11/04/2021 10:01 GMT+7

Thí sinh có tăng đột biến, cơ hội xét tuyển thế nào?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Đây là băn khoăn của nhiều học sinh có mặt tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đang diễn ra hôm nay 11-4 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Thí sinh có tăng đột biến, cơ hội xét tuyển thế nào? - Ảnh 1.

Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển tại ngày hội sáng 11-4 - Ảnh: MAI THƯƠNG

Thí sinh tăng đột biến?

Một thí sinh đến từ Nam Định đã bày tỏ băn khoăn khi em nghe nhiều "tin đồn" về việc số thí sinh xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay tăng đột biến nên rất lo lắng sẽ ít cơ hội trúng tuyển.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) khẳng định sẽ không có việc tăng đột biến thí sinh năm nay.

Theo ông Hùng, Bộ GD-ĐT đang nắm dữ liệu học sinh lớp 12 năm nay, đây là đối tượng chủ yếu tham gia kỳ thi và xét tuyển vào các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng. So với năm trước, số lượng này không biến động. 

Bên cạnh đó, chỉ tiêu của các cơ sở đào tạo do Bộ GD-ĐT quản lý cũng giữ ổn định. Những cơ sở tăng chỉ tiêu đều rất ít, không quá 10%. Nên việc xét tuyển vào các trường cũng sẽ không có xáo trộn lớn.

Thí sinh có tăng đột biến, cơ hội xét tuyển thế nào? - Ảnh 2.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, tư vấn cho học sinh - Ảnh: NAM TRẦN

Trấn an thí sinh, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội phân tích: Mùa thi và tuyển sinh năm trước có khoảng 930.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó khoảng 650.000 thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học. 

Trong khi đó các trường chỉ tuyển được 72-74% chỉ tiêu. Vì thế nếu năm nay số thí sinh có tăng hơn một chút, các trường có thể tuyển được 100% chỉ tiêu thì cơ hội của thí sinh cũng không bị sụt giảm. Nhưng "cơ hội" như thế nào, vẫn lệ thuộc nhiều vào sự nỗ lực của mỗi thí sinh.

Đăng ký xét tuyển, thay đổi nguyện vọng online

Thông tin về những điểm mới của việc xét tuyển vào các cơ sở đào tạo năm nay, TS Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý: Thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào trường nào, phải vào trang web của đúng trường đó để đọc kỹ thông tin về phương thức xét tuyển, những điều kiện khi đăng ký xét tuyển.

Các em có thể đăng ký nhiều nguyện vọng. Điểm mới trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển là ngoài đăng ký trên phiếu, sẽ có thể đăng ký online ở nơi có đủ điều kiện công nghệ thông tin.

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần và được điều chỉnh nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến để thí sinh chủ động hoàn toàn việc xếp thứ tự ưu tiên và mã ngành, trường, tránh sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh.

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội trả lời học sinh câu hỏi: Liệu trong tương lai robot có thay thế con người? - Video: PHẠM TUẤN

Một số thí sinh lo lắng khi đề thi tốt nghiệp THPT có độ khó giảm thì liệu có đảm bảo để phân loại thí sinh phục vụ việc xét tuyển vào các trường không?

Về điều này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu nhằm mục đích xét tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông. Nhưng đề thi vẫn có độ phân hóa để hỗ trợ các trường ĐH-CĐ xét tuyển bằng hình thức sử dụng kết quả thi. 

Ngoài ra các trường sẽ đồng thời có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau để đảm bảo tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Trong đó các trường có thể sử dụng kết quả thi theo tổ hợp nhiều môn thi hoặc 1 môn thi kết hợp với việc xét tuyển dựa vào học bạ hay chứng chỉ tiếng Anh.

Ông Hùng cũng cho biết một điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp năm nay là phần thi ngoại ngữ sẽ có 7 thứ tiếng, trong đó lần đầu tiên Tiếng Hàn sẽ được đưa vào thi.

Có nên chọn những ngành "thay đổi từng ngày, từng giờ"?

Thí sinh có tăng đột biến, cơ hội xét tuyển thế nào? - Ảnh 4.

Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại ngày hội - Ảnh: NAM TRẦN

Quan tâm tới các ngành như công nghệ thông tin, tự động hóa vì cho rằng nền công nghiệp 4.0, xu thế chuyển đổi số sẽ khiến những ngành này có nhiều cơ hội, nhưng nhiều học sinh cũng lo lắng vì những ngành này  "thay đổi từng ngày, từng giờ".

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết các ngành công nghệ thông tin và tự động hóa vẫn là những ngành có vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nghề trong những năm tới. Nhưng không phải vì thế mà "dễ xin việc", bởi các ngành "hot" đều có độ cạnh tranh cao, trong đó sự tiến bộ về công nghệ sẽ có những biến động nhiều hơn so với các ngành khác.

"Ngành tự động hóa cần cho nhiều mặt đời sống trong bối cảnh hiện nay nhưng lại là ngành nhiều thách thức. Sinh viên không chỉ gói gọn việc học hành trong 4-5 năm học ở trường đại học mà trong cuộc đời của mình, những người chọn ngành này sẽ ít nhất phải có 1-2 lần bổ sung, cập nhật kiến thức kỹ năng để không lạc hậu", thầy Điền chia sẻ.

"Phỏng vấn" khi xét tuyển có khó?

Thí sinh có tăng đột biến, cơ hội xét tuyển thế nào? - Ảnh 5.

Gian tư vấn của các trường rất đông học sinh tham quan, nhờ thầy cô tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp - Ảnh: NAM TRẦN

TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Đại học, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết trong phương án tuyển sinh của trường ông sẽ công bố công khai trong thời gian sắp tới trong đó có nêu rất rõ từng phương thức xét tuyển sinh sẽ yêu cầu cụ thể những gì. 

Ông khuyên thí sinh phải đọc thật kỹ, vì có những ngành sẽ ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Cùng tuyển sinh với tổ hợp Toán - Hóa - Sinh nhưng có những ngành ưu tiên hơn môn Hóa. Trường hợp những thí sinh có tổng điểm của cả tổ hợp xét tuyển bằng nhau thì sẽ ưu tiên nhận thí sinh có điểm môn học được ưu tiên điểm cao hơn.

Nhiều học sinh quan tâm tới hình thức "phỏng vấn" trong phương thức tuyển sinh của một số trường. Về điều này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết hình thức phỏng vấn được quy định tùy theo đặc thù của các ngành đào tạo cụ thể. Các bạn học sinh có thể tham khảo tư vấn tại những trường mà thí sinh quan tâm trong 160 gian tư vấn tại Ngày hội, thậm chí là tham gia cuộc "phỏng vấn thử". 

Ngoài nội dung liên quan tới kiến thức được học ở phổ thông, các cơ sở thực hiện phỏng vấn sẽ quan tâm tới tố chất, kỹ năng của thí sinh trong quá trình phỏng vấn, tùy theo yêu cầu của từng ngành nghề.

Thầy cô vừa tư vấn học hành, vừa 'bật mí' cơ hội... tìm người yêu

Thí sinh có tăng đột biến, cơ hội xét tuyển thế nào? - Ảnh 3.

Các thầy cô ban tư vấn đang giải đáp thắc mắc của thí sinh - Ảnh: MAI THƯƠNG

Khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế, báo chí, khoa học xã hội - nhân văn, ngoại ngữ, quân đội sôi nổi ngay từ khi bắt đầu. Học sinh Khoa, Trường THPT Lê Quý Đôn hỏi: "Họ hàng nhà em nói ngành luật ít việc làm, mức lương không tốt, em có nên vào không?".

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: "Trong xã hội hiện đại rất cần thầy thuốc và luật sư. Với quốc gia như Mỹ luôn có hai người đó đồng hành cùng họ trong suốt cuộc đời. Việt Nam đang bước vào thời kỳ thực sự cất cánh. Trong 5 đến 10 năm nữa Việt Nam phát triển rất mạnh, thế hệ các em đang ở trong giai đoạn thuận lợi này, nên tập trung học tập tốt, đừng lo nhiều có việc hay không".

Một học sinh hỏi ngành công nghệ thông tin có đang bị bão hòa hay không, em nên chọn trường nào tốt? TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính tư vấn: "Khách hàng cần phải là người thông thái nhất, tương tự là người học các em cần nghiên cứu để chọn đúng trường tốt, phù hợp với sở trường, để tránh tình trạng học nửa chừng thấy chất lượng không tốt. Trường nào nói hay, mập mờ, thì các em nên đặt câu hỏi để tìm hiểu".

Các chuyên gia không chỉ tư vấn về học hành còn tư vấn cả... tình yêu. Học sinh Nguyễn Ngọc Vượng, Trường THPT Thanh Thủy hỏi: "Em thích ngành kế toán, quản trị kinh doanh, ngành này rất nhiều nữ học, em là con trai có phù hợp không?".

TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính trả lời: "Học viện Tài chính 60% là nữ, tuổi từ 18 đến 22. Sinh viên nam có nhiều cơ hội tìm người yêu (cười). Còn ngành quản trị kinh doanh cả nữ và nam rất nhiều. Con trai học kế toán chắc chắn làm được khoảng 10-20 năm sẽ lựa chọn làm quản lý".

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tư vấn thêm: "Nếu em chưa xác định được rõ ràng, không biết mình thích gì thì học kế toán và quản trị kinh doanh rất đúng vì hai ngành nhỏ này có tính bao phủ rất rộng, có kỹ năng phục vụ suốt cuộc đời. Nếu chúng ta đi theo có điều kiện phát triển rất tốt. Vào đó tỉ lệ nữ cao mình có nhiều cơ hội chọn bạn gái (cười)".

NGỌC DIỆP

4 giờ sáng í ới gọi nhau dậy đi nghe tư vấn tuyển sinh 4 giờ sáng í ới gọi nhau dậy đi nghe tư vấn tuyển sinh

TTO - Sáng 11-4, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp chính thức khai mạc tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều học sinh từ các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang... đã có mặt từ sáng sớm để nghe tư vấn.

Thí sinh có tăng đột biến, cơ hội xét tuyển thế nào? - Ảnh 9.
VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên