10/12/2014 12:22 GMT+7

Thí sinh sẽ có điểm 10 nếu được miễn thi ngoại ngữ

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Tại hội thảo chuyên đề do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Đà Lạt ngày 10-12, Bộ GD-ĐT đã thông tin những vấn đề đang được xã hội quan tâm liên quan tới đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Ông Trần Văn Nghĩa phát biểu tại hội nghị - Ảnh: H.Hạnh

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đã trao đổi về những điểm mới nhất liên quan tới tổ chức kì thi THPT quốc gia.

Chưa học đủ chương trình sẽ được thi môn thay thế ngoại ngữ

Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD-ĐT sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT.

Nói thêm về quy định này, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định "Chúng tôi đã đặt vấn đề cho điểm tốt nghiệp tối đa (điểm 10) ở môn ngoai ngữ cho những thí sinh thuộc đối tượng này. Vì trên thực tế để đat được những chứng chỉ như quy định của Bộ GD-ĐT thì các em hoàn toàn xứng đáng đạt điểm tối đa".

Chia sẻ băn khoăn của báo chí về quy định "cho điểm tối đa" sẽ có thể bị vướng trong việc xử lý kĩ thuật khi thí sinh sử dụng môn ngoại ngữ để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH-CĐ. Trong khi để có kết quả xét tuyển ĐH-CĐ, thí sinh cần phải thi và điểm thi chưa chắc đã đạt tối đa.

Ông Trần Văn Nghĩa cho biết sẽ có biện pháp để xử lý hai loại dữ liệu để đảm bảo đúng quy định, nếu quyết định việc cho điểm tối đa.

Ông Nghĩa cũng nhắc lại quy định những thí sinh chưa học đủ chương trình, đang học ở nơi có điều kiện dạy học ngoại ngữ không đảm bảo sẽ được sử dụng môn thi khác thay thế.

Với những thí sinh không thi ngoại ngữ, để xét tốt nghiệp, thí sinh sẽ có 2 môn thi bắt buộc và 2 môn thi tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử" - ông Nghĩa giải thích.

Dự kiến đăng kí môn thi vào tháng 3-2015

Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, thí sinh tham dự kì thi quốc gia sẽ làm hồ sơ đăng ký dự thi vào tháng 3-2015.

Ông Nghĩa cho biết "thí sinh vẫn làm hồ sơ đăng ký dự thi theo cách thức tương tự như năm 2014, chỉ lưu ý một số điểm mới.

Cụ thể có ba điểm mới cần quan tâm khi điền vào hồ sơ: Đăng kí môn thi (bao gồm các môn thi tối thiểu để xét tốt nghiệp và các môn thi để xét tuyển ĐH-CĐ), đăng kí cụm thi và xác định mục đích dự thi (chỉ xét tốt nghiệp THPT, chỉ xét tuyển ĐH-CĐ hay vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH-CĐ).

Ông Nghĩa giải thích thêm "Hồ sơ đăng ký dự thi năm nay sẽ không có mục đăng ký trường, ngành đào tạo. Vì theo quy định mới, việc đăng ký trường, ngành đào tạo sẽ thực hiện sau khi thí sinh có kết quả thi".

Ngoài ba điểm mới cần lưu ý trên, thí sinh vẫn điền các thông tin cá nhân vào phiếu đăng ký dự thi, kèm theo các giấy tờ cần thiết khác như quy định các năm trước.

Liên quan tới đăng kí môn thi, ông Nghĩa cho biết hiện nay vẫn có nhiều thí sinh, phụ huynh chưa hiểu rõ về kỳ thi quốc gia nên lo sợ thí sinh bị quá tải khi phải dự thi quá nhiều môn.

"Thí sinh chỉ cần đăng ký 4 môn thi tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT... Ngoài ra có thể đăng ký các môn thi tùy thuộc vào quy định xét tuyển của các ngành, trường. Nhưng với kỳ thi quốc gia, thí sinh sẽ có nhiều hơn cơ hội xét tuyển với những môn thi mà mình đăng ký vì ngoài các khối thi truyền thống, còn có các tổ hợp môn thi mới do các trường quy định trong phương án xét tuyển của mỗi trường".

Chỉ có một mô hình cụm thi

Đó là khẳng định của ông Trần Văn Nghĩa khi bị chất vấn về những điểm khác cơ bản giữa cụm thi do đại học chủ trì và cụm thi do địa phương chủ trì.

Theo phương án mới nhất từ Bộ GD-ĐT, ở cả các cụm thi do trường đại học hay do địa phương chủ trì sẽ đồng thời có sự phối hợp tổ chức của sở GD-ĐT và của trường ĐH. Ngay cả các cụm thi do địa phương chủ trì thì Bộ GD-ĐT vẫn giao nhiệm vụ để các trường ĐH cùng tham gia, nhất là ở khâu coi thi, chấm thi.

Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa chốt số lượng cụm thi trong cả nước, nhưng bộ cũng đã đặt ra nguyên tắc ngoài Hà Nội, TP.HCM, các cụm thi khác sẽ phải đảm bảo bao quát thí sinh của ít nhất hai tỉnh trở lên. Điều này xuất phát từ việc không phải tỉnh nào cũng có trường ĐH đủ năng lực để chủ trì cụm thi, đồng thời cũng để bảo đảm công bằng, minh bạch trong kỳ thi quy tụ thí sinh ở nhiều đại phương khác nhau về cùng tham dự một kỳ thi chung.

Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch để điều động, giao nhiệm vụ để các trường ĐH lớn, có uy tín tại Hà Nội hoặc TP.HCM về địa phương hỗ trợ tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc.

Riêng với các tỉnh vùng sâu, vùng xa thuộc vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ- những nơi điều kiện đi lại khó khăn, nhiều thí sinh chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp để đi làm ngay hoặc để xét tuyển vào các trường chấp nhận kết quả thi do địa phương chủ trì-  nếu có đề xuất thì bộ sẽ chấp thuận việc tổ chức các cụm thi do địa phương chủ trì để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh.

Đề thi tăng cường câu hỏi mở, vân dụng kiến thức, thực nghiệm

Cấu trúc đề thi trong kỳ thi quốc gia tương tự như đề thi trong kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, bao gồm những câu hỏi yêu cầu kiểm tra kiến thức, kỹ năng cơ bản để xét tốt nghiệp và phần nâng cao (xét tuyển ĐH-CĐ).

Nhưng đề thi sẽ tăng cường các câu hỏi mở, hạn chế các câu hỏi máy móc, thay thế vào đó là các câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức, liên hệ thực tế (đối với các môn Khoa học xã hội) và tăng cường các câu hỏi yêu cầu thực nghiệm (đối với các môn Khoa học tự nhiên).

(Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục)

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT hiện có 235 trường chỉ sử dụng kết quả kì thi quốc gia để xét tuyển, 192 trường vừa sử dụng cả kết quả học tập THPT của thí sinh và kết quả thi quốc gia để xét tuyển. Ngoài ra, có một số trường tổ chức sơ tuyển trước khi sử dụng kết quả của kì thi quốc gia để xét tuyển. Có một số trường đang trình Bộ GD-ĐT phương án tuyển sinh, sau khi xét tuyển từ kết quả kì thi quốc gia sẽ tổ chức thêm kì kiểm tra (hình thức phỏng vấn).

(Nguồn Bộ GD-ĐT)

 

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên