Dòng thép giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam
Ngành thép Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, trong đó nguy cơ bị bóp nghẹt bởi thép nhập khẩu, nhất là lượng thép Trung Quốc đang ngày càng nhiều.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 4-2024, sản lượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh với 890.000 tấn, hơn 1,5 lần so với sản xuất nội địa, trong đó thép HRC Trung Quốc chiếm 71%.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, thép nhập khẩu vào Việt Nam là 3,9 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 159% sản lượng của các doanh nghiệp thép nội địa đang sản xuất thép HRC.
Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% tổng số lượng nhập khẩu 2,9 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2023.
Doanh nghiệp sản xuất thép cho rằng thép nhập khẩu tiếp tục vào Việt Nam với số lượng lớn, không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào là một nghịch lý. Chưa kể, xu hướng thép Trung Quốc có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh về giá.
Chẳng hạn cùng loại mặt hàng thép HRC, Trung Quốc luôn bán rẻ hơn nhiều quốc gia khác để xuất khẩu sang Việt Nam, giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc 4 tháng đầu năm luôn thấp hơn giá bình quân so với các thị trường khác từ 32 - 59 USD/tấn.
Nếu so sánh riêng với thép HRC nhập từ Hàn Quốc, thép cán nóng từ Trung Quốc thấp hơn đến 123 USD/tấn.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp như Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Tôn Đông Á... sản xuất đa dạng sản phẩm từ thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Do đó, việc thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường nội địa, ngành sản xuất thép gặp khó ngay trên sân nhà.
Ứng phó ra sao với thép nhập khẩu?
Thép là mặt hàng quan trọng, đầu vào cho nhiều ngành khác, đặc biệt liên quan tới công nghiệp quốc phòng. Một doanh nghiệp sản xuất thép cho rằng gia tăng nhập khẩu thép, chắc chắn ngành sản xuất trong nước sẽ gặp khó, từ đó không tự chủ được sản xuất các sản phẩm hạ nguồn khác.
Thép HRC là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.
Cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành tổng hợp, thẩm định hồ sơ về đề nghị của doanh nghiệp trong nước điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc.
Trong khi đó, nhiều nước đang áp dụng các chính sách phòng vệ thương mại đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thái Lan đang tiến hành điều tra và xem xét triển khai các biện pháp chống bán phá giá đối với một số công ty thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc, do thép nhập giá rẻ tràn ngập khiến doanh nghiệp thép Thái Lan chỉ sản xuất được 30% công suất, thấp hơn mức trung bình 58% của Đông Nam Á.
Mới đây ngày 16-5, Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn nhập từ Trung Quốc, nếu phát hiện hàng nhập khẩu đó đang bị bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành công nghiệp địa phương.
Theo các chuyên gia kinh tế, biện pháp phòng vệ thương mại sẽ là công cụ nhằm mục đích bảo vệ doanh nghiệp sản xuất nội địa, trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Nếu không có sự bảo vệ hợp lý và hợp pháp này, ngành sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu và dẫn tới nguy cơ bị triệt tiêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận