Rất nhiều bạn đọc bày tỏ đồng tình và đề nghị Cục Đường bộ sớm xem xét điều chỉnh, nâng cấp, sau phản ánh của báo Tuổi Trẻ về những bất cập tồn tại trong phần thi mô phỏng lái ô tô ảnh hưởng đến kết quả thi, khiến người dân hoang mang.
"Thi mô phỏng giống chơi game"
Bạn đọc Mạnh Hùng cho biết dù đã làm nghề lái xe hơn 15 năm nhưng khi thử sức với phần thi mô phỏng vẫn không đạt. Hầu hết tình huống thi không sát thực tế trên đường mà giống một game thử thách hơn. Hiện nay, người thi đều học mẹo rồi bấm dựa vào các dấu hiệu xuất hiện trong tình huống.
Việc học mẹo dẫn tới kiến thức, kỹ năng lái xe không được nâng cao, ra đường gặp tình huống thật sẽ lọng cọng ngay.
"Một người bạn của tôi thi đậu với số điểm khá cao nhưng ra đường gặp con bò băng ngang vẫn không biết xử lý tình huống như thế nào để không nguy hiểm.
Theo tôi, cơ quan quản lý và người ra đề cần xem lại tính chân thực của từng tình huống để có cách xử lý phù hợp nhất. Thậm chí, người ra đề phải trực tiếp tham gia tình huống thì mới thấy rõ được điểm bất hợp lý.
Ngoài ra, chúng ta có thể tham khảo thêm cách các nước trên thế giới họ nâng cao kỹ năng lái rồi ứng dụng vào bộ đề của Việt Nam", bạn đọc Hùng góp ý.
Cùng quan điểm trên, bạn đọc có nick name Hongkyt cho rằng cần phải phổ cập lại công nghệ thông tin để phù hợp với thi sát hạch bằng lái, không thì phần mềm phải sửa lại cho phù hợp từng lứa tuổi.
"Nói thật mình tiếp cận với máy tính từ lâu mà nhiều phần mềm vẫn lúng túng, học thêm là tốt nhưng đừng xa rời thực tế mới hiệu quả cao được", bạn Hongkyt nói.
Là người thi ba lần mới đậu, cô Châu Thị Nga (ngụ tỉnh Đồng Nai) nêu ý kiến: Bản thân tôi là người lớn tuổi, rất vất vả khi tiếp cận với máy tính, đặc biệt thao tác chọn đáp án của phần thi mô phỏng lái xe đòi hỏi chính xác từng "tích tắc".
"Tôi học rất kỹ các trường hợp thi mô phỏng nhưng lại gặp khó khăn trong việc bấm nút, chọn đáp án cho đúng với thời gian có điểm cao. Nhưng suy đi tính lại thì phần thi mô phỏng này chỉ là học thuộc mà thôi, không có nhiều tác dụng trong thực tế.
Vì vậy, tôi nghĩ cần tăng thêm thời gian học lái xe thực tế cho thí sinh mới là điều cần thiết. Còn lái xe mô phỏng để học và tham khảo chứ không nên đưa vào bài thi giống kiểu đánh đố thế này", cô Nga bức xúc.
Cần sửa sớm phần mềm thi mô phỏng lái xe
Trong khi đó, một người tham gia dạy lái xe tại TP.HCM phản hồi với Tuổi Trẻ Online cho rằng Cục Đường bộ nên xem xét lại bốn vấn đề quan trọng trong việc thi mô phỏng. Thứ nhất, khung tính điểm cho thí sinh hợp lý hơn, bấm sớm vẫn có điểm. Thứ hai, cơ sở nào để duyệt các tình huống này vào bộ đề, có nghiên cứu kỹ chưa?
Nhiều tình huống được chấm dựa trên ý kiến chủ quan của người viết phần mềm và còn nhiều thiếu sót vô lý cần được khắc phục. Thứ ba, đã có rất nhiều bài báo phản ánh ý kiến của các hiệp hội lái xe, vận tải, cơ sở đào tạo... là những người rành rẽ về lái xe nhất.
Nên chăng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thành lập một hội đồng khách quan thẩm định lại bộ đề đang áp dụng thi mô phỏng. Thứ tư, đối với các tình huống có tai nạn lật xe, người học bấm đúng thời điểm, video tình huống phải diễn biến theo hướng xe dừng an toàn.
Theo đó, bấm càng chậm thì diễn biến càng xấu. Chỉ khi nào học viên không bấm thì mới để xảy ra cảnh lật xe. Như vậy, tình huống mới mang tính logic và thực tiễn thuyết phục. Đề nghị điều chỉnh "càng sớm càng tốt".
Thăm dò ý kiến
Nhiều người đánh giá phần thi mô phỏng bằng lái ô tô hạng B1, B2, C, D, E, F... được Bộ GTVT đưa vào áp dụng từ tháng 6-2022 không đúng thực tế khi lái xe trên đường. Theo bạn phần thi này:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận