Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG
* ThS Phạm Thái Sơn (giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM):
Từ năm 2015, khi ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ , chúng tôi đã tìm hiểu và dự kiến áp dụng, nhưng do nhiều lý do nên đến năm nay được sự đồng ý của ĐH Quốc gia TP.HCM, nhà trường mới có thể áp dụng.
Dùng kết quả đánh giá này, ngoài việc mở rộng nguồn tuyển sinh thì quan trọng hơn đó là bài thi này có tính tổng hợp và đánh giá được năng lực học tập của học sinh để tuyển chọn vào học ĐH.
Bài thi đánh giá năng lực là xu hướng chung của các trường, nhưng với khả năng của trường thì khó có thể tổ chức được kỳ thi quy mô, chất lượng, an toàn, nên việc hợp tác với ĐH Quốc gia TP.HCM là phương án tối ưu.
Chính việc đề thi và cách thức tổ chức của kỳ thi vừa tạo sự chủ động cho người học, bớt áp lực thi cử và đồng thời cũng giúp trường đánh giá năng lực thí sinh phù hợp với các ngành đào tạo của trường, nên năm nay trường sử dụng kết quả bài thi này với 10% chỉ tiêu cho 8 ngành.
Hi vọng trong những năm tiếp theo sẽ mở rộng thêm ngành nghề cũng như tăng chỉ tiêu tuyển sinh từ bài thi này.
* TS Tô Văn Phương (phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Nha Trang):
Đến thời điểm này, Trường ĐH Nha Trang là đơn vị duy nhất khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để tuyển sinh. Nhà trường nhận thấy với xã hội luôn biến động, cần tuyển chọn người học có khả năng thích nghi môi trường thay đổi thì yếu tố năng lực đóng vai trò quan trọng.
Đánh giá năng lực là hình thức đánh giá được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các bài đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT của Mỹ, TSA của Anh.
Bài đánh giá rất phù hợp cho việc lựa chọn thí sinh có năng lực để vào học ĐH, thay vì chỉ đánh giá theo một tổ hợp 3 môn xét tuyển thông thường bởi tập trung vào kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, toán học, tư duy logic, biết phân tích số liệu và giải quyết vấn đề.
Đây là những yếu tố quan trọng cho sinh viên ĐH hiện nay. Là năm đầu tiên sử dụng phương thức này, trường sử dụng khoảng 10% tổng chỉ tiêu, áp dụng cho 7 ngành học.
* TS Lâm Thành Hiển (phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng):
Tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh là xu hướng của các trường ĐH ở các nước tiên tiến. Cách thức tuyển này sẽ giúp các trường tuyển chọn được đúng sinh viên và hạn chế việc luyện thi, học tủ.
Ở phía Nam, ĐH Quốc gia TP.HCM là đơn vị tiên phong uy tín trong đào tạo và khảo thí, nên nhà trường tin tưởng vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Thời gian tới, với định hướng của Bộ GD-ĐT là các trường tự chủ tuyển sinh nên sẽ hình thành các nhóm trường tuyển sinh chung, trường chúng tôi mong muốn là một thành viên của nhóm do ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì.
* Nguyễn Thu Thủy (cựu học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM): Một điều ước...
Tôi đã tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm trước và đậu vào Trường ĐH Quốc tế với điểm số khá cao, dù ở trong lớp tôi không phải học sinh thuộc diện top 3. Kết quả thi của tôi khiến mấy đứa em của tôi tự tin hơn rất nhiều.
Gia đình tôi nhận ra rằng với đề thi đánh giá năng lực thì chỉ cần học sinh nắm vững kiến thức đã học, có kỹ năng phân tích, tổng hợp, giải quyết vấn đề một cách logic sẽ làm bài được; chẳng cần phải miệt mài luyện thi như trước.
Cá nhân tôi cảm thấy đề thi đánh giá năng lực rất thú vị, tôi có cảm giác như mình đang được thử thách và rất tò mò, hào hứng để vượt qua những thử thách ấy.
Tôi và các em của tôi vẫn ước ao rằng phải chi những đề kiểm tra trong lớp hoặc đề thi THPT quốc gia cũng được biên soạn theo kiểu như đề thi đánh giá năng lực thì học sinh THPT chắc sẽ hạnh phúc lắm.
Thầy cô sẽ không phải nhồi nhét và ép học sinh học quá nhiều, học sinh cũng không cần phải học ngày, học đêm mà có thời gian để suy ngẫm, để trải nghiệm, để rèn luyện kỹ năng...
* Trương Quốc Minh (học sinh lớp 12A8 Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM): Mở thêm cơ hội...
Em đã đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và cũng tham khảo một số đề thi của những năm trước để chuẩn bị tinh thần.
Em thấy những câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực khác hẳn với những đề kiểm tra, đề thi mà chúng em thường gặp. Nó khác biệt vì nhiều câu hỏi đưa ra những dữ kiện, yêu cầu thí sinh phải tư duy và giải quyết vấn đề chứ không mang tính đánh đố như một số câu hỏi trong đề thi truyền thống. Đề thi đánh giá năng lực yêu cầu thí sinh phải năng động, phải sáng tạo để vận dụng kiến thức đã học vào việc giải quyết câu hỏi của đề thi.
Ngoài ra, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được tổ chức trước khi kỳ thi THPT quốc gia diễn ra cũng là một dịp để học sinh khối 12 tập dượt, rút kinh nghiệm trong quá trình làm bài. Kỳ thi cũng mở cho thí sinh thêm cơ hội để trở thành sinh viên các trường ĐH.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận