Dãy nhà Pháp cổ phía mặt đường Hùng Vương chưa bị phá hủy, đề thi không loại trừ phương án giữ lại tòa nhà này - Ảnh: T.ĐIỂU
"Đề bài không bắt buộc bỏ đi phần tòa nhà Pháp cổ còn lại ở đây mà bản thiết kế mới có thể tích hợp công trình cũ với công trình mới", kiến trúc sư Phan Đăng Sơn nói về quy định của cuộc thi tuyển phương án kiến trúc mới cho công trình Postef 61 Trần Phú gây chú ý dư luận, phải tạm dừng thi công hơn 4 tháng trước.
Cuộc thi quốc tế này vừa được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện (Postef) tổ chức để tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo, khả thi, đảm bảo các công năng; hướng đến xây dựng công trình kiến trúc đẹp, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp với quy hoạch, cảnh quan khu trung tâm chính trị Ba Đình và tại khu đất dự án 61 Trần Phú.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn được chủ đầu tư công trình Postef 61 Trần Phú chọn là chủ tịch hội đồng thi tuyển.
Trả lời Tuổi Trẻ Online chiều tối 18-8 về cuộc thi tìm phương án kiến trúc mới thay thế cho phương án kiến trúc cũ bị dư luận phản ứng vì "khủng khiếp", không ăn nhập với cảnh quan khu vực đặc biệt quan trọng của thủ đô mà báo Tuổi Trẻ đã lên tiếng phản ánh đầu tiên, ông Sơn cho biết cuộc thi này "không bàn gì chuyện phải phá bỏ nốt tòa nhà còn lại".
Trước đó, Tuổi Trẻ phản ánh việc chủ đầu tư đã phá hủy tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh Quảng trường Ba Đình để chuẩn bị xây công trình tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại cao tầng mới với kiến trúc đáng thất vọng.
Sau phản ánh của Tuổi Trẻ, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng thi công. Hiện một phần công trình cổ này chưa bị phá hủy, bao gồm dãy nhà trên mặt đường Hùng Vương và trên mặt phố Nguyễn Thái Học.
Bản thiết kế cũ được chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng rất 'buồn cười', hoàn toàn không hòa hợp với cảnh quan xung quanh - Ảnh: T.ĐIỂU chụp lại
TS Martin Rama - cố vấn của chủ tịch Ngân hàng Thế giới, người đầu tiên lên tiếng về việc phá hủy tòa nhà Pháp cổ này - khi đó đã đề xuất trên Tuổi Trẻ ý tưởng nên kết hợp công trình mới với phần còn lại của tòa nhà cổ, sẽ nâng giá trị rất lớn cho công trình mới, và rộng hơn là cho cảnh quan đặc sắc của Hà Nội.
Đề xuất này cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều kiến trúc sư, những người yêu di sản nói chung.
Bộ Xây dựng cũng có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh của báo chí, người dân, giới chuyên môn để có giải pháp thực hiện phù hợp để đảm bảo sự hài hòa kiến trúc của công trình mới trên lô đất 61 Trần Phú.
Ông Phan Đăng Sơn khẳng định ý tưởng này "hoàn toàn do kiến trúc sư chủ động chứ trong nhiệm vụ của cuộc thi không yêu cầu bỏ đi" tòa nhà Pháp cổ còn lại. Hội đồng thi tuyển sẽ chọn phương án tốt nhất, hợp với cảnh quan nơi này nhất và "phương án giữ lại một ít tòa nhà cũ là tốt".
"Nếu bản thiết kế sáng tạo, hay, kết nối cái cũ cái mới làm mình bàng hoàng thì mình chọn. Nếu có phương án xây mới hoàn toàn nhưng người ta làm khéo hơn thì được chọn. Hội đồng 11 người bỏ phiếu tự do dựa trên sự đánh giá độc lập của mỗi người sau khi hội đồng đã thảo luận rất kỹ, phân tích cẩn thận", ông Sơn nói.
Về phương án kiến trúc cũ mà chủ đầu từ từng lựa chọn cùng với Hội đồng kiến trúc của TP Hà Nội, ông Sơn cho là "buồn cười, không ăn nhập với cảnh quan xung quanh".
Về cuộc thi, các tổ chức tư vấn thiết kế, cá nhân trong và ngoài nước có đủ năng lực chuyên môn, hành nghề theo quy định pháp luật hiện hành và tự nguyện tham gia cuộc thi qua hai vòng (sơ tuyển và thi tuyển phương án).
Thời hạn đăng ký và nộp hồ sơ vòng sơ tuyển đến 16h ngày 30-8, công bố kết quả ngày 15-9. Các cá nhân, đơn vị vượt qua vòng sơ tuyển sẽ tham gia thi tuyển từ ngày 16-9 đến 7-11. Lễ công bố và trao giải dự kiến vào cuối tháng 12.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận