Những tấm vách hầm của tuyến metro được công nhân đưa vào vị trí chuẩn bị lắp - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
“Thật tình ban đầu khi chưa đến Việt Nam, tôi nghe nói lao động người Việt khá lười biếng và làm việc không hiệu quả. Nhưng thực tế diễn ra cho tôi một cái nhìn khác. Anh em người Việt Nam trên công trường này rất chăm chỉ, chịu khó học hỏi, có tính kỷ luật và phối hợp tốt trong công việc |
Kỹ sư Ayumn Nakao (Nhật) |
Đây là một phần của dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ông Dương Hữu Hòa - giám đốc Ban quản lý dự án 1, thuộc Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - cho biết từ lúc đưa robot TBM bắt đầu khoan vào lòng đất ở nhà ga Ba Son vào ngày 26-5 đến 31-7, đã đào được 150m dài.
Lòng đất sáng choang
Vượt qua 5 đoạn cầu thang dốc xuống lòng đất, trước mắt chúng tôi là một đường hầm khổng lồ hình trụ với vách, trần, đáy được ốp những tấm bêtông ghép khít khao.
Trên từng tấm bêtông ghi rõ tên nhà sản xuất bt 6, số hiệu tấm vách, ngày sản xuất. bt 6 là tên Công ty Bêtông 6 của VN liên doanh với công ty Nhật, làm ra những tấm bêtông làm vách đường hầm đáp ứng tiêu chuẩn của nhà thầu Nhật về chất lượng kỹ thuật.
Cứ khoan được 1,2m, robot TBM dừng khoan và chuyển sang lắp đặt các tấm bêtông làm vỏ hầm - nghĩa là hoàn thiện ngay đường hầm.
Khi chúng tôi đến, 6 mảnh bêtông đang được máy lắp vào làm vách và trần đường hầm. Từng khối bêtông lớn được bốc dỡ nhẹ nhàng bằng hệ thống cẩu, ròng rọc đến vị trí cần lắp, như trẻ nhỏ chơi trò xếp hình.
Tất cả được lập trình chính xác tuyệt đối đến từng milimet, đáp ứng chuẩn thông số kỹ thuật để đường hầm khi đi vào vận hành không bị thấm nước, chịu được áp lực va đập.
Anh Ayumn Nakao, chuyên gia trẻ người Nhật Bản năm nay 28 tuổi, vui vẻ: “Tôi rất vui và cảm thấy vinh dự khi được trực tiếp tham gia thực hiện tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam. Mọi người ở mọi công đoạn đều đang hết sức nỗ lực để sớm hoàn thành”.
Là hầm nhưng suốt từ miệng hầm vào sâu bên trong là hệ thống đèn chiếu sáng trưng. Những bóng đèn đỏ, vàng gắn trên robot TBM được bố trí đều khắp. Xen kẽ nhiều chỗ còn có những chiếc đèn công suất lớn.
Cho nên mọi ngóc ngách trong đường hầm đều được sáng rõ. Robot TBM vận hành khoan sâu trong lòng đất nên có tiếng ồn.
Để đào đường hầm như thế này thì khối lượng đất, cát, đá phải đưa ra ngoài vô cùng lớn. Hình dung bình thường là cát, đá, bùn vương vãi. Nhưng tuyệt nhiên không. Cũng không thấy hình ảnh công nhân nhễ nhại mồ hôi xúc đất đưa ra ngoài.
Toàn bộ đều được chuyển ra ngoài bằng một hệ thống ống khép kín. Do vậy, trong đường hầm khổng lồ này luôn sạch sẽ, không bụi bặm, không mùi.
Khác với hình dung của chúng tôi, không khí dễ thở như trên mặt đất, được bơm xuống hầm bằng một đường ống lớn. Ống thông khí này cùng với hệ thống quạt thông gió bố trí đều khắp đường hầm khiến nhiệt độ, áp suất trong hầm không khác mấy với bên ngoài.
Ông Dương Hữu Hòa cho biết với độ dài 150m đã khoan, đến nay đường hầm đã xuyên qua đường Tôn Đức Thắng, Ngô Văn Năm. Phía trên, dòng xe cộ vẫn lưu thông bình thường.
Các tòa nhà phía trên nơi robot đào được phía nhà thầu gắn các thiết bị quan trắc để theo dõi khả năng lún hoặc thay đổi khác nhằm bảo đảm sự an toàn nhà cửa, công trình.
Anh Lê, kỹ sư công trường, cho biết công trường làm việc liên tục 24/24 giờ. Các kỹ sư, công nhân được chia thành 3 ca, mỗi ca làm việc 8 giờ. Số lượng lao động dao động từ 10-20 người/ca. Phần lớn công việc đều tự động nên nhân công ít, chủ yếu để vận hành.
Kỹ sư Ayumn Nakao - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
“Suy nghĩ an toàn - suy nghĩ về gia đình”
Nói về đội ngũ công nhân, kỹ sư Việt Nam, anh Ayumn Nakao bày tỏ: “Thật tình ban đầu khi chưa đến Việt Nam, tôi được nghe nói lao động người Việt khá lười biếng và làm việc không hiệu quả.
Nhưng thực tế diễn ra cho tôi một cái nhìn khác. Anh em người Việt Nam trên công trường này rất chăm chỉ, chịu khó học hỏi, có tính kỷ luật và phối hợp tốt trong công việc”.
Để đủ chuẩn làm việc tại công trường đặc biệt này, các kỹ sư, công nhân Việt Nam phải trải qua đợt tập huấn trung bình 3 tháng về kiến thức, tay nghề chuyên môn, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động theo chuẩn quốc tế. Riêng đội ngũ kỹ sư cấp cao trực tiếp làm việc với chuyên gia Nhật còn phải biết ngoại ngữ.
Một ấn tượng đặc biệt đáng nhớ của công trường là những tấm biển báo. Chi tiết, rõ ràng, nhẹ nhàng và sâu sắc. Chúng được đặt rải rác xuyên suốt công trường ngầm bằng song ngữ Anh - Việt: “Suy nghĩ an toàn - suy nghĩ về gia đình”, “Mục tiêu của chúng ta là tai nạn bằng không”.
Các biển báo an toàn lao động khác được trang trí bằng màu sắc, biểu tượng với phong cách hoạt hình vui nhộn, thay vì biểu tượng đầu lâu gạch chéo hay tia điện xẹt.
Một kỹ sư chia sẻ: “Người Nhật có cái nhìn rất nhân văn. Để người lao động cẩn trọng trong công việc, bên cạnh những quy tắc nghiêm ngặt, họ khơi gợi vào trách nhiệm với công việc, tình cảm gia đình.
Ai lại chẳng muốn được an toàn khỏe mạnh, lành lặn để sau một ngày làm việc vất vả được về với gia đình vợ con? Muốn vậy phải làm việc nghiêm túc, cẩn thận”.
Rời đại công trường trong lòng đất, điều đọng lại trong chúng tôi còn là những cái bắt tay rất chặt. Đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt trong lúc làm việc là không trò chuyện cá nhân, những công nhân, chuyên gia, kỹ sư tại công trường hầu như chỉ giao tiếp bằng động tác, ký hiệu.
Sau khi hoàn thành một công đoạn, họ lại siết tay nhau ngầm ý chúc mừng, cảm ơn sự phối hợp và quyết tâm làm tốt hơn nữa. Để tương lai không xa, những toa tàu điện ngầm đầu tiên của TP.HCM, của cả nước sẽ sớm lăn bánh...
Đang thiếu nhà thầu 500 tỉ đồng Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - ông Lê Nguyễn Minh Quang cho biết từ tháng 4-2017 đến nay, nhà thầu công trình tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân đã làm việc hết sức tích cực để đảm bảo tiến độ. “Điều khó khăn là hiện nay chúng ta đang nợ nhà thầu khoảng 500 tỉ đồng”. Khoản nợ này đã được ông Lê Nguyễn Minh Quang báo cáo HĐND, UBND TP và đề xuất TP kiến nghị trung ương rót vốn, không để chậm tiến độ công trình dù nhà thầu và lực lượng thi công vẫn rất tích cực, không ngơi nghỉ. Trong khi đó, giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết thực ra TP đủ khả năng đảm đương nguồn kinh phí nhưng vướng là vướng về thủ tục với các bộ, ngành trung ương để chi khoản này ở thời điểm này. |
781m đường ngầm giữa trung tâm TP Robot TBM được sản xuất tại Nhật Bản được đưa về Việt Nam lắp ráp mất 3 tháng và đưa vào thi công từ ngày 26-5. Nó gồm đầu máy và dàn xe điều khiển, xe điện dài 70m và nặng khoảng 300 tấn. Robot này sẽ khoan hai đường hầm metro từ nhà ga Ba Son về nhà ga Nhà hát TP dài 781m, mỗi đường hầm có đường kính 6,8m cho một chiều, là một đường ray. Theo kế hoạch đến cuối năm 2017, TBM sẽ hoàn thành hầm đầu tiên, sau đó sẽ khoan đường hầm thứ hai trong năm 2018. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận