22/06/2018 14:58 GMT+7

Thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Người lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh được quyết định và ký thỏa thuận về đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc (với đối tác Hàn Quốc) sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, LĐ-TB&XH.

Thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc - Ảnh 1.

Các kỳ thi tiếng Hàn dành cho người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc luôn thu hút rất đông người lao động - Ảnh: CHÍ TUỆ

Đây là nội dung chính trong hướng dẫn vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành, gửi UBND các tỉnh, thành phố.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh được quyết định và ký thỏa thuận này thực hiện theo nghị quyết của Chính phủ về việc thí điểm đưa người lao động đi làm theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời hạn 2 năm.

Theo hướng dẫn, sau khi ký kết thỏa thuận, cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, đồng thời gửi Bộ Ngoại giao bản sao thỏa thuận đã được ký kết.

Căn cứ phạm vi thực hiện, cơ quan cấp tỉnh có thể giao cơ quan cấp huyện hoặc tổ chức sự nghiệp tại địa phương thực hiện việc phái cử lao động theo thỏa thuận (cơ quan được giao phải nêu rõ trong thỏa thuận).

Đối tượng áp dụng thỏa thuận là người lao động sinh sống tại địa phương ký kết thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú đủ 12 tháng trở lên.

Bộ LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh khi ký thỏa thuận, các địa phương cần lưu ý điều kiện cung ứng, tiếp nhận người lao động (số lượng lao động sẽ phái cử/tiếp nhận, tiêu chuẩn tuyển chọn, ngành, nghề, công việc phải làm; địa điểm làm việc, thời hạn làm việc; điều kiện, môi trường làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn và bảo hộ lao động; tiền lương và tiên làm thêm giờ; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt; chế độ bảo hiểm, khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm chi trả phí giao thông từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại; điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chi phí đưa lao động về nước và các điều kiện liên quan khác).

Thỏa thuận phải quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết trong việc tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, bổ túc tay nghề và đào tạo tiếng Hàn cho người lao động trước khi xuất cảnh…

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị khi ký thỏa thuận, các cơ quan địa phương cần thống nhất về thời hạn thỏa thuận; chi phí của người lao động, đặc biệt là các chi phí như: khám sức khỏe, lý lịch tư pháp, lệ phí làm hộ chiếu, làm thị thực (visa), học phí bồi dưỡng kiến thức, bổ túc tay nghề và đào tạo tiếng Hàn (nếu có).

Trên nguyên tắc phi lợi nhuận, cơ quan thực hiện có thể thu của người lao động một khoản chi phí hành chính chỉ để sử dụng với mục đích chi trả cho các hoạt động tuyển chọn, làm hồ sơ, tổ chức xuất cảnh, phối hợp hỗ trợ, quản lý người lao động trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc sau khi ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc thời vụ với người lao động.

Mức thu do cơ quan cấp tỉnh quyết định và quy định rõ khi giao cơ quan thực hiện triển khai thỏa thuận.

Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị cơ quan cấp tỉnh có biện pháp ưu tiên tuyển chọn người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng tại địa phương.

Việc hỗ trợ chi phí cho các đối tượng này thực hiện theo quy định hiện hành về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Chính phủ. Nguồn kinh phí do ngân sách địa phương đảm bảo.

Trước năm 2004, Việt Nam đưa lao động sang Hàn Quốc theo hình thức tu nghiệp sinh thông qua một số doanh nghiệp dịch vụ.

Từ năm 2004, theo luật cấp phép việc làm cho người lao động nước ngoài của Hàn Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Thỏa thuận về đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo hình thức phi lợi nhuận (người lao động chỉ phải chịu chi phí khoảng 700 USD trước khi đi) - gọi là chương trình EPS.

Người lao động phải vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn. Sau đó được làm hồ sơ dự tuyển để chủ sử dụng phía hàn Quốc lựa chọn. Tỉ lệ hồ sơ dự tuyển của lao động Việt Nam gửi đi được người sử dụng lao động lựa chọn tiếp nhận là 85% (tỉ lệ được tiếp nhận cao nhất trong số 15 quốc gia đưa lao động sang Hàn Quốc).

Từ năm 2012, do tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc quá cao, nên phía bạn tạm ngưng ký thỏa thuận. Đến 5-2016, khi tỉ lệ bỏ trốn tạm được khắc phục thì phía Hàn Quốc mới ký thỏa thuận trở lại, nhưng vẫn khuyến cáo không tuyển lao động ở 1 số địa phương (quận, huyện) có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao.

Ngoài chương trình EPS thì một số doanh nghiệp đưa thuyền viên tàu cá gần bờ sang Hàn Quốc (hiện nay có 7 doanh nghiệp Việt Nam được Hiệp hội Thuỷ sản Hàn Quốc chấp thuận hợp tác, tiếp nhận thuyền viên sang làm việc trên các tầu đánh bắt cá của Hàn Quốc).

Bên cạnh 2 chương trình trên, hiện một số doanh nghiệp của Việt Nam cũng hợp tác với đối tác của Hàn Quốc để đưa lao động kỹ thuật cao sang làm việc tại quốc gia này (chương trình "thẻ vàng").

7.900 lao động Việt Nam có cơ hội đến Hàn Quốc

TTO - Thông tin trên vừa được Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ LĐ-TB&XH công bố chiều tối 9-5.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên