Bộ GTVT đề xuất năm 2023 giao sân bay Cát Bi cho UBND TP Hải Phòng quản lý - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Đề án của Bộ GTVT đặt mục tiêu xác định danh mục sân bay và lộ trình phân cấp quản lý; năm 2023 hoàn thành thí điểm phân cấp quản lý sân bay Cát Bi cho UBND TP Hải Phòng; năm 2023 hoàn thành cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về nhượng quyền đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng sân bay và hoàn thành thí điểm nhượng quyền đầu tư, khai thác sân bay Cần Thơ.
Để thực hiện, Bộ GTVT đề xuất chia các sân bay thành 3 nhóm:
- Nhóm 1: Các sân bay quốc tế quan trọng: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Long Thành. Chính phủ (thông qua Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) tiếp tục sở hữu các sân bay này và giao cho doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV quản lý, khai thác, huy động nguồn lực đầu tư.
- Nhóm 2: Các sân bay đang hoạt động hỗn hợp dân dụng và quân sự với vai trò quân sự quan trọng Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa sẽ được Chính phủ tiếp tục sở hữu và giao ACV quản lý, khai thác, huy động nguồn lực để đầu tư.
- Nhóm 3: Các sân bay còn lại, sẽ phân cấp cho UBND các tỉnh quản lý thông qua việc chuyển quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu các công trình tại sân bay để địa phương đầu tư, khai thác.
Tuy Luật hàng không chưa quy định việc phân cấp quản lý cho địa phương đối với các sân bay tại nhóm 3 nhưng trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đề xuất thí điểm phân cấp quản lý sân bay quốc tế Cát Bi cho UBND TP Hải Phòng.
Lý do, sân bay Cát Bi hiện nay chưa hoạt động có lãi nhưng có tiềm năng phát triển rất tốt, phục vụ thiết thực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của TP Hải Phòng. TP đã có kinh nghiệm hỗ trợ xây dựng đường băng, đường lăn và có tiềm năng kinh tế để hỗ trợ đầu tư phát triển sân bay Cát Bi.
Về định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, Bộ GTVT đề xuất với sân bay nhóm 1, nhóm 2 do ACV quản lý, khai thác không huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các công trình thiết yếu. Chỉ huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không theo hình thức đầu tư trực tiếp.
Việc huy động vốn xã hội đầu tư ngay sau khi Bộ GTVT ban hành thông tư hướng dẫn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không, dự kiến quý 4-2021.
Các sân bay nhóm 3 sẽ huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư với hình thức nhượng quyền đầu tư, khai thác.
Đối với các sân bay mới như Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu thực hiện huy động nguồn vốn xã hội đầu tư theo phương thức PPP.
Để áp dụng mô hình nhượng quyền đầu tư, khai thác các công trình thiết yếu của sân bay nhóm 3 cần phải nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung Luật quản lý sử dụng tài sản công, Luật PPP nhằm quy định rõ hình thức đầu tư, cách thức lựa chọn nhà đầu tư nhượng quyền đầu tư, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.
Sau khi hoàn thiện quy định pháp luật này, đề xuất thí điểm nhượng quyền đầu tư, khai thác sân bay Cần Thơ do sân bay này có tiềm năng phát triển cần phải có phương thức quản trị mới, hiện đại, năng động để có thể hấp dẫn hành khách đi và đến; chia sẻ cho Tân Sơn Nhất, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long...
Với các sân bay mới sẽ triển khai công bố danh mục kêu gọi đầu tư theo nhu cầu phát triển của các sân bay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận