08/03/2021 09:29 GMT+7

Thi đánh giá năng lực: Nhẹ nhàng, nhiều cơ hội

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Việc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường phù hợp với bản thân và có nhiều thuận lợi. Thí sinh cần lưu ý gì để dự thi và sử dụng kết quả hiệu quả nhất?

Thi đánh giá năng lực: Nhẹ nhàng, nhiều cơ hội - Ảnh 1.

Kỳ thi đánh giá năng lực được nhiều thí sinh lựa chọn vì sự nhẹ nhàng, không mất nhiều thời gian. Trong ảnh: thí sinh hào hứng sau khi kết thúc kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2020 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

"Kể từ ngày đóng cổng đăng ký dự thi, thí sinh không được quyền điều chỉnh các thông tin cá nhân. Các thông tin không chính xác ảnh hưởng đến việc tham gia dự thi hoặc ảnh hưởng đến kết quả thi, xét tuyển của thí sinh đều không được xử lý. Do vậy ngay khi được cấp tài khoản, thí sinh cần truy cập và kiểm tra để đảm bảo tính chính xác của các thông tin cá nhân.

TS Nguyễn Quốc Chính

Năm 2021 có 4 ĐH lớn tổ chức kỳ thi riêng với tên gọi khác nhau, trong đó ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức hai kỳ thi đánh giá năng lực, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) có kỳ thi kiểm tra năng lực và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có kỳ thi đánh giá tư duy. Ngoài ra, một số trường ĐH ngoài công lập như Hồng Bàng, Nguyễn Tất Thành cũng sẽ tổ chức kỳ thi riêng.

Tận dụng tối đa công nghệ

Theo TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực có mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, góp phần tuyển chọn được những thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo. 

"Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sẽ diễn ra sáng 28-3, hiện có hơn 74.000 thí sinh đăng ký dự thi. Năm 2020 đã có gần 70 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi và năm nay dự kiến có thêm nhiều trường sử dụng kết quả thi này. Việc tận dụng tối đa công nghệ để tổ chức kỳ thi giúp thí sinh vô cùng thuận lợi khi đăng ký dự thi và xét tuyển" - ông Chính nói.

Năm nay, Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực, trong đó đợt 1 dự kiến từ ngày 9-5. Thí sinh đăng ký trực tuyến đợt thi đầu tiên từ ngày 1-4 tại địa chỉ www.khaothi.vnu.edu.vn. 

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết: "Thí sinh được lựa chọn ngày thi, ca thi, đợt thi phù hợp với kế hoạch cá nhân; được thay đổi thời gian thi trước 14 ngày dự thi. ĐH Quốc gia Hà Nội ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để tăng tính chủ động cho thí sinh và tiết kiệm chi phí xã hội. Cổng thông tin đăng ký dự thi trực tuyến bắt đầu mở từ ngày 1-4 tại www.cet.vnu.edu.vn. Thí sinh có thể đăng ký, nộp lệ phí online (chuyển khoản, ví điện tử, app); làm bài thi trên máy tính, biết điểm thi từng phần và tổng điểm ngay sau khi hoàn thành bài thi. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi tới thí sinh sau 14 ngày dự thi theo đường bưu điện".

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại 3 địa điểm ở phía Bắc. Từ ngày 1 đến 30-4, nhà trường sẽ mở đăng ký tham dự bài kiểm tra tư duy trên hệ thống http://ts.hust.edu.vn. Còn kỳ thi kiểm tra năng lực do Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức sẽ diễn ra trong 2 ngày 29 và 30-5. Đầu tháng 4-2021, thí sinh có thể đăng ký dự thi tại https://tuyensinh.hcmiu.edu.vn. Việc nộp lệ phí cũng thực hiện bằng cách chuyển khoản, gửi qua bưu điện hoặc trực tiếp tại trường.

Không luyện thi, học tủ

Vì là kỳ thi đánh giá năng lực nên tất cả các đơn vị tổ chức thi đều khẳng định không tổ chức luyện thi hay bất kỳ hoạt động ôn luyện, thi thử bài thi năng lực, đồng thời khuyên thí sinh tập trung học thật tốt, không phải học thuộc lòng và cũng không nên ôn thi tại các lò luyện.

TS Nguyễn Quốc Chính cho biết: "Bài thi tại ĐH Quốc gia TP.HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Cấu trúc của bài thi gồm 3 phần: sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề. Hiện nay bài thi tham khảo đã được công bố".

Còn PGS.TS Trần Tiến Khoa - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - thông tin: "Trường sử dụng bài kiểm tra để đánh giá các loại năng lực của thí sinh: ghi nhớ và vận dụng kiến thức, năng lực tính toán - giải quyết vấn đề, tư duy logic, môn thi tự chọn đánh giá kiến thức tự nhiên, năng lực suy luận tổng hợp sáng tạo hoặc kỹ năng sử dụng ngôn ngữ Anh. Thí sinh thi 3 môn, gồm 2 môn bắt buộc (toán học, tư duy logic) và 1 môn tự chọn (chọn 1 trong 4 môn lý, hóa, sinh, tiếng Anh). Nội dung kiến thức nói trên nằm trong chương trình THPT và tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12".

Cần phải tốt nghiệp THPT

Kết quả thi đánh giá năng lực được sử dụng chỉ như một phương án xét tuyển, bên cạnh phương thức xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác được các đơn vị tổ chức kỳ thi và các đơn vị có sử dụng kết quả kỳ thi năng lực trong năm nay. Điều kiện chung để được xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT và việc xét tuyển sẽ thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau, trong đó có kết quả thi đánh giá năng lực và cần đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành/chương trình đào tạo theo quy định.

Mỗi thí sinh 1 đề thi

thi sinh

Thí sinh tới điểm thi tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2020 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, ngân hàng đề thi năng lực có đến 15.000 câu hỏi, đảm bảo mỗi thí sinh có một đề thi riêng. "Bài thi nhằm kiểm tra năng lực tư duy nên sẽ cung cấp đủ thông tin để các em phân tích, trả lời. Bài thi này nhằm chống lại cách học thuộc lòng, thí sinh tránh học tủ, học lệch và cần dành nhiều thời gian ôn tập lại các kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài. Có thể tham khảo bài thi mẫu trước khi đăng ký dự thi đánh giá năng lực (công bố trước ngày 15-3).

PGS.TS Trần Trung Kiên - trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết trường không công bố đề thi mẫu, mà chỉ đưa ra đề cương và ví dụ minh họa. Bài thi đánh giá tư duy hướng tới đánh giá năng lực tư duy tổng thể của học sinh, tập trung vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức toán THPT để giải quyết các vấn đề thực tế; đánh giá hiểu biết về khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh); đánh giá năng lực đọc nhanh, hiểu đúng vấn đề về khoa học kỹ thuật và đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh.

Cấu trúc bài thi đánh giá tư duy gồm 3 phần, làm trong 180 phút. Phần 1 - đánh giá năng lực toán gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, thi trong 90 phút. Phần 2 - đọc hiểu, làm bài trong 30 phút với 3 - 4 bài đọc, mỗi bài dài 800 - 1.000 từ về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ. Phần 3 - bài tự chọn 1 trong 3 nội dung là bài lý - hóa, hóa - sinh hoặc tiếng Anh.

Nội dung kiểm tra nằm trong chương trình THPT, ở mức thông hiểu và vận dụng, làm bài trong 60 phút.

Ngày 10-3 giao lưu trực tuyến ‘Thi đánh giá năng lực thế nào để đạt điểm cao?’ Ngày 10-3 giao lưu trực tuyến ‘Thi đánh giá năng lực thế nào để đạt điểm cao?’

TTO - ‘Thi đánh giá năng lực thế nào để đạt điểm cao?’ là chủ để của buổi giao lưu trực tuyến do báo Tuổi Trẻ Online tổ chức chiều 10-3.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên