Thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, để hướng tới việc thi trên máy phải từng bước thực hiện, đảm bảo nguyên tắc không gây xáo trộn tâm lý cho thí sinh, đảm bảo các điều kiện để kết quả thi có độ tin cậy, khách quan.
Khi đó, một thí sinh muốn dự thi THPT quốc gia sẽ có thể đăng ký thi một hay nhiều đợt trong năm, kết quả thi của đợt nào cao nhất sẽ được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và có thể cung cấp cho các trường ĐH, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh nếu có nhu cầu.
Bộ GD-ĐT sẽ công bố việc thi trên máy trước một năm, bao gồm phương thức thi, nội dung thi, hình thức thi để thí sinh có sự chuẩn bị ôn tập, tham gia kỳ thi.
Không nên để nước đến chân mới nhảy
Đề xuất hướng thi THPT quốc gia trên máy tính nhưng Bộ GD-ĐT có vẻ rất thận trọng khi vẫn đặt ra mốc 2021-2025 là thời kỳ "chuyển giao". Trước mắt vẫn thi trên giấy như hiện nay, chỉ có một số thay đổi về nội dung đề thi và chuẩn bị các điều kiện cho thi trên máy ở giai đoạn sau.
Trong phiên họp ngày 24-9, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra cơ sở nghiên cứu mô hình thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH của các nước. Ông Mai Văn Trinh cho rằng tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập.
Tại Việt Nam, thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hiện nay là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính.
Gợi ý thảo luận, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề rằng nên thực hiện lộ trình như Bộ GD-ĐT đề xuất hay phải xúc tiến chuẩn bị ngay như quan điểm của một số thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục.
Tuy nhiên, ông Vũ Đức Đam cũng bày tỏ quan điểm "bàn kỹ việc thực hiện như thế nào trong giai đoạn 2021-2025 chứ không bàn sau 2025, không đẩy sang nhiệm kỳ sau được".
Theo ông Đam thì từ năm 2011, việc tổ chức thi THPT quốc gia trên máy đã được bàn và thực tế cho thấy có thể huy động các nguồn lực xã hội vào việc xây dựng hạ tầng công nghệ, đảm bảo cho việc này. Nếu không xảy ra tiêu cực thi cử thì việc này có thể xúc tiến sớm hơn.
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng từ năm 2021 trở đi, nếu duy trì cách thi như hiện nay thì đã lạc hậu nên việc tổ chức thi trên máy là xu thế đúng.
Ưu điểm của kỳ thi này là thí sinh sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, kiến thức, kỹ năng của thí sinh được kiểm tra toàn diện hơn. Nhưng để làm được phải có sự chuẩn bị, trong đó quan trọng là chuẩn bị ngân hàng câu hỏi. Đã thống nhất hướng đi thì phải bắt tay vào chuẩn bị thực hiện ngay chứ không nên chỉ bàn rồi nước đến chân mới nhảy.
Một số ý kiến cũng cho rằng "thi trên máy tính với nhiều đợt thi sẽ giảm bớt tiêu cực thi cử, đảm bảo tính khách quan, chấm dứt tình trạng "chấm lỏng", "chấm chặt" như thời "chấm bằng tay".
Thí sinh trao đổi bài sau khi dự thi bài thi khoa học tự nhiên tại điểm thi Trường THPT Bình Phú (Q.6, TP.HCM) năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Cần thí điểm
Trước khi bày tỏ ý kiến về việc "thi trên máy", bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, nêu lại tình trạng phổ biến của đào tạo ĐH hiện nay là "vào bao nhiêu, ra bấy nhiêu", khác với các nước.
Các trường ĐH đang được giao tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh nhưng lại không đặt cao trách nhiệm duy trì, nâng chất lượng đào tạo. Vì thế nhiều trường lo tuyển đủ số lượng, không đảm bảo chất lượng đầu vào.
Việc dựa chủ yếu vào kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh, theo bà Doan, là "cần hạn chế" trong tương lai. Và phải có những cuộc bàn thảo suy nghĩ sâu hơn bên cạnh việc đổi mới thi THPT quốc gia. Vì trong thời gian qua tiêu cực phát sinh ở kỳ thi THPT quốc gia cũng chủ yếu do kết quả kỳ thi này được sử dụng để các trường ĐH tuyển sinh.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng song song với việc chuẩn bị điều kiện mọi mặt, cần phải tổ chức thí điểm thi trên máy ngay từ năm 2021 chứ không để quá lâu như lộ trình mà Bộ GD-ĐT đề xuất.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng Bộ GD-ĐT đưa ra dữ liệu về việc triển khai thi trên máy ở các nước, nhưng vấn đề là phải nghiên cứu xem như thế nào để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
"Trước nhất cần nghiên cứu đánh giá tác động của xã hội như thế nào, của người học như thế nào, tác động đến nguồn nhân lực trong tương lai ra sao. Vì vấn đề thi cử động chạm rất lớn đến người dân. Chúng ta không chậm trễ, nhưng cần phải có đánh giá.
Rồi tiếp theo cần làm rõ luận cứ về mặt khoa học. Ví dụ như vì sao đưa ra hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm, cách thức thi như thế nào thì phù hợp, đảm bảo độ tin cậy và tính mục đích của kỳ thi... Cũng phải bàn xem chuẩn bị điều kiện, nhân lực, cả chế tài trong việc thực hiện như thế nào. Những việc đó xã hội phải biết và đi tới đồng thuận cao" - GS Minh nêu quan điểm.
Ông Minh cũng cho rằng sắp tới triển khai chương trình mới với điểm mấu chốt là chuyển từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học. Vậy ngân hàng đề thi cũng phải thay đổi phù hợp với yêu cầu mới của chương trình.
"Muốn hay không thì sớm muộn chúng ta cũng phải ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong việc tổ chức thi quốc gia. Nhưng việc này chỉ làm đại trà sau khi có thí điểm, tổng kết và xây dựng lộ trình phù hợp" - GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Bài thi tổ hợp sẽ có điều chỉnh
Trong đề xuất của Bộ GD-ĐT, ngoài việc thi THPT quốc gia trên máy, thi nhiều đợt/năm, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến điều chỉnh nội dung đề thi ở các bài thi tổ hợp, từ năm 2021 trở đi.
Cụ thể, các bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ giữ ổn định như năm 2019. Các bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) sẽ cấu trúc lại câu hỏi theo chuẩn đầu ra của chương trình. Chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực, giảm số câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp.
Đồng thời, sẽ từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình - SGK. Mỗi bài thi khi chấm cho ra một đầu điểm, không còn bốn đầu điểm như hiện nay (gồm điểm ba môn thành phần và điểm toàn bài).
Cần mở rộng đối tượng tham gia làm đề thi
Về phương thức thi trên máy, bà Nguyễn Thị Doan ủng hộ đề xuất của Bộ GD-ĐT nhưng có những điểm băn khoăn: địa điểm đặt ở đâu để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo an toàn khi chúng ta dự kiến tổ chức 2-3 đợt thi/năm với thí sinh cả nước; trang thiết bị; ngân hàng câu hỏi; năng lực của những người tổ chức kỳ thi, việc phân cấp công việc của Bộ GD-ĐT, địa phương, trường ĐH...?
Ông Vũ Đức Đam cho rằng: "Khi đề thi vẫn là bí mật quốc gia thì chưa phải tốt. Vì như thế có nghĩa ngân hàng dữ liệu đề thi còn quá ít". Về điều này, bà Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng cần phải mở rộng đối tượng tham gia làm đề cho ngân hàng đề thi và phải có thời gian đủ để chuẩn bị tốt nhất cho việc này, nếu triển khai thi trên máy.
Ai cấp chứng nhận cho học sinh?
Trong đề xuất của Bộ GD-ĐT nêu học sinh hoàn thành chương trình THPT nếu không dự thi THPT quốc gia sẽ được hiệu trưởng trường THPT hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên cấp chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Những học sinh muốn có bằng tốt nghiệp và có nhu cầu sử dụng kết quả thi xét tuyển vào các trường ĐH, trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp thì mới dự thi THPT quốc gia.
Ông Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng việc giao xét tốt nghiệp cho hiệu trưởng trường THPT là nên làm vì khi được giao trách nhiệm, họ sẽ làm nghiêm túc để giữ uy tín, chất lượng giáo dục cho trường mình.
Tuy nhiên, ông Thuyết đề xuất: "Các trường phổ thông cần có hồ sơ học sinh lưu kết quả học tập, các hoạt động học sinh tham gia trong quá trình học, coi đây là điều kiện để thi tốt nghiệp THPT".
Một số ý kiến khác thì băn khoăn, hoài nghi việc "giao cho trường phổ thông" việc xét hoàn thành chương trình THPT vì sợ sẽ nảy sinh tiêu cực. Nhiều ý kiến trái ngược nhau xung quanh đề xuất "Ai sẽ cấp chứng chỉ cho học sinh? Cấp cho tất cả học sinh hay chỉ cấp cho đối tượng không dự thi THPT quốc gia như đề xuất của Bộ GD-ĐT?".
* TS Nguyễn Cam (nguyên trưởng khoa toán - tin, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
- Phương án đổi mới kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT vừa trình Thủ tướng là một sự thay đổi theo hướng tích cực và đáng mừng. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng cần thận trọng trong việc quyết định về phương thức thi (thi trên giấy hoặc thi trên máy tính). Theo tôi, riêng với môn văn thì vẫn nên duy trì thi bằng phương pháp tự luận bởi đây là môn học đặc thù.
Ngoài việc đổi mới phương thức thi, cái quan trọng nhất của việc đổi mới thi cử lần này, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT nên chú trọng vào nội dung đề thi, không nên để tình trạng đề thi phập phù như hiện nay, năm thì đề thi quá dễ, năm lại quá khó khiến việc đánh giá năng lực học sinh thiếu sự chuẩn xác.
* Thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc (tổ trưởng tổ toán, Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM):
- Nghe tin kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức nhiều lần trong năm, không chỉ bản thân tôi mà học trò của tôi cũng rất vui. Các em sẽ có nhiều cơ hội để thi và kỳ thi nào học sinh đạt được điểm cao nhất sẽ được chọn. Đây là một sự đổi mới rất đáng hoan nghênh, làm giảm bớt áp lực cho học sinh và giáo viên.
Tôi chỉ đề nghị trước khi thực hiện sự thay đổi, Bộ GD-ĐT hãy thông báo cho chúng tôi biết sớm, thông báo trước ít nhất một năm học để thầy và trò chúng tôi còn kịp chuẩn bị. Đừng như những năm gần đây, vấn đề thi cử cứ thay đổi xoành xạch và thông báo sát ngày thi khiến giáo viên chúng tôi rất khó khăn trong việc ôn luyện cho học sinh. (H.HG. ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận