Ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh tinh thần “Tất cả vì đoàn viên, người lao động” tới 83 điểm cầu trên toàn quốc sáng 6-9 - Ảnh: HẢI NGUYỄN
Phong trào thi đua "Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" nhằm hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" do Thủ tướng phát động ngày 14-8.
Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh, "mỗi cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động là một chiến sĩ". Vai trò của công nhân lao động không chỉ là thực hiện 5K, tích cực lao động sản xuất mà còn chủ động nâng cao nhận thức.
"Công nhân lao động tuyệt đối không bị kích động, lôi kéo, gây rối và thực hiện các hành vi trái pháp luật", ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Theo ông Khang, các cấp công đoàn cần phát huy hơn nữa các mô hình có hiệu quả như "siêu thị 0 đồng", "nhà trọ 0 đồng", "ATM gạo miễn phí", "Bếp ăn nghĩa tình"…
Để phong trào thi đua hiệu quả, ông Nguyễn Đình Khang đề nghị các cấp công đoàn kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng và lan tỏa, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, mô hình mới tiêu biểu, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19.
"Các cấp công đoàn tổ chức chăm lo, bảo vệ đoàn viên lao động để họ gắn bó với doanh nghiệp, yên tâm sản xuất và bảo vệ nhà máy tuyệt đối an toàn", ông Nguyễn Đình Khang lưu ý.
Nhiều "túi an sinh công đoàn" đến tay người lao động khó khăn ở thủ đô thông qua chương trình "Xe buýt siêu thị 0 đồng" - Ảnh: NGỌC ÁNH
Thực tế, nhiều địa phương có cách làm hiệu quả như TP Hà Nội với mô hình "túi an sinh công đoàn" trị giá 200.000 đồng/suất đã tới tay trên 32.000 đoàn viên lao động khó khăn ở doanh nghiệp, nhà trọ, khu công nghiệp - chế xuất bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với số tiền trên 6,2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, trên 89.000 công nhân lao động được các cấp công đoàn TP Hà Nội hỗ trợ vượt qua khó khăn với số tiền hơn 58,5 tỉ đồng (tính hết ngày 3-9).
Phong trào thi đua do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động bắt đầu từ ngày 1-9 đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong phạm vi toàn quốc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chia sẻ nhiều tài khoản mạng xã hội lợi dụng tình hình dịch bệnh để kích động công nhân về quê, dùng nhiều lời lẽ ác ý, vô tâm để phủ nhận công tác hỗ trợ đoàn viên của các cấp công đoàn, gây khó khăn cho việc phòng, chống dịch...
Theo ông Hiểu, công đoàn Việt Nam đã hỗ trợ trên 1 triệu công nhân lao động với số tiền hơn 1.200 tỉ đồng (tính tới ngày 17-8).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận