Thí sinh cần chuẩn bị gì để đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực?
lTS Nguyễn Quốc Chính (giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Không cần học thuộc lòng
Để đạt điểm cao kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh phải có năng lực tốt. Năng lực tốt là kết quả của cả quá trình, cách học trong thời gian dài.
Kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực thời gian qua cho thấy những thí sinh tiếp cận cách học một cách khoa học, có hệ thống và hiểu bản chất của vấn đề thì đạt điểm cao. Đa số các thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đều có cách học nhẹ nhàng, không học tủ, học lệch.
Đề thi đánh giá năng lực không ra những câu hỏi nhớ, chỉ có câu hỏi hiểu và vận dụng, do vậy không cần học thuộc lòng. Thí sinh sẽ được đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề ở phạm vi kiến thức tổng hợp.
Đề thi đánh giá năng lực bao phủ lượng kiến thức vừa phải nhưng yêu cầu thí sinh phải hiểu bản chất và mở rộng ra. Thời điểm này, thí sinh không cần ôn tập thêm mà chỉ nên tổng hợp và hệ thống hóa lại kiến thức.
Một kinh nghiệm giúp thí sinh đạt điểm cao là khả năng đọc hiểu. Đề thi đánh giá năng lực rất dài cung cấp nhiều dữ kiện, số liệu nên thí sinh nào có khả năng đọc hiểu tốt, xử lý thông tin tốt thì sẽ đạt điểm cao. Tốt nhất là học một cách thực chất và đọc càng nhiều càng tốt.
TS Phạm Tấn Hạ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Chuẩn bị tốt tâm lý
Đợt thi này có số thí sinh đăng ký dự thi đông nhất từ trước đến nay, nên nhiều thí sinh lo đề thi sẽ khó hơn. Tuy nhiên, cấu trúc đề thi so với những năm trước đây sẽ không thay đổi; độ khó của đề thi cũng được giữ ổn định. Qua đề thi mẫu đã được công bố, các em cũng có thể thấy được độ khó thế nào. Không phải thí sinh năm nay đông hơn thì đề thi sẽ khó hơn.
Điều quan trọng với thí sinh khi đi thi là tâm lý. Nếu các bạn đi thi với tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái và tự tin thì sẽ làm bài tốt. Cần tránh lo lắng quá mức ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng làm bài. Thí sinh nên chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ để có tâm thế tốt nhất trước khi đi thi.
Ngày 25-3, thí sinh nên tìm hiểu trước địa điểm và đường đi để việc đi lại trong ngày thi được thuận lợi. Nhớ chuẩn bị và mang theo giấy báo dự thi và giấy tờ tùy thân theo quy định khi đi thi.
TS Nguyễn Trung Nhân (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM):
Cần có "chiến lược"
Trong khoảng thời gian chỉ còn vài hôm nữa là đến ngày thi, cách ôn luyện tốt nhất là thí sinh cần hệ thống hóa lại kiến thức lớp 10, 11, 12, bởi kỳ thi này đòi hỏi lượng kiến thức rất lớn.\
Thí sinh không nên học tủ, học lệch vào một nội dung nào cả, vì không ai biết chắc chắn nội dung nào sẽ được ra thi để học.
Kinh nghiệm cho thấy, thí sinh có kỹ thuật làm bài thi phù hợp sẽ góp phần giúp nâng cao kết quả. Thí sinh cần biết phân phối thời gian hợp lý cho các câu hỏi, cần có kỹ năng đọc nhanh để nắm ý tổng quát, đồng thời có kỹ năng nhận định phân tích sâu để trả lời các chi tiết.
Cuối cùng, cần có "chiến lược" làm bài hiệu quả, tránh mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi, vì đề thi gồm 120 câu làm trong 150 phút.
Việc phân chia thời gian cho từng câu hỏi, từng phần bạn sẽ biết lúc nào cần bỏ qua câu hỏi, lúc nào cần chạy nước rút cho kịp những phần sau. Tuy nhiên, bạn cũng nên cố gắng rút ngắn thời gian cho các câu hỏi để dành thời gian kiểm tra lại đáp án trước khi nộp bài.
Thí sinh cần ước tính được điểm bài thi dựa trên tổng số câu trả lời chắc chắn đúng, những câu trả lời sai không bị trừ điểm. Do đó, hãy làm hết các câu hỏi và không để trống đáp án câu nào.
Trần Như Mai Anh (thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1 năm 2022):
Đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần
Trở thành thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1 năm 2022 với số điểm 1.087/1.200 là kết quả ngoài mong đợi. Thật ra, tôi không có bí quyết cao siêu đâu, chủ yếu là mình sắp xếp thời gian một cách khoa học để học tập và ôn luyện hiệu quả nhất.
Tôi không bao giờ tự tạo áp lực quá lớn. Tôi luôn suy nghĩ tích cực và duy trì tâm thế lạc quan. Trong các kỳ thi, tôi đều lên lịch ôn tập hợp lý nhằm đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần.
Để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực, tôi ưu tiên giải đề thi những năm trước (đề minh họa) rồi mới ôn tập lại kiến thức. Với cách này mình biết được ưu và khuyết điểm của bản thân và không mất quá nhiều thời gian cho những phần nội dung mình đã nắm vững.
Đối với các môn khoa học tự nhiên, tôi chỉ ghi nhớ công thức trong sách giáo khoa, không cố gắng học thuộc các công thức tính nhanh/ suy rộng mà tìm cách hiểu và tự chứng minh. Đối với các môn khoa học xã hội, tôi học theo phương pháp xâu chuỗi và tự tóm tắt nội dung chính của bài học.
Theo tôi, để đạt kết quả tốt trong kỳ thi đánh giá năng lực đòi hỏi phải học thật sự nghiêm túc cả một quá trình. Trên lớp tôi luôn tập trung nghe giảng và cố gắng hiểu, nắm bắt được bài giảng các môn. Về nhà tôi đọc thêm sách và xem lại bài giảng trên YouTube để ôn lại và ghi nhớ kiến thức.
Tôi nghĩ bí quyết lớn nhất để học tốt chính là tâm lý. Mình luôn tranh thủ ôn tập lý thuyết từ sớm để không bị dồn bài nhằm có nhiều thời gian hơn để luyện đề. Nhờ vậy, khi gần thi tôi có được tâm lý chuẩn bị sẵn sàng và không bị áp lực thời gian hay dồn ép bài vở, nên khá tự tin khi đi thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận