sinh phải thông qua cả quá trình học tập chứ không thể chỉ qua mấy ngày thi đầy may rủi.
Phe phản đối việc bỏ thi tốt nghiệp cho rằng có học thì phải có thi; không tổ chức thi thì làm sao có thể bảo đảm được kỷ luật dạy và học, làm sao bảo đảm các chuẩn mực cần thiết cho cả quốc gia?
Tóm lại, cả phe ủng hộ cũng như phe phản đối đều có những lý lẽ của mình. Vì vậy, hành động theo phe nào cũng đều không dễ.
Tuy nhiên ở đời, học để biết là khá trừu tượng, học để thi thì rất cụ thể. Học để biết vì vậy chưa chắc đã tạo được động lực trực tiếp và chưa chắc đã áp đặt được một tinh thần kỷ luật mạnh mẽ như học để thi.
Thi cử không chỉ là để đánh giá mà còn để áp đặt các chuẩn mực cần thiết lên cả hành vi dạy của thầy giáo và hành vi học của trò.
Vấn đề là tổ chức thi tốt nghiệp THPT như thế nào? Nhiều ý kiến cho rằng nên dành quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các tỉnh. Đây là một ý kiến cần được cân nhắc.
Theo tôi, vấn đề dành quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các tỉnh cần được xem xét trong một kế hoạch tổng thể về việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương.
Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của sự phân cấp, phân quyền này là những gì địa phương làm được thì trung ương không nên làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận