15/04/2020 15:39 GMT+7

Thi THPT Quốc gia: Những chuyện cười ra nước mắt

THANH HUYỀN
THANH HUYỀN

TTO - Có em nữ sinh giữa ngày hè nóng nực vẫn mặc áo bông, đi bít tất, đội khăn kín mít đi thi. Hỏi sao nóng thế mà em mặc nhiều thế, em bảo vì em mới sinh con thứ hai ngày hôm qua, hôm nay đi thi nên phải mặc kín để tránh gió.

Thi THPT Quốc gia: Những chuyện cười ra nước mắt - Ảnh 1.

Thí sinh tỉnh Sơn La chuẩn bị vào phòng thi, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: HÀ HUY PHƯỢNG

Là một giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội và có con trai đầu lòng đang học lớp 12, thông tin về kỳ thi THPT quốc gia khiến tôi chưa bao giờ quan tâm nhiều đến thế.

Có thi hay không, bao giờ sẽ thi, nếu thi thì Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức như thế nào…là những câu hỏi thường trực mỗi ngày mà gia đình tôi thảo luận từ khi các con phải nghỉ học vì dịch COVID-19 và không biết bao giờ nỗi băn khoăn kéo dài này mới được chấm dứt.

Phải mang theo con nhỏ đi coi thi

Những mùa thi THPT trước, tôi và các đồng nghiệp thường phải tham gia coi thi. Địa điểm thi thường là các trường THPT để tiện cho các học sinh đi thi nhưng lại luôn ở rất xa nội thành. Có năm, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi ở Hà Nội phải đi về tận Quảng Nam, Thanh Hóa, Lào Cai, Hà Giang…để coi thi tại các điểm trường rất xa xôi, hẻo lánh.

Từ nhiều tháng trước, trường đã phải lên phương án thuê chỗ ở tạm cho chúng tôi gần địa điểm thi. Tiêu chuẩn tối thiểu là có máy lạnh để cán bộ coi thi được nghỉ ngơi sau mười mấy giờ làm thủ tục và coi thi tại trường trong thời tiết cực kỳ nóng nực, nhưng không phải lúc nào cũng có được. Do thiếu cán bộ coi thi, nhiều giảng viên nữ đang nuôi con nhỏ cũng bị huy động khiến các cô phải mang theo con và người nhà đi cùng, thuê phòng riêng để tiện chăm sóc con.

Mỗi năm chỉ coi thi một lần nên không mấy ai nhớ chính xác quy trình coi thi. Do đó hội đồng thi phải tập huấn kỹ càng mà thầy cô giám thị nào cũng căng như dây đàn vì lo làm sai thao tác. Sau gần một tuần công tác căng thẳng thì thầy cô nào cũng rất mệt mỏi, chán nản khi nghĩ tới những mùa thi sau.  

Chuyện của thí sinh vùng sâu

Thi THPT Quốc gia: Những chuyện cười ra nước mắt - Ảnh 2.

Ở bản không có sóng 4G, hai học sinh Hồ Thị Tăm và Hồ Thị Sương lớp 12 Trường THPT Đakrông (Quảng Trị) được cha mẹ dựng cho căn lều trên đỉnh đồi để học trực tuyến cùng lớp - Ảnh: H.S.

Vất vả đến mấy thì so với những đồng nghiệp ở vùng sâu vùng xa, so với chính học trò đi thi, chúng tôi vẫn sung sướng hơn nhiều lần.  

Có thầy kể cả điểm thi của  thầy có hơn 200 thí sinh, có thí sinh sát giờ thi mới vội vàng có mặt, chân tay lấm lem bùn đất. Hỏi ra em bảo mải đi tra ngô nên quên lịch thi, nhớ ra thì chạy từ nương ngô đến thẳng phòng thi không kịp rửa chân tay. Không có em nào trong điểm thi ấy có ý định thi vào ĐH, còn em thí sinh đến muộn thì cười buồn: "tốt nghiệp rồi, em sẽ lại về tra ngô".

Có em nữ sinh giữa ngày hè nóng nực vẫn mặc áo bông, đi bít tất, đội khăn kín mít đi thi. Hỏi sao nóng thế mà em mặc nhiều thế, em bảo vì em mới sinh con thứ hai ngày hôm qua, hôm nay đi thi nên phải mặc kín để tránh gió. Chúng tôi tự hỏi nhau tại sao ngành giáo dục lại sinh ra kỳ thi quốc gia như thế này để làm gì?

Hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, các địa phương, và của cả triệu gia đình thí sinh đã bỏ ra là rất rất nhiều để chi cho kỳ thi này. Nhưng công sức của thí sinh, người nhà, của ngành giáo dục, công an, giao thông… mới là khủng khiếp. Một kỳ thi mà biết trước là gần 100% thí sinh đỗ và chỉ một phần trong đó sẽ vào ĐH thì có cần phải tổ chức tốn kém, nhiêu khê, căng thẳng, áp lực đến như thế.

Tại sao phải điều động cán bộ coi thi từ ĐH từ nơi này đến coi thi THPT ở nơi khác, liệu đó có phải là sự thiếu niềm tin đối với thầy cô giáo THPT hay không? Và trên hết, liệu kỳ thi ấy có thực sự công bằng cho toàn thể học trò lớp 12 khi từ thành phố đến vùng sâu vùng xa đều thi chung một đề, chung một giờ, chấm chéo như vậy.

THANH HUYỀN

Kỳ thi ngày càng lạc hậu

Trong xu hướng chọn nghề hiện nay, không phải cháu nào cũng định thi ĐH, vì nhiều cháu đã dự định vào học các trường nghề, hoặc đi du học nước ngoài, thậm chí như con tôi sẽ dùng điểm thi tiếng Anh quốc tế để được xét tuyển vào ĐH trong nước mà cháu muốn. 

Kỳ thi THPT quốc gia như các năm qua chỉ còn là thủ tục để ghi nhận một thời đèn sách đầu đời của bọn trẻ, vượt ra khỏi ý nghĩa để lấy điểm tuyển vào ĐH như những người thiết kế ra nó đã mường tượng ban đầu.

Học sinh có nhiều lựa chọn hơn trong thực tế để vào đời, và kỳ thi này ngày càng trở nên lạc hậu với nhu cầu của xã hội và chính những chủ nhân của tấm bằng tốt nghiệp THPT ấy. Kỳ thi chủ yếu là các môn trắc nghiệm ấy cũng không giúp chúng tôi tuyển chọn được những tân sinh viên có kiến thức và kỹ năng tốt mà chúng tôi kỳ vọng. 

Kỹ năng viết của sinh viên ngày càng yếu đi, cả thầy cô và nhà tuyển dụng đều than phiền liệu có phải là kết quả của một lối học tập chỉ để thi lấy điểm, mà thi ở đây phần lớn là thi trắc nghiệm?

Tôi mong ngành giáo dục hãy quyết đoán hủy kỳ thi THPT quốc gia năm nay, và các năm sau nữa thì càng tốt, vì một tương lai khỏe mạnh của nền giáo dục VN. Hãy trả kỳ thi tuyển sinh cho các trường đại học, chúng tôi đã có cách làm tốt hơn nhiều là dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đầy tai tiếng mấy năm gần đây mà không cần làm tăng áp lực cho xã hội thêm.

Thi để làm gì?

Thi để làm gì nếu như chỉ là để xét tốt nghiệp gần như tuyệt đối, và làm cả xã hội vất vả, lo lắng từ chuyện ra đề, coi, chấm thi, an toàn giao thông, dịch bệnh,… đặc biệt là áp lực tâm lý với bọn trẻ còn kéo dài dài?


Giáo sư Phạm Phụ: Giáo sư Phạm Phụ: 'Nên giao xét tốt nghiệp THPT cho địa phương'

TTO – Sáng 11-4, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online, GS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết trước đây nhiều năm ông đã đề nghị không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nữa.

THANH HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên