Chương trình đào tạo sẽ có ba giai đoạn. Giai đoạn đầu đào tạo trong hai năm kiến thức văn hóa THPT kết hợp với trang bị kỹ năng nghề nghiệp ở mức sơ cấp nghề. Giai đoạn 2 kéo dài một năm giúp học sinh hoàn thành chương trình THPT cũng như kỹ năng chuyên môn đạt trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Giai đoạn 3 kéo dài hai năm học sinh sẽ hoàn chỉnh chương trình CĐ chuyên nghiệp. Sau mỗi giai đoạn, tùy vào điều kiện của mình học sinh có thể tiếp tục theo học lên giai đoạn tiếp theo hoặc đi làm.
Ông Lưu Đức Tiến - phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp và ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết hằng năm tại TP.HCM có trên 70.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tuy nhiên nhiều em không có điều kiện để học lên các bậc cao hơn. Việc thực hiện mô hình này không chỉ tăng thêm nguồn nhân lực qua đào tạo cho xã hội, mà còn đáp ứng nhu cầu học lên cao của phụ huynh, học sinh. Nếu được phê duyệt, TP.HCM sẽ thí điểm cho ba trường thực hiện đào tạo theo mô hình này gồm: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (hai ngành may - thiết kế thời trang và kế toán), Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM (hai ngành công nghệ thực phẩm và công nghệ kỹ thuật điện - điện tử) và Trường CĐ Viễn Đông (ba ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí, tin học ứng dụng và kế toán).
Trước đó ngày 16-4, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT đề án thí điểm này. Ngày 4-6, Bộ GD-ĐT đã họp với UBND TP và các trường tham gia đề án. Về cơ bản, Bộ GD-ĐT ủng hộ việc triển khai thí điểm mô hình này, tuy nhiên cần có sự điều chỉnh và bổ sung. Được biết mô hình này đã được Nhật Bản thực hiện hơn 50 năm và đến nay đã có hơn 300.000 người tốt nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận