Nhiều bạn đọc đồng thuận rằng chính bệnh thành tích là căn nguyên cho những "vở kịch" được công diễn mãi trong ngành giáo dục. Nỗi trăn trở toa thuốc nào cho bệnh thành tích, đến bao giờ những danh hiệu thi đua mới thôi hão huyền, mục đích thi đua là đúng nhưng cách làm có vẻ chưa ổn... là những nỗi niềm chung.
Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến.
Phóng to |
Minh họa: DAD |
Ba bên đóng kịch cùng nhau
Tôi là chủ trường mầm non tại TP.HCM nên đã mục kích việc đóng kịch. Theo quy định 1311 của chương trình giáo dục mầm non, lớp lá phải có 130 mục (món) đồ chơi để trang bị chuẩn giáo dục mầm non. Phòng học có giới hạn, nếu mua đủ sẽ không còn chỗ để chứ đừng nói bày cho trẻ chơi rồi sau đó dọn dẹp nên giáo viên mầm non thường... đóng kịch. Hằng ngày đồ chơi được rửa sạch sẽ bỏ vào bao nilông cất vào tủ hoặc trưng bày đâu đó. Trẻ đụng vào thì cô đánh ngay nên sợ chẳng dám đụng chứ đừng nói chơi.
Khi có đợt kiểm tra của phòng giáo dục, do được báo trước nên đồ chơi được đem xuống để khoe cho đủ. Kiểm tra xong là cất ngay lập tức nên ba năm mà đồ chơi vẫn mới.
Việc dự giờ cũng vậy, nếu trường "biết điều" thì đoàn kiểm tra ngồi văn phòng và biên bản đánh giá tốt, còn không thì chê đủ kiểu và nhục mạ cả giáo viên đứng lớp và thường là không đạt. Vậy nên giáo viên, nhà trường, đoàn kiểm tra thường đóng kịch cùng nhau.
Con học giỏi mà mẹ buồn
Thi đua trong giáo dục hiện nay đúng là hình thức. Chúng tôi nằm trong khối thi đua cụm giữa các trường. Cuối năm các trường dự báo cáo tổng kết, đa số trường tự nhận điểm cho mình là 100/100 điểm và cùng vỗ tay. Còn những trường đánh giá trung thực về thi đua của mình thì chịu thiệt thòi. |
Hôm chủ nhật vừa rồi, trong cuộc họp phụ huynh, cô giáo thông báo lớp có 52/55 em là học sinh giỏi, trong số đó cũng có con tôi. Vừa nghe tin đó, tôi đã thầm nghĩ chẳng vui gì lắm với kết quả học tập của con mình. Tình cờ tối hôm qua, tôi hỏi con một câu: "Sao mẹ thấy sách bài tập toán của con ở trường làm đúng hết mà về đến nhà con vẫn hỏi mẹ cách làm?".
Con gái tôi (học lớp 1) trả lời ngay: "Ở trường, cô đọc cho con số để viết vào". Tôi thật sự chưng hửng vì câu trả lời này. Và có lúc nổi giận với con trẻ khi phải dạy lại cho con cách giải bài toán. Thật buồn!
Màn kịch... photo
Tôi là người dân làm photo gần trường cấp III. Một sự thật đau lòng là cứ khi nào sở về kiểm tra thì các giáo viên (nhiều nhất vẫn là các cô) hối hả, tấp nập ra quán tôi, người thì nhờ đánh hộ cái tiêu đề dán lên giáo án (cũ) đang có tên của người khác photo lại (tức là chế cái header và footer cho trùng thông tin trường mình và tên mình), người thì cắt luôn cả phần header, footer để photo lại, không cần tên... Nhìn các thầy cô có vẻ rất gấp, toát cả mồ hôi.
Rồi tới lượt sáng kiến kinh nghiệm: giáo viên không thích cũng bắt ép làm sáng kiến vì không làm sẽ ảnh hưởng đến thi đua của tổ, của trường... Và do đó, một sự thật đau lòng là sáng kiến đâu mà năm nào cũng có sáng kiến và năm sau học sinh thi lại, trượt nhiều hơn năm trước... Khổ nỗi toàn là copy của người khác, của trường khác, tải được trên mạng về chỉ kịp đổi tên mình vào là xong. Nhiều trường hợp chỉ kịp đổi tên thôi, còn quên mất trong nội dung có tên trường của người khác, số liệu lớp học của trường khác...
Thật xót xa cho nền giáo dục hiện nay.
Nguyễn Văn Bằng
Thi đua trong khiếp sợ Thi đua là phải đem lại sự vui vẻ, hào hứng, phấn chấn. Vậy mà đã bao năm lăn lộn trong nghề giáo tôi chưa hề một lần cảm nhận được cái tinh thần thi đua đích thực ấy! Điểm trừ trong thang điểm thi đua rất "sẵn sàng" và dễ "đạt" trong khi điểm cộng thường hiếm hoi và nhỏ giọt. Có thể nói không ngoa đó là sự thi đua trong nỗi khiếp sợ! |
Bỏ nghề vì không muốn vướng xét tiên tiến
Tôi bỏ nghề dạy sau 11 năm làm việc vì không muốn vướng vào xét duyệt tiên tiến mỗi năm hai lần. Học trò hỏi: "Cô ơi, sao lớp mình là lớp tiên tiến nhất trường mà cô không được tiên tiến?". Chỉ vì "phải gọt cho đúng cái khung khen thưởng trường tốt của sở GD-ĐT" - hiệu trưởng nói vậy - vì chỉ có bao nhiêu người ấy được khen mà thôi và không nói được tại sao. Cả trường không ai biết tại sao.
Kể từ 1989 đến nay, tôi thảnh thơi quá chừng, có thể ngã giá sức lao động của mình, chẳng cần ai bình bầu. Chồng tôi làm công nhân, theo anh ấy, trong nhà máy thi đua trong sạch hơn. Trong ngành giáo sao thi đua oan trái vậy?
Thi đua lại hóa làm hư công chức
Tôi cũng như rất nhiều người cảm thấy công tác thi đua về mặt mục tiêu và bản chất là rất tốt, cần duy trì để tạo ra giá trị vật chất lẫn tinh thần cho xã hội.
Song tôi cũng vô cùng bức xúc và trăn trở bởi việc xét thi đua bây giờ đã nhuốm màu xám đen tiêu cực ngay từ việc đặt ra tiêu chí, việc nhìn nhận sự việc hình thức thiếu bản chất, có dấu hiệu tung hô, thổi phồng nếu được lòng lãnh đạo, hoặc đổi chác một cái gì đó...; từ đó làm mất đi sự trong sáng, mất đi giá trị thực, mất đi niềm tin trong xã hội.
Điều này làm ảnh hưởng tới những kết quả thi đua đích thực. Vì thế nhiều người lao động không muốn có thi đua kiểu thiết kế tạo dựng, giả tạo làm hư cán bộ công chức, viên chức như hiện nay.
Bị ép quá mới thi giáo viên giỏi
Tôi cũng là giáo viên đã 15 năm giảng dạy. Tuy thế, tôi đã thẳng thừng từ chối tham gia nhiều cuộc thi giáo viên dạy giỏi vì ngại những lý do liên quan đến bệnh thành tích. Quan điểm của tôi là năm nay dạy cậu anh, qua năm sau mà phụ huynh của em ấy lại xin cho đứa em vào học lớp mình là ổn.
Không ai đánh giá chính xác bằng phụ huynh và học sinh. Vừa rồi, vì bị ép quá tôi cũng tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Tôi cũng thử sức mình một lần: không rà bài cho học sinh, không dạy thử lần nào nên cũng không được ai góp ý, ai cũng bảo tôi liều. Kết quả vẫn tốt. Nhưng quả thật là rất mệt...
Cần xem lại cách xét thi đua
Theo tôi, Bộ GD-ĐT phải xem xét lại cách làm về việc xét thi đua. Danh hiệu thì không thể anh đăng ký rồi có được. Hiện nay đầu năm đăng ký, cuối năm xét, mà đăng ký thì như là thay phiên nhau để đăng ký. Có những người có nhiều thành tích nhưng không đăng ký thì cuối năm không được xét, có người chẳng làm gì cả nhưng do có đăng ký nên cuối năm cứ thế là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Lẽ ra danh hiệu không cần đăng ký mà phải đến cuối năm xét cả trường những người nào có thành tích, đóng góp nhiều thì cấp danh hiệu cho họ.
Bệnh thành tích làm học trò đau
Giáo viên bị bệnh thành tích nên khi học sinh bị lỗi dù chỉ đi học trễ chút xíu cũng bị ghi vào sổ đầu bài. Lớp xếp hạng thấp, ảnh hưởng đến thành tích của cô chủ nhiệm. Thế là thay vì tìm hiểu ít nhiều lý do của học sinh đó, nhẹ nhàng dạy em phải chấp hành tính kỷ luật thì cô giáo chủ nhiệm quá hoảng loạn vì sẽ mất điểm thi đua, mất thành tích... nên nóng nảy nhiếc móc chẳng tiếc lời, cả lớp thì sửng sốt, học sinh bị mắng chửi thì xấu hổ, tủi nhục... Cô phải có được thành tích đó để làm gì, có tác dụng sư phạm ra sao?
Mục đích đúng nhưng cách làm sai
Không thể nói không nên thi đua. Vì nếu không thi đua thì giáo viên và học sinh sẽ dựa vào cái gì mà phấn đấu? Ngành giáo dục cũng như các ngành khác có đề xuất thi đua là đúng. Chỉ có người chỉ đạo và thực hiện là sai. Là giáo viên, nếu anh làm đúng, không ham thành tích thì cớ gì phải sợ? Phải chăng anh cũng là người mắc bệnh thành tích nên sợ khi không đạt chỉ tiêu rồi tìm cách "hô biến" để đổi trắng thay đen?
Về phía các nhà quản lý, đề ra thi đua mà thiếu kiểm tra đột xuất, làm qua loa chiếu lệ thì nói sao ở dưới không "điêu ngoa"?
------------------------------------
* Đọc thêm:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận