13/09/2014 09:46 GMT+7

​Thí sinh sợ thi văn, tiếng Anh

V.HÀ - NG.HÀ
V.HÀ - NG.HÀ

TT - Trên 500 câu hỏi gửi về Tuổi Trẻ bày tỏ băn khoăn về kỳ thi quốc gia tại buổi giao lưu trực tuyến với Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) ngày 12-9,

PGS.TS Mai Văn Trinh (phải) tại buổi giao lưu trực tuyến - Ảnh: V.Dũng
PGS.TS Mai Văn Trinh (phải) tại buổi giao lưu trực tuyến - Ảnh: V.Dũng

PGS-TS Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), đã cố gắng để có thể giải đáp nhiều nhất các câu hỏi của phụ huynh, học sinh.

Một phần lớn câu hỏi của phụ huynh, học sinh thể hiện sự hoang mang, lo lắng khi hiểu là kỳ thi THPT quốc gia sẽ buộc thí sinh phải “giỏi toàn diện”, đáp ứng yêu cầu của cả các môn tự nhiên và xã hội.

Trong đó rất nhiều thí sinh đã được định hướng thi khối A từ năm lớp 10, nay cảm thấy hoảng sợ khi nghĩ mình sẽ phải thi cả ngữ văn, tiếng Anh, thậm chí lịch sử, địa lý trong kỳ thi sắp tới.

Sở trường khối A...làm sao có thể thi cả văn, tiếng Anh?

Thậm chí có một bạn đọc Tuổi Trẻ đã bức xúc nói: “Tôi muốn trở thành sinh viên trường ĐH y, tôi thiết nghĩ chỉ cần học toán, hóa, sinh là đủ, vì cớ gì Bộ GD-ĐT bắt thi thêm môn văn. Chẳng lẽ sinh viên y cần học văn để viết đơn thuốc cho tốt à?”.

Giải đáp thắc mắc mang tính “áp đảo” của cuộc giao lưu này, PGS-TS Mai Văn Trinh cho biết: “Mỗi thí sinh phải dự thi bốn môn tối thiểu, gồm ba môn bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn.

Kết quả bốn môn này được sử dụng kết hợp với điểm trung bình lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp. Kết quả bốn môn này cũng được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành phù hợp (các ngành sử dụng các môn này để tuyển sinh).

Ngoài ra, để có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH-CĐ, thí sinh đăng ký thi thêm các môn tự chọn khác. Đề thi bao gồm các câu hỏi ở mức độ từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao.

Do đó, các em chỉ cần giải quyết được các câu hỏi ở mức độ cơ bản cũng đã đủ điều kiện tốt nghiệp THPT (giống như thi tốt nghiệp THPT các năm trước đây), không cần thiết phải học thêm.

Do vậy, thí sinh có thể yên tâm học để đáp ứng yêu cầu cơ bản đối với các môn sử dụng để xét tốt nghiệp và tập trung hơn vào các môn là thế mạnh, phù hợp với năng lực sở trường của mình, để tuyển sinh ĐH-CĐ”.

Cũng băn khoăn về việc phải chọn môn thi tối thiểu bên cạnh môn thi để xét tuyển ĐH, bạn Trần Huyền Nhung Nhi đã thắc mắc: “Học sinh có định hướng khối A, B giờ phải học và làm bài thi đến 6 môn: toán, lý, hóa, sinh, văn và ngoại ngữ để được công nhận tốt nghiệp và ứng tuyển vào ĐH, CĐ. Như vậy phải chăng đã quá mâu thuẫn với chủ trương của bộ là giảm áp lực cho thí sinh?”.

PGS.TS Mai Văn Trinh giải thích thêm: “Trước đây, nếu thí sinh tham dự cả hai kỳ thi thì ít nhất phải làm bài tới bảy lượt môn thi (gồm bốn môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và ba môn thi ĐH hoặc CĐ). Nhiều thí sinh tham dự ba đợt thi với 10 lượt môn thi (gồm bốn môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, ba môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1 và ba môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2). Trong kỳ thi THPT quốc gia, mỗi thí sinh chỉ phải dự thi bốn môn thi tối thiểu, nhiều nhất là tám môn thi và phổ biến sẽ là năm hoặc sáu môn; với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ năm 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi, do vậy áp lực thi cử sẽ giảm rất nhiều. Thí sinh, gia đình và xã hội cũng sẽ giảm được chi phí cho kỳ thi”.

Băn khoăn về quy định cụm thi

Trước thông tin Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hai loại cụm thi: cụm thi do trường ĐH chủ trì cho các thí sinh có nguyện vọng thi lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ và cụm thi địa phương tổ chức cho thí sinh chỉ có nhu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, nhiều bạn đọc đặt thẳng vấn đề: Liệu đây có phải là cách để Bộ GD-ĐT “gỡ gạc” lại chút niềm tin trong tổ chức thi do ĐH chủ trì vì kỳ thi ở địa phương không bảo đảm trung thực, khách quan?

Một số bạn đọc còn cho rằng việc phân chia hai loại cụm thi như vậy dễ hiểu rằng bộ đã thừa nhận và chấp nhận kỳ thi ở địa phương khó có thể làm nghiêm túc, khó thuyết phục các trường ĐH tin tưởng lấy kết quả để xét tuyển.

Đáp lại lo lắng này, PGS.TS Mai Văn Trinh thừa nhận mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc (nhất là kỳ thi năm 2014) nhưng nhìn chung dư luận xã hội vẫn chưa thật sự tin cậy vào kết quả thi.

Tuy nhiên, ông Trinh khẳng định hoàn toàn không có sự phân loại cụm thi theo hướng thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp thì thi tại cụm thi địa phương và thí sinh có nguyện vọng học ĐH mới dự thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì. Bộ GD-ĐT sẽ cùng với các bộ, ngành và các địa phương tổ chức kỳ thi nghiêm túc đối với tất cả các cụm thi do ĐH chủ trì hoặc do địa phương chủ trì.

Thực tế, ngay cả thí sinh chỉ có nguyện vọng thi để xét công nhận tốt nghiệp, không lấy kết quả để tham gia tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ thì chỉ thi ở cụm thi địa phương khi mà địa phương đó không có cụm thi do trường ĐH chủ trì.

Nhiều thí sinh cũng trực tiếp thắc mắc nếu thi tại địa phương để xét công nhận tốt nghiệp thì có quyền xét tuyển vào ĐH, CĐ hay không?

PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định do những thí sinh thi tại cụm thi địa phương chỉ thi bốn môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT nên có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng cơ hội rất hạn chế, phụ thuộc quy định của các trường ĐH, CĐ.

Do đó, thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký tham dự kỳ thi phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện của gia đình.

“Mặt khác, ngoài việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ được quyền tuyển sinh riêng theo đề án tuyển sinh của trường. Do đó, với các thí sinh dự thi tại các cụm thi do địa phương chủ trì vẫn có cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh”- ông Trinh nhấn mạnh.

* Tôi là phụ huynh có con thi ĐH năm 2015. Con tôi học chuyên hóa và muốn thi vào Trường đại học Y dược TP.HCM nên từ năm lớp 10 cháu đã tập trung ôn luyện ba môn khối B thật tốt. Nếu bây giờ lại phải lo cho học sinh thi môn tiếng Anh và văn ở mức độ đề thi đại học là cực kỳ khó khăn, chưa kể học sinh chưa biết được trường y sẽ xét tuyển ra sao.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Tâm (52 tuổi)

- Thí sinh dự thi vào ngành y chỉ cần học để đáp ứng yêu cầu của bài thi môn ngữ văn, tiếng Anh ở mức cơ bản. Đây không phải là yêu cầu mới vì các năm trước thí sinh vẫn phải vượt qua một kỳ thi tốt nghiệp, trong đó có các môn bắt buộc là toán, văn, Anh... Và thí sinh phải đỗ tốt nghiệp THPT mới được dự tuyển vào các trường ĐH-CĐ.

Khác biệt của kỳ thi THPT quốc gia là chỉ gộp hai mục đích trong một kỳ thi. Việc này sẽ có lợi cho thí sinh mà không khiến thí sinh phải học quá tải thêm.

PGS.TS MAI VĂN TRINH

V.HÀ - NG.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên