Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Xê (ở ấp Cây Bàng 1) với bức tường nhà bị nứt toác gần 10cm - Ảnh: Chi Mai |
Che giấu tai nạn lao động chết ngườiNhà thầu Obayashi bị kiện
Không riêng hai hộ dân có khởi kiện, ở ấp Cây Bàng 1 còn có nhà của hàng chục hộ dân khác bị ảnh hưởng bởi công trình hầm Thủ Thiêm như lún, nứt tường, thậm chí đổ sập cả mảng tường do hiện tượng lún đất. Không chỉ những căn nhà nằm sát công trình mà nhiều căn tại mặt tiền đường Cây Bàng, sát bờ sông Sài Gòn cũng bị lún, nứt nghiêm trọng.
Hàng loạt ngôi nhà bị hư hỏng
Chị Nguyễn Thị Huệ (ngụ số 6, ấp Cây Bàng 1, phường Thủ Thiêm) dẫn chúng tôi đến khu vực chân cầu Ông Cậy. Chỉ cái nền gạch bông hơn 6m2, chị Huệ cho biết đó là dấu tích còn lại của căn nhà mình. Theo chị Huệ, năm 2006 khi công trình hầm Thủ Thiêm được khởi công thì căn nhà của chị bắt đầu bị lún, nghiêng xuống sông. Nước của rạch Ông Cậy trước đây chảy bình thường nhưng từ khi nhà thầu ngăn dòng, đóng cọc để nạo vét thì trở nên chảy xiết. Nước xoáy mạnh và ăn sâu vào bờ khiến móng nhà chị bị lún dần, căn nhà nghiêng và đổ sập hoàn toàn.
Từ năm 2007, chị Huệ cùng hơn chục hộ dân khác đã khiếu nại với chính quyền địa phương và nhà thầu, đề nghị có biện pháp khắc phục sụt lở đất, đền bù thiệt hại cho người dân. UBND phường Thủ Thiêm đã có nhiều cuộc làm việc với đại diện của nhà thầu Obayashi và nhà thầu cũng hứa hẹn có biện pháp. Thế nhưng, chị Huệ và nhiều hộ dân đợi hoài mà không thấy ai đến “nói năng gì”. Cuối năm 2007, chị đã khởi kiện Công ty Obayashi ra tòa.
Chỉ tay vào những đống gạch vụn dọc mép sông, chị Huệ cho biết đã từng có hàng chục căn nhà của những người hàng xóm bị đổ sập, trong đó có nhà của chị Trần Thị Mai Liên (nhà số 6/1, ấp Cây Bàng 1) - người cũng làm đơn khởi kiện nhà thầu Obayashi ra tòa để đòi bồi thường 120 triệu đồng.
TAND quận 2 đã tổ chức hòa giải giữa hai bên nhưng Công ty Obayashi không đồng ý bồi thường. Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 20-11-2008, tới ngày mở phiên tòa, đại diện của Obayashi cáo bệnh không đến dự. Phiên tòa phải dời lại đến ngày 8-12-2008 nhưng phải hoãn lần thứ 2 vì Obayashi không có văn bản hợp pháp cử người đại diện tham dự phiên tòa.
Theo các nguyên đơn, dù rất khó khăn nhưng các hộ dân vẫn vay mượn tiền, tốn hàng chục triệu đồng để làm chi phí trưng cầu giám định, theo đuổi vụ kiện tới cùng. Theo kết luận giám định vừa hoàn tất, việc xây dựng, thi công công trình hầm Thủ Thiêm của nhà thầu Obayashi là nguyên nhân chính làm sập đổ nhà của các hộ dân (việc ngăn dòng, nạo vét lòng sông đã làm nước chảy xiết, tác động lên hệ cọc của các căn nhà trên sông).
Bà Nguyễn Thị Xê (ngụ số 14/11, ấp Cây Bàng 1) dẫn chúng tôi đi xem hàng loạt vết nứt tường, có khe nứt hở toác gần 10cm trên vách nhà bà. Bà Xê cho biết đã rất nhiều lần khiếu nại, đề nghị chủ thầu có biện pháp nhưng đến nay vẫn bị bỏ mặc. Nhiều đêm cả gia đình bà không dám ngủ vì sợ nhà sập. Theo bà Xê, dù rất muốn khởi kiện đòi nhà thầu Obayashi phải bồi thường nhưng bà không biết chữ và không lo nổi tiền đóng tạm ứng án phí.
Chỉ đồng ý sửa nhà
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đỗ - đại diện nhà thầu Obayashi - cho biết: trong quá trình xây dựng cầu, công ty đã nhận được phản ảnh, khiếu nại của 16 hộ dân. Ông Đỗ cho rằng: “Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân gây hư hỏng nhưng do nhà thầu có sẵn vật tư, nhân công nên sẵn sàng sửa chữa giúp bà con”. Ông Đỗ giải thích chưa có động thái giúp dân là do phía công ty đưa ra phương án sửa chữa hư hỏng, còn các hộ dân lại muốn nhận tiền để tự sửa. Chỉ duy nhất trường hợp của chị Nguyễn Chế Thị Hồng Hân, sau khi chị Hân khởi kiện ra TAND quận 2, công ty thương lượng hỗ trợ chị Hân 2 triệu đồng và chị Hân đã rút đơn khởi kiện.
Chị Trần Thu Hà (ngụ số 14B, ấp Cây Bàng 1) cho biết sau khi nhà bị lún nứt, không ở được, chị đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến nhà thầu thi công công trình. Phía nhà thầu có cử người ra quan sát, ghi nhận rồi hứa sau khi làm xong công trình sẽ sửa chữa nhà cho chị! Trước mắt, công ty chỉ hỗ trợ chị tiền thuê nhà mỗi tháng 3,5 triệu đồng. Đó là một trong số những hộ hiếm hoi nhận được hỗ trợ từ phía nhà thầu Obayashi.
Theo những người dân tại khu vực thi công hầm Thủ Thiêm, nhà ở của họ đang trong quá trình giải tỏa thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Các hộ dân đang được vận động nhận đền bù, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Đó chính là lý do nhà thầu Obayashi không chịu bồi thường thiệt hại bằng tiền cho các hộ dân mà chỉ đề nghị sửa chữa, gia cố nhà cho họ. Nhưng việc sửa chữa nhà như lời hứa cũng bị chây ì, bỏ lửng lâu nay khiến nhiều hộ dân phải sống trong cảnh thấp thỏm.
Theo luật sư Trần Thị Bích Phượng - Đoàn luật sư TP.HCM, nếu thi công gây thiệt hại, ảnh hưởng đến các hộ dân thì nhà thầu Obayashi phải có trách nhiệm bồi thường. Việc các căn nhà bị hư hỏng thuộc diện giải tỏa cũng không làm thay đổi nghĩa vụ bồi thường của nhà thầu vì người dân vẫn còn cư ngụ tại căn nhà đó. Nhà thầu Obayashi chỉ đồng ý sửa chữa nhà mà không bồi thường thiệt hại bằng tiền cho các hộ dân là không có cơ sở.
Vẫn theo luật sư Phượng, trước khi khởi công công trình, Obayashi đã cho giám định tình trạng các căn nhà, kết quả kiểm định lần đầu cho thấy dù là nhà tạm trên sông nhưng nhà của các hộ dân trong vụ kiện vẫn còn trong tình trạng sử dụng tốt, không hư hại gì. Sau khi người dân có khiếu nại, tháng 8-2007 công ty đã cho giám định lại và kết quả các căn nhà này bị hư hỏng nặng. Lẽ ra căn cứ vào kết quả kiểm định này, Công ty Obayashi đã có thể tiến hành bồi thường thiệt hại cho người dân. Việc bồi thường sẽ do công ty bảo hiểm chi trả vì Obayashi đã mua bảo hiểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận