Học sinh lớp 12 trường THPT Bùi Thị Xuân Q1, TPHCM đang kiểm tra thông tin trước khi in giấy báo dự thi kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG, TPHCM năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Sáng 31-3, khoảng 37.000 thí sinh sẽ chính thức bước vào kỳ đợt 1 năm 2019 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức tại TP.HCM và Bến Tre.
Không chỉ tăng đột biến số lượng thí sinh đăng ký dự thi, số lượng các trường sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển cũng tăng đáng kể.
TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng, ĐH Quốc gia TP.HCM - chia sẻ cùng Tuổi Trẻ rằng sẽ có lộ trình dần đưa kỳ thi đánh giá năng lực thành phương thức tuyển sinh chính thức và cơ bản nhất vào các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, chiếm tỉ lệ tuyển sinh cao nhất.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính: "Đây là năm thứ hai ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Mặc dù còn một số điểm phải lưu ý nhưng xét về tổng thể, kỳ thi đã được tổ chức tốt và chúng tôi sẽ tổ chức kỳ thi tốt hơn.
Kỳ thi đánh giá năng lực nằm trong lộ trình cải tiến phương án tuyển sinh bậc ĐH của ĐH Quốc gia TP.HCM. Dự kiến trong năm nay sẽ dành 40% tổng chỉ tiêu của các trường thành viên xét tuyển từ kết quả của kỳ thi này".
TS Nguyễn Quốc Chính
* Vì sao ĐH Quốc gia TP.HCM quyết định tăng chỉ tiêu đối với phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, thưa ông?
- Kết quả kỳ thi năm 2018 cho thấy phân bố điểm thi tổng và các điểm thành phần đều gần với dạng có phân bố chuẩn, thể hiện sự phù hợp của đề thi cho mục tiêu đánh giá năng lực thí sinh.
Điểm trung bình tổng cộng là 690 điểm, đa số điểm của thí sinh nằm trong khoảng 500 - 900. Điểm cao nhất là 1.090 và điểm thấp nhất là 300. Đề thi có gần 50% câu hỏi ở mức tương đối dễ trở xuống, 30% câu ở mức trung bình và trên 20% câu ở mức tương đối khó trở lên, phù hợp với mục tiêu phân loại thí sinh.
Đa số câu hỏi của đề thi có độ phân biệt ở mức độ tương đối tốt trở lên (chiếm trên 90%). Điều này cho thấy đề thi có tính phân hóa tốt, có thể phân loại năng lực của thí sinh phục vụ mục tiêu tuyển sinh.
* Chỉ còn 3 ngày nữa bước vào kỳ thi, mối quan tâm lớn nhất của thí sinh hiện nay vẫn là đề thi...
- Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các bài thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa Kỳ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Xét về cấu trúc, bài thi này tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở bài thi SAT, kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của bài thi TSA. Bài thi đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.
Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức và tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. Đề thi chính thức sẽ hoàn toàn tương đồng với đề thi mẫu về cấu trúc.
* Đợt 1 kỳ thi năm nay số lượng thí sinh đăng ký tham gia gấp hơn 7 lần so với năm ngoái, đề thi lần này sẽ khó hơn?
- Với kế hoạch chuẩn bị và triển khai cẩn trọng, khoa học, trong nhiều năm qua ĐH Quốc gia TP.HCM đã tập trung xây dựng ngân hàng đề thi với số lượng lớn, chất lượng cao, theo quy trình xây dựng chặt chẽ với đội ngũ chuyên gia đến từ các đơn vị thành viên, sở GD-ĐT và các trường THPT.
Tất cả câu hỏi được đánh giá về độ giá trị, độ tin cậy, độ phân biệt thông qua nhiều vòng phản biện và thẩm định cẩn trọng bởi chuyên gia và đánh giá thực tế trên đối tượng học sinh THPT trong và ngoài phạm vi TP.HCM.
Kết quả đánh giá thử nghiệm cho thấy ngân hàng câu hỏi có độ giá trị, độ tin cậy và độ chọn lọc cao, phù hợp mục tiêu tuyển sinh. Mỗi câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi đều phải trải qua quá trình xây dựng, phản biện, đánh giá rất chặt chẽ để xác định được độ khó, độ phân biệt của từng câu.
Đề thi được xây dựng trên ma trận cấu trúc thống nhất để đảm bảo sự tương đồng của các đề thi về độ khó, độ phân biệt, độ tin cậy. Các bạn thí sinh có thể yên tâm là mọi đề thi ở mọi đợt thi đều có độ khó tương đương nhau.
* Ông có thể chia sẻ vài kinh nghiệm làm bài thi năng lực, cần có "chiến lược" làm bài thế nào cho hiệu quả? Làm sao để đạt điểm cao, thí sinh cần đáp ứng những điều kiện nào?
- Để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi này đòi hỏi thí sinh có nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc đã được chuẩn bị trong một quá trình dài lâu. Những thí sinh có cách tiếp cận học tập đúng đắn và khoa học trong quá trình học phổ thông sẽ có nhiều lợi thế đối với hình thức thi đánh giá năng lực như thế này.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần có sự chuẩn bị tốt như đảm bảo sức khỏe tốt về cả thể chất và tinh thần cho ngày thi, hệ thống hóa kiến thức kỹ năng trước khi thi, đến phòng thi đúng nơi quy định...
Kỹ thuật làm bài thi phù hợp sẽ góp phần giúp nâng cao kết quả: thí sinh cần biết phân phối thời gian hợp lý cho các câu hỏi, cần có kỹ năng đọc nhanh để nắm ý tổng quát, đồng thời có kỹ năng nhận định phân tích sâu để trả lời các chi tiết. Cuối cùng, cần có "chiến lược" làm bài hiệu quả, tránh mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi, vì đề thi gồm 120 câu làm trong 150 phút.
* Phân bố điểm của bài thi đánh giá năng lực như thế nào và thang điểm cụ thể ra sao? Sau kỳ thi, ĐH Quốc gia TP.HCM có công bố đáp án đề thi?
- Kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi (Item Response Theory - IRT).
Điểm số tối đa của bài thi là 1.200, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400, phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300, phần giải quyết vấn đề là 500. Điểm của từng câu hỏi sẽ có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi.
* Thí sinh phải tuân theo các quy định cụ thể nào trước và trong khi làm bài thi đánh giá năng lực? Khi đi thi, thí sinh cần lưu ý và cần tránh những điều gì?
- Thí sinh cần tuân theo quy định kỳ thi do ĐH Quốc gia TP.HCM ban hành. Thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định đã được ghi trên phiếu báo dự thi (cụ thể là 7h30 sáng 31-3), mang theo phiếu báo dự thi và các giấy tờ xác nhận nhân thân theo đúng quy định pháp luật (căn cước công dân/CMND/hộ chiếu).
Thí sinh không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi.
* Trước ngày thi, thí sinh có cần đến điểm thi làm thủ tục dự thi và để biết trước phòng thi?
- Kỳ thi đánh giá năng lực tại ĐH Quốc gia TP.HCM không tổ chức một buổi riêng để làm thủ tục. Thí sinh nên tìm hiểu trước về địa điểm thi để có phương án đến dự thi đúng giờ quy định. Thí sinh có mặt tại phòng thi trễ hơn 15 phút sau thời gian bắt đầu làm bài thi (8h30) sẽ không được dự thi.
Tuyển chọn thí sinh hiểu biết sâu rộng
Năm 2019, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng và Trường ĐH Hoa Sen sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - khẳng định: "Trường chỉ xét trúng tuyển đối với những thí sinh có tham dự làm bài kiểm tra năng lực".
Lý do là việc tổ chức kiểm tra năng lực giúp nhà trường tuyển được các thí sinh có tố chất, có tư duy logic tốt, có hiểu biết sâu rộng các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội...; có thêm kênh thông tin để hạn chế tối đa các trường hợp may rủi, học tài thi phận của thí sinh (nếu chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia).
Đồng thời giúp thí sinh bước đầu có thể xác định được ngành học mình lựa chọn học tại Trường ĐH Luật TP.HCM là phù hợp với khả năng và nguyện vọng. "Để làm bài kiểm tra, thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào nên sẽ không tạo áp lực gì cho thí sinh" - ông Hiển khẳng định.
N.Q. ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận