20/06/2012 14:46 GMT+7

Thi mà đậu gần 100% thì còn ý nghĩa gì

MỘT BẠN ĐỌC 
MỘT BẠN ĐỌC 

TTO - Sau khi Bộ Giáo dục - đào tạo công bố kết quả tốt nghiệp THPT của 63 tỉnh, thành trên cả nước đạt 97,63%, nhiều bạn đọc cho rằng đây là con số không phản ánh đúng chất lượng thực tế.

Và nếu như tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh gần đạt 100% như vậy thì liệu việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT mỗi năm như thế có còn ý nghĩa? Nên chăng bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp này cho đỡ tốn kém và mất sức.

TTO xin trích đăng lại một số ý kiến của độc giả.

QJr1175C.jpgPhóng to
Đi thi mà ai cũng đậu thì thi làm gì? Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh, quận 10, TP.HCM xem điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2012 vừa được công bố chiều 16-6 - Ảnh: MINH ĐỨC

Cần xem lại

Theo tôi thấy ý nghĩa sàng lọc đã mất công dụng, tỉ lệ đậu tốt nghiệp 97,63% thực chất cũng chỉ khoảng 60%.

Tôi từng ôn thi tốt nghiệp cho nhiều em môn toán, học đến lớp 12 mà phương trình bậc 2 một ẩn không biết giải thì thôi rồi.

Tôi cho rằng cần xem lại thực chất của kỳ thi này.

Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Tâm lý của học sinh cũng như phụ huynh là con cái đi học 12 năm thì phải có cái bằng phổ thông trung học. Với tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp như hiện nay thì chúng ta không nên tổ chức kỳ thi như thế này nữa, vừa tốn kém tiền của vừa gây áp lực cho học sinh mà nên tổ chức gọn nhẹ như kiểm tra chất lượng cuối năm là được. Chủ yếu kiểm tra chất lượng đầu vào của các trường đại học thật chặt chẽ để những học sinh nào thật sự học tốt thì vào giảng đường đại học, còn những học sinh nào lực học yếu kém thì vào các trường dạy nghề hoặc làm những công việc khác phù hợp.

Một kỳ thi không còn ý nghĩa

Quá trình học nói lên tất cả. Trong suốt 3 năm cấp 3 môn nào học sinh cũng phải có đủ cơ số điểm: miệng, 15 phút, 1 tiết và thi học kỳ. Ba năm học là 6 học kỳ lẽ nào cả quá trình đó không đủ để đánh giá thực trạng học hành?

Ông Nguyễn Vinh Hiển đã nói thi tốt nghiệp "không nhằm đánh trượt học sinh" và "Bộ không chịu áp lực gì" trong kỳ thi này và kỳ thi vẫn là cần thiết để đánh giá học sinh. Ông cho rằng kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS đã được bãi bỏ và chưa lấp được chỗ trống để kiểm tra đánh giá. Vậy ông có biết để được học cấp 3 học sinh đã trải qua kỳ thi căng thẳng và áp lực như thế nào không? Ông có biết 100% phụ huynh và học sinh đều rất coi trọng và nghiêm túc trong kỳ thi vào lớp 10 không. Ai cũng hiểu trượt đại học thì có thể thi đi thi lại nhưng trượt cấp 3 thì cuộc đời sang một ngã rẽ khác.

Cần bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bỏ thi cho đỡ tốn kém

Với kết quả cao như trên thì chứng tỏ chất lượng giáo dục hiện nay đã đạt đến ngưỡng "tuyệt đỉnh" nên việc thi cử chỉ còn là hình thức. Vậy thì hãy bỏ thi đi cho đỡ tốn kém.

Số lượng và chất lượng

Một thành tích không thể ngờ (trên 97%) học sinh tốt nghiệp THPT. Trước tiên, tôi xin gởi lời chúc mừng với thành tích đã đạt được, chúc mừng các thí sinh đã hết mình học tập để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Tuy nhiên với tỉ lệ tốt nghiệp chưa từng có như vậy cũng đặt dấu hỏi đến các ngành chức năng, quan trọng nhất là Bộ Giáo dục- đào tạo, và cả năng lực học tập của học sinh về kiến thức: nó có đáp ứng như kết quả hiện tại đã đạt được hay không? Chắc có lẽ cũng có nhiều thông tin trái ngược nhau về vấn đề này.

Theo tôi, đừng vội vàng đánh giá và đừng tự say trong chiến thắng, hãy để thực tế chứng minh đó là kỳ thi sắp tới đây để sàng lọc một kết quả khách quan để đánh giá thiết thực hơn.

Buồn

Buồn nhiều hơn khi thấy kết quả kỳ thi này. Kết quả đẹp nhưng ẩn chứa bao hệ lụy trong công tác quản lý giáo dục hiện nay từ khâu dạy học, tổ chức thi, chấm thi... Cần nghiêm túc và kiên quyết hơn nữa .Tỉ lệ tốt nghiệp gần 100% là con số để phản ánh rõ nét tính hình thức trong thi cử mà thôi.

* Một vài suy nghĩ đối với ngành giáo dục

Tôi là một giáo viên THPT, khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2012 tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn. Vui là vì có nhiều học sinh có được tấm bằng tốt nghiệp, từ đó có thể giúp các em tiếp tục con đường học vấn cao hơn hoặc chí ít các em cũng có thể đi học nghề để tạo dựng cuộc sống cho mình.

Buồn là vì chất lượng phản ánh chưa đúng sự thật, có nhiều hiện tượng gian lận trong thi cử chưa chứng tỏ được ngành giáo dục nước nhà có bước phát triển vững chắc.

Thiết nghĩ chúng ta nên đánh giá lại toàn diện những mặt tích cực, tiêu cực của cả quá trình trong một thời gian dài để tìm đường đi đúng cho ngành giáo dục, làm thế nào đó chương trình giáo dục thật gọn nhẹ, phù hợp với giai đoạn hiện tại của quá trình phát triển mà học sinh không ngao ngán chán học, các em chỉ cần đầu tư công sức có thể đạt được kết quả khả quan.

Còn đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm, chúng ta nên xem lại tiếp tục hay dừng ở những kỳ kiểm tra bình thường trên lớp để xét tuyển cho các em? Làm như vậy chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều thứ, giảm được áp lực cho giáo viên và học sinh, còn tiêu cực giảm được hay không đòi hỏi chúng ta phải có một cơ chế rõ ràng, rành mạch đối với từng cấp quản lý, đối với giáo viên và học sinh, cần phải có sự xã hội hóa giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh và phụ huynh. Một khi học sinh đã ngoan rồi thì chúng ta khuyến khích các em gian lận các em cũng sẽ không làm.

Bạn có suy nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ những trăn trở của bạn với chúng tôi qua email [email protected], trong phần Ý kiến bạn đọc bên dưới hoặc qua trang Fanpage của TTO trên Facebook. Cảm ơn.

MỘT BẠN ĐỌC 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên