ĐH Ngoại thương, một trường có điểm chuẩn cao hằng năm, vẫn tham gia nhóm tuyển sinh để góp phần giảm tỉ lệ ảo, tạo điều kiện cho các thí sinh trượt trường này có thêm cơ hội vào trường khác - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Đề án tuyển sinh theo nhóm trường do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì đã hoàn thiện để trình Bộ GD-ĐT phê duyệt trong tuần này.
Trường giảm ảo, thí sinh tăng cơ hội
Đề án tuyển sinh theo nhóm trường do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì xây dựng với sự tham gia của bảy trường ĐH, tính đến thời điểm này bao gồm: ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Mỏ - địa chất và ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Tuyển sinh theo nhóm là phương thức xét tuyển chung nhằm giảm thiểu hiện tượng “trúng tuyển ảo” cho các trường tham gia và tạo thuận lợi, tăng thêm cơ hội cho thí sinh, đó là lý do tham gia nhóm của nhiều trường.
Bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết: “Sau khi cân nhắc, đánh giá sáng kiến do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất, trường chúng tôi quyết định tham gia nhóm. Điều này thể hiện trách nhiệm xã hội của trường. Tuy ĐH Ngoại thương không phải đối mặt với tỉ lệ “ảo” cao như các trường khác vì thí sinh trúng tuyển vào trường hầu hết đều nhập học, nhưng với mức điểm chuẩn của trường, nếu tham gia nhóm sẽ góp phần giảm ảo cho các trường khác và tăng thêm cơ hội được xét tuyển cho thí sinh nếu không trúng tuyển vào ĐH Ngoại thương”.
Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định: “Tuyển sinh theo nhóm trường sẽ tạo thêm cơ hội, không gây ra sự phức tạp tốn kém cho thí sinh, không làm giảm quyền lợi của thí sinh đăng ký xét tuyển”.
Bởi vì thí sinh sẽ có cơ hội tận dụng tối đa bốn nguyện vọng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thay vì chỉ đăng ký được vào hai trường, khi đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh theo nhóm, thí sinh có thể đăng ký tối đa bốn trường và được xét tuyển theo thứ tự ưu tiên. Như vậy, cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ tăng thêm.
Các trường tham gia nhóm sẽ được quyền tự chủ trong việc phân chia nhóm ngành; xác định chỉ tiêu dự kiến cho từng nhóm ngành; ấn định mã nhóm ngành sử dụng cho xét tuyển; quy định điều kiện được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) dựa trên kết quả học tập THPT của thí sinh (gọi tắt là điều kiện sơ loại) và ngưỡng điểm cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (gọi là ngưỡng điểm xét), các tổ hợp môn xét tuyển đối với từng nhóm ngành và môn chính (hệ số 2); chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp môn xét tuyển đối với từng nhóm ngành; quy định môn thi là tiêu chí phụ để xử lý tình huống quá nhiều thí sinh có cùng điểm xét ở ngưỡng trúng tuyển vào một nhóm ngành của trường.
Các trường cũng tự chủ trong việc xét duyệt các hồ sơ đăng ký tuyển thẳng của thí sinh vào trường, xác định chế độ ưu tiên đối với thí sinh không dùng quyền tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh.
Áp dụng chung cách tính điểm xét tuyển
Theo phương thức tuyển sinh theo nhóm được các trường tham gia thống nhất trình Bộ GD-ĐT, các trường trong nhóm sẽ thống nhất sử dụng duy nhất kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường trong nhóm theo quy chế tuyển sinh hiện hành.
Các trường cũng sử dụng chung một phần mềm quản lý dữ liệu ĐKXT và xét tuyển do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chịu trách nhiệm quản lý.
Các thí sinh ĐKXT vào một hoặc nhiều trường trong nhóm sẽ được áp dụng chung cách tính điểm xét tuyển để thực hiện xét tuyển vào các trường trong nhóm, áp dụng chung cách thức xét tuyển giữa các nguyện vọng ngành/nhóm ngành theo thứ tự ưu tiên trong phiếu ĐKXT.
Ông Nguyễn Phong Điền cho biết ngoài hai phương thức ĐKXT do bộ quy định, các trường tuyển sinh theo nhóm sẽ bổ sung phương thức nhận trực tiếp phiếu ĐKXT tại các trường.
Nhóm trường cũng thống nhất là tùy theo tình hình tuyển sinh của các trường sẽ duy trì phương thức xét tuyển theo nhóm trường cho các đợt xét tuyển bổ sung theo kế hoạch và hướng dẫn của bộ.
Theo phương án đang được các trường trình với Bộ GD-ĐT trong đề án tuyển sinh theo nhóm trường, điều kiện thí sinh được ĐKXT bao gồm: thí sinh đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì, đáp ứng các điều kiện được quy định tại quy chế tuyển sinh và thỏa mãn quy định của Bộ GD-ĐT về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm, mỗi trường 1 hoặc 2 nguyện vọng nhưng tổng số nguyện vọng đăng ký không quá 4 ở đợt 1 và không quá 6 ở các đợt xét tuyển bổ sung.
Thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới trong phiếu ĐKXT. Mỗi nguyện vọng đăng ký sẽ bao gồm các thông tin sau về mã trường và mã nhóm ngành.
Tuy nhiên, khi thí sinh đã ĐKXT vào 2 trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm.
“Các trường trong nhóm sẽ xét tuyển theo nhóm ngành. Một nhóm ngành bao gồm một hoặc vài ngành, chuyên ngành đào tạo của một trường được ấn định một mã nhóm ngành để xét tuyển (gọi tắt là mã xét tuyển), có cùng tổ hợp môn xét tuyển và cùng điểm chuẩn trúng tuyển" - ông Nguyễn Phong Điền cho biết.
Các trường sẽ xét tuyển theo các nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký (xếp theo thứ tự ưu tiên trên phiếu ĐKXT) theo nguyên tắc: Nếu thí sinh trúng tuyển theo một nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa.
Điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả điểm xét của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào (1, 2, 3 hay 4) giữa các thí sinh đã đăng ký vào nhóm ngành đó.
Đối với một nhóm ngành, điểm chuẩn trúng tuyển theo các tổ hợp môn xét tuyển có thể khác nhau. Điểm chênh lệch do các trường quy định cho mỗi nhóm ngành. Điểm chuẩn trúng tuyển cho mỗi nhóm ngành sẽ được xây dựng theo thang điểm 10 phù hợp với công thức tính điểm xét tuyển chung.
Nhóm “mở” Với phương thức tuyển sinh được nhóm trường này dự kiến áp dụng, đây sẽ là một nhóm “mở”, các trường ĐH khác vẫn có thể tiếp tục “gia nhập” nếu thấy phù hợp - ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết - Nếu một trường ĐH đề nghị được tham gia nhóm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tham khảo ý kiến của 7 trường đã tham gia xây dựng đề án này để quyết định. Trong năm 2016, thời hạn đăng ký tham gia nhóm là trước ngày 22-4. Tiêu chí cơ bản để một trường có thể tham gia nhóm là: - Cam kết tham gia nhóm và tuân thủ các nguyên tắc chung, các quy định về trách nhiệm và quyền hạn của các trường tham gia trong đề án này. - Không tham gia xét tuyển với một nhóm trường khác. - Không thực hiện tuyển sinh theo đề án tự chủ tuyển sinh riêng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận