
Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM trong buổi giao lưu chia sẻ "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" - Ảnh: MỸ DUNG
Nhiều trường tiểu học, THCS, THPT tại TP.HCM sẽ bắt đầu kiểm tra học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 từ ngày 8-4.
Hầu hết các lớp học chương trình tích hợp bắt đầu kiểm tra học kỳ 2 khoảng ngày 8-4 đến 14-4. Một số trường kiểm tra các môn như giáo dục thể chất, tin học, tiếng Anh tăng cường, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục công dân, công nghệ, toán, văn, ngoại ngữ... từ ngày 8-4 đến ngày 25, hoặc 26-4.
So với những năm trước thì năm nay lịch kiểm tra học kỳ 2 sớm hơn khoảng 1 - 2 tuần, làm dấy lên nhiều tranh luận từ phụ huynh và cả một số người cho biết đang làm giáo viên.
Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến bạn đọc Phạm Thị Vân chia sẻ thêm góc nhìn xung quanh chuyện này.
"Sau thi học kỳ 2, tụi con được học gì?"
Cháu tôi, một học sinh lớp 8 tại quận 3, bộc bạch: "Tụi con không quá lo lắng về việc thi sớm hay muộn. Quan trọng là sau khi thi xong, tụi con được học gì tại lớp.
Nếu chỉ ngồi chép bài hoặc làm những bài tập không liên quan thì rất chán và phí thời gian".
Cháu nói rất thích những buổi học tổ chức theo hình thức hoạt động nhóm, thảo luận hoặc cho học sinh làm những dự án nhỏ.
Ví dụ sau khi thi xong môn sinh, cả lớp được thầy cho ra vườn trường quan sát các loại cây và côn trùng, rồi làm bài thuyết trình nhỏ thì các em thấy thú vị, nhớ bài lâu hơn.
"Việc thi học kỳ sớm giúp con có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng sắp tới, như thi học sinh giỏi hoặc thi tốt nghiệp.
Nhưng trường cũng nên tạo điều kiện cho tụi con tham gia hoạt động ngoại khóa, các buổi định hướng nghề nghiệp hoặc các buổi giao lưu với các anh chị sinh viên thì rất bổ ích, giúp có thêm động lực học tập", con một đồng nghiệp là học sinh lớp 11 tại quận 5, bày tỏ.
Một người bạn khác có con đang học lớp 9 tại quận Bình Thạnh cho biết năm ngoái thi học kỳ xong từ giữa tháng 5.
Mấy tuần sau đó, học sinh chỉ đến lớp sinh hoạt, học rải rác vài tiết thể dục, rồi ngồi chơi, vẽ tranh, trực lớp. Có hôm các em chỉ xem truyện tranh hoặc chơi bài Uno nguyên buổi.
Chia sẻ của học sinh cho thấy điều các em mong muốn không chỉ là thời điểm thi, mà còn là những trải nghiệm học tập các em nhận được trước và sau đó.
Môi trường học tập năng động, sáng tạo, gắn liền với thực tế sẽ giúp các em cảm thấy hứng thú và trân trọng mỗi giờ đến trường hơn.
Nếu việc tổ chức thi học kỳ sớm chỉ nhằm tránh dịp lễ 30-4 và 1-5, hay để trường có thời gian tập trung cho việc tuyển sinh đầu cấp, sẽ không tránh khỏi phản ứng trái chiều.
Nhưng nếu sau kỳ thi, các trường có kế hoạch rõ ràng và khoa học cho thời gian còn lại thì đó là cơ hội để đổi mới cách tiếp cận giáo dục.
Học lý thuyết kết hợp với thực tế, được không?
Trước hết với các học sinh chưa nắm vững kiến thức, đây là thời điểm tổ chức phụ đạo, ôn tập, củng cố nền tảng.
Không còn áp lực thi cử, giáo viên có thể dạy với tinh thần hỗ trợ, không phải chạy theo khung chương trình.
Học sinh yếu kém có cơ hội học lại những phần chưa hiểu, đặt câu hỏi nhiều hơn, và học theo phương pháp thực hành, minh họa sinh động.
Với học sinh khá giỏi là cơ hội để mở rộng kiến thức, học nâng cao hoặc tham gia các dự án học thuật nhỏ như thuyết trình, nghiên cứu khoa học mini, câu lạc bộ tranh biện, làm phim tài liệu, sáng tạo STEM...
Nhà trường có thể tổ chức các lớp học kỹ năng mềm như làm việc nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp, sơ cứu cơ bản, thuyết trình trước đám đông…
Việc này hiện chưa được chú trọng đúng mức trong chương trình chính khóa; hoặc dạy các em cách giải quyết mâu thuẫn, quản lý cảm xúc, lập kế hoạch học tập - những điều cần thiết không kém môn toán hay ngữ văn.
Với học sinh tiểu học và THCS là thời điểm lý tưởng để tăng cường hoạt động thể chất như tổ chức giải bóng đá, bóng rổ, trò chơi vận động, khiêu vũ thể thao...
Sau một năm học căng thẳng, trẻ cần được giải phóng năng lượng, phát triển toàn diện về thể lực, tinh thần.
Những tiết học thể dục cần tổ chức sáng tạo, có thể học ngoài trời, chơi trò chơi đồng đội... sẽ giúp trẻ hứng thú hơn so với việc chỉ chạy vài vòng quanh sân trường.
Nếu chương trình chính khóa vẫn chưa kết thúc, thầy cô xem đây là cơ hội để làm mới bài học. Thay vì dạy lý thuyết khô khan, giáo viên tổ chức trò chơi kiến thức, học qua dự án, học theo nhóm, đi thực tế ngắn ngày nếu điều kiện cho phép.
Bài học về môi trường kết hợp dã ngoại tại khu công viên sinh thái. Môn toán lồng ghép vào việc lập kế hoạch chi tiêu cho một chuyến du lịch giả định, vừa thực tế, vừa rèn tư duy logic.
Như thế sẽ cân nhắc chia quãng thời gian sau thi học kỳ thành ba ưu tiên là củng cố, bổ trợ kiến thức; tổ chức hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng sống và học tập nâng cao hay định hướng nghề nghiệp, đặc biệt với khối lớp 9 và 11.
Việc tổ chức phù hợp theo từng khối lớp, học sinh sẽ không cảm thấy thời gian sau thi là "vô nghĩa".
Việc này đòi hỏi ngành giáo dục nên có sự định hướng rõ ràng về việc quản lý thời gian sau thi. Các sở giáo dục và đào tạo có thể ban hành khung kế hoạch yêu cầu các trường báo cáo hoạt động sau kiểm tra học kỳ, đánh giá tính hiệu quả và điều chỉnh cho những năm sau.
Sự đồng hành của phụ huynh cũng rất cần thiết. Khi được củng cố niềm tin rằng sau thi học kỳ, con em vẫn đến lớp học những điều bổ ích, không phải "đợi hè", phụ huynh sẽ yên tâm, sẵn sàng hợp tác với nhà trường.
Thi học kỳ sớm hay muộn không quan trọng bằng việc dạy và học trong suốt năm học - qua các giai đoạn trước và sau thi cử.
Thời điểm kiểm tra học kỳ không quan trọng bằng việc mỗi giờ đến lớp, dù là sau hay trước kỳ thi, vẫn có giá trị và ý nghĩa như nhau.
Làm được như vậy, câu chuyện thi sớm hay muộn sẽ không còn gây dư luận trái chiều mà trở thành một bước tiến trong cách tổ chức năm học linh hoạt, hiệu quả hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận