Trong đề án sẽ điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải ra vào trung tâm thành phố. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đồng ý cho 5 thành phố trên được xây dựng, phê duyệt và triển khai đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngay sau khi có chủ trương, Sở Công thương Hà Nội đã có tờ trình gửi UBND TP cho phép Sở này được nghiên cứu, xây dựng đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị.
Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, thành phố Hà Nội cần học hỏi kinh nghiệm của những thành phố phát triển như Amsterdam (Hà Lan) -một trong mười thành phố sạch nhất thế giới và cũng là thành phố có tỷ lệ người dân đi xe đạp cao nhất thế giới.
Cũng theo ông Thăng, ý thức sử dụng xe đạp trong giao thông đô thị là một sự thay đổi trong nhận thức mà một thành phố đang phát triển như Hà Nội cần nghiêm túc nhìn nhận. Theo đó, Sở Công thương khẳng định việc xây dựng đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường là một việc làm cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, quy hoạch giao thông còn chưa hoàn chỉnh.
Trước mắt, theo lãnh đạo Sở Công thương, Sở này sẽ tập trung đánh giá và tính toán lợi ích của việc sử dụng xe đạp, lợi ích đối với giao thông đô thị, từ đó đề xuất giải pháp phát triển xe đạp trong giao thông đô thị, kích cầu xe đạp, tìm hướng đi cho ngành sản xuất xe đạp nội địa. Cũng theo lãnh đạo Sở, hiện thành phố mới chỉ đạo xin ý kiến các Sở, ngành liên quan cùng cho ý kiến về việc sử dụng dịch vụ xe đạp trong giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận