15/01/2014 14:44 GMT+7

Thi ngành nào để làm thanh tra giao thông?

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Em muốn làm thanh tra giao thông thì thi vào ngành, trường nào? Em đã tìm nhưng không thấy trường nào đào tạo ngành này? (nguyenducminh209…@)

AYowNdmr.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi ĐH năm 2013 - Ảnh: Như Hùng

- PGS-TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Thanh tra viên ngành giao thông vận tải là công chức của thanh tra bộ, thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, thanh tra sở, được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của chánh thanh tra bộ, chánh thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, chánh thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, chánh thanh tra sở.

Thanh tra viên ngành giao thông vận tải có các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật thanh tra, Điều 6, 7 và 8 Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21-10-2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra và các tiêu chuẩn chuyên ngành theo quy định của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Thanh tra viên ngành giao thông vận tải có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về giao thông vận tải và điều ước quốc tế có liên quan; buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính bằng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

Do đó, thanh tra giao thông là công chức được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước khi đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. Để có thể đảm nhận công việc này, em có thể học tại các trường đào tạo lĩnh vực có liên quan, đáp ứng các yêu cầu quy định và được huấn luyện các nghiệp vụ cần thiết chứ không có ngành đào tạo thanh tra giao thông.

* Em muốn học ngành kỹ thuật tàu thủy và đóng tàu thủy nhưng không biết ngành này đào tạo những gì và có thể học ở trường nào? Cơ hội việc làm những ngành này ra sao? (hoquangnhat...@...)

- PGS-TS Nguyễn Văn Thư: Ngành này cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng thực hành đại cương, cơ sở và chuyên ngành áp dụng vào thực tế thiết kế và đóng mới các loại tàu thủy và công trình nổi với việc sử dụng hiệu quả các phương pháp tính toán hiện đại trong công nghệ thiết kế. Có khả năng làm việc tập thể, nghiên cứu khoa học và triển khai các dự án, ứng dụng kiến thức được đào tạo vào hoạt động sản xuất và đời sống…

Người học sau tốt nghiệp có thể công tác tại viện nghiên cứu, viện thiết kế về cơ khí, đóng tàu, cơ sở đào tạo (đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề), các cơ quan giám sát và kiểm tra, kiểm định kỹ thuật, cơ quan đăng kiểm; tổ chức phân cấp tàu, nhà máy (công ty) đóng và sửa chữa tàu; nhà máy cơ khí; cơ quan quản lý trong lĩnh vực cơ khí, tàu thuyền, công ty khai thác tàu; các sở, phòng, ban khoa học - công nghệ; lĩnh vực kinh tế liên quan đến chuyên ngành được đào tạo...

Kinh tế biển là một trong những hướng trọng điểm phát triển kinh tế, nước ta lại có bờ biển dài, lượng vận tải biển lớn; do vậy, nhu cầu nhân lực về kỹ thuật tàu biển là không nhỏ và không thiếu cơ hội việc làm chuyên ngành.

Hiện nay có một số trường chuyên đào tạo về ngành này như Trường ĐH Hàng hải VN (Hải Phòng) và Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Kỹ sư ngành này không chỉ đáp ứng nguồn nhân lực cho các chủ tàu Việt Nam mà cho cả các chủ tàu trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên