Dù châu Âu đặt mục tiêu cấm bán xe hơi sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035, song phần lớn các hãng xe của họ lại chưa sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Sự xuất hiện của xe điện Trung Quốc vừa là giải pháp nhưng lại vừa là thách thức với họ.
Theo tạp chí Asia Times, năm 2022 doanh số xe điện Trung Quốc chiếm gần 60% thị trường toàn cầu, đạt 6,9 triệu chiếc, dự kiến năm nay tăng lên 8 triệu. Điều này khiến thị trường nội địa dần trở nên chật hẹp và ngày càng nhiều hãng xe Trung Quốc tìm cách mở rộng thị trường xe điện sang các nước phát triển.
Trung Quốc thấy cơ hội ở châu Âu
Đài CNN dẫn số liệu của Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc cho thấy trong tám tháng đầu năm 2023, số xe Trung Quốc xuất khẩu tăng 72%, đạt 2,3 triệu chiếc, trong đó khoảng 25% là xe điện. Tại chín nước châu Âu, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay Trung Quốc đã xuất 350.000 xe điện, nhiều hơn của cả năm 2022.
Thị phần xe điện Trung Quốc tại châu Âu tăng liên tục. Thật khó tin khi vào năm 2019, các hãng xe Trung Quốc gần như không có mặt tại đây, nhưng chỉ ba năm sau đó, đến năm 2022 xe của họ đã chiếm 6,2% thị phần và nâng lên 8,4% vào năm 2023. Ngân hàng UBS dự đoán đến năm 2030, xe hơi Trung Quốc (gồm cả xe xăng và xe điện) sẽ chiếm đến 20% thị trường châu Âu.
Theo ông Oliver Zipse - giám đốc điều hành (CEO) của hãng BMW, lệnh cấm bán xe chạy xăng dầu từ năm 2035 ở châu Âu và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các hãng xe Trung Quốc có thể khiến nhiều nhà sản xuất xe hơi của "lục địa già" bỏ luôn mảng xe giá rẻ để tối ưu hóa lợi nhuận.
Điều này khiến một bộ phận lớn người tiêu dùng châu Âu khó tiếp cận xe điện, nhất là khi loại xe này thường có giá cao hơn xe xăng cùng phân khúc. Giữa lúc đó, xe điện Trung Quốc xuất hiện với những ưu điểm lớn: rẻ nhưng vẫn đầy đủ các tính năng hiện đại.
Theo Asia Times, giá trung bình một chiếc xe điện Trung Quốc năm 2022 là 53.800 USD, thấp hơn gần 40% so với mức giá trung bình 94.100 USD tại châu Âu.
Ngoài ra so với Mỹ, châu Âu cũng là thị trường thân thiện với Trung Quốc hơn nhiều. Liên minh châu Âu (EU) chỉ áp 10% thuế nhập khẩu với xe điện Trung Quốc, trong khi mức thuế Mỹ áp lên đến 27,5%. Bên cạnh đó, Washington cũng có nhiều chính sách trợ giá mạnh mẽ cho xe điện nội địa khiến sức hấp dẫn của xe Trung Quốc ở Mỹ giảm đáng kể.
"Sản lượng dư thừa, kinh tế suy thoái và thị trường cạnh tranh cao trong nước đang thúc đẩy các hãng xe Trung Quốc tìm ra nước ngoài. Với châu Âu, họ thấy một thị trường lợi nhuận cao, nhu cầu xe điện lớn và ít biện pháp bảo hộ" - ông Dylan Khoo, nhà phân tích ngành xe điện tại Viện nghiên cứu ABI, bình luận.
Châu Âu lỡ nhịp với xe điện
Trước làn sóng ồ ạt của xe điện Trung Quốc, hôm 13-9 Ủy ban châu Âu đã mở cuộc điều tra để xem có nên áp thêm thuế nhập khẩu hay không. Cơ quan này cho rằng bản thân xe điện Trung Quốc đã nhận được hỗ trợ lớn từ Bắc Kinh, do đó không nên hưởng thêm chính sách ưu đãi thuế.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trước Nghị viện châu Âu: "Thị trường toàn cầu đang tràn ngập xe điện giá rẻ. Giá của chúng được giữ ở mức thấp một cách phi tự nhiên nhờ những khoản tài trợ lớn của chính phủ". Ủy ban châu Âu sẽ có tối đa 13 tháng để đưa ra kết luận cuối cùng. Đây được xem là nỗ lực đầu tiên của EU nhằm bảo vệ nền công nghiệp xe hơi lâu đời của họ.
So với Trung Quốc và Mỹ, các hãng xe châu Âu cũng có phần tụt lại trong cuộc đua xe điện. Hồi đầu tháng 9, ông Luca de Meo - CEO của Hãng Renault - thừa nhận: "Rõ ràng sức cạnh tranh của Trung Quốc trong chuỗi giá trị xe điện rất cao. Tôi nghĩ họ đi trước chúng ta một thế hệ. Chúng ta sẽ phải bắt kịp thật nhanh".
Bắc Kinh đã thúc đẩy việc phát triển và sử dụng xe điện từ năm 2009 với nhiều chính sách hỗ trợ cho cả khách hàng và nhà sản xuất. Theo ông Ferdinand Dudenhoffer - giám đốc Trung tâm nghiên cứu xe hơi (Đức), đó là chiến lược "nhảy cóc" của Trung Quốc. Bắc Kinh hiểu rõ họ sẽ không thể theo kịp châu Âu về động cơ đốt trong nên đã chọn đi tắt đón đầu với động cơ điện.
Ngành sản xuất động cơ đốt trong điêu đứng
Theo Đài CNBC, doanh thu từ việc sản xuất linh kiện cho động cơ đốt trong trên thế giới sẽ giảm 44% vào năm 2027. Ngược lại, doanh thu từ việc sản xuất hệ thống truyền lực chạy điện và pin xe điện dự kiến tăng 245% trong cùng giai đoạn.
Điều này buộc nhiều công ty sản xuất linh kiện cho động cơ đốt trong đứng trước lựa chọn hoặc đóng cửa mảng này hoặc giảm dần quy mô trong lúc chuyển hướng sang xe điện.
Tuy nhiên, cả hai chiến lược trên đều gặp khó ở vấn đề nhân sự. Một hệ thống động cơ đốt trong thường có 2.000 linh kiện. Trong khi đó, hệ thống cho xe điện chỉ có 20 linh kiện, thậm chí ít hơn. Theo đó, việc sản xuất các bộ phận xe điện cần ít nhân công hơn đáng kể và một lượng lớn người lao động sẽ mất việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận