Tại giao lộ đường 19-8 và Hoàng Thái Hiếu ở TP Vĩnh Long có một gò đất, trên đó có cây da cổ thụ cao lớn sum sê tỏa bóng mát, bên cạnh là một cổng thành với tấm biển "Di tích cửa Hữu thành Long Hồ".
Một chiều cuối hè, chúng tôi theo các bậc cao niên đi tìm lại dấu xưa bên bờ Cổ Chiên giang...
Long Hồ dinh vàng son một thuở
Cổng thành và các công trình liên quan mới phục dựng năm 2008, nhưng ông Nguyễn San (cựu phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long) cho biết nơi đó là di tích quan trọng còn lại của thành Long Hồ xưa, sau gọi là thành Vĩnh Long, thủ phủ của Long Hồ dinh.
Trong sách Gia Định thành thông chí, cụ Trịnh Hoài Đức cho biết: "Ngày 22-2 năm Quý Dậu 1813, niên hiệu Gia Long thứ 12 đắp thành trì, dựng công thự trên đất hai ấp Bình An và Trường Xuân thuộc thôn Long Hồ (nay thuộc phường 1, TP Vĩnh Long - NV). Đây là vùng có sông lớn ôm quanh, giữ thế quan yếu, đúng là phên giậu vững vàng của thành Gia Định...".
Thuở đó, thành đắp bằng đất kiểu Vauban (là kiến trúc thành lũy Tây Âu thế kỷ 17-18), cửa chính hướng đông nam, lưng quay hướng tây bắc. Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: thành có chu vi 100 trượng, cao 1 trượng, dày 2 trượng 5 thước, hào thành rộng 6 trượng, sâu 4 thước.
Thành hình hoa mai, có 5 cây cầu bắc qua hào nước ở 5 cửa thành, gồm cửa Đông (cửa Tiền), cửa Tây (cửa Hậu), cửa Bắc (cửa Tả), cửa Tây Nam (cửa Hữu) và cửa Đông Nam. Phía tả thành là sông Long Hồ, phía hữu là rạch Ngư Câu (rạch Cái Cá ngày nay), sau lưng là sông Cổ Chiên, trước mặt là đường Cừ Sâu (nay là rạch Cầu Lầu).
Thành Long Hồ không lớn, nhưng xây dựng kiên cố ở vị trí hiểm yếu, từng là thủ phủ của Long Hồ dinh trấn giữ một vùng rộng lớn ở Tây Nam Bộ lúc đó. Tòa thành từng bị quân Pháp đánh phá hai lần vào các năm 1862 và 1867, sau đó bị tàn phá nặng nề.
Nhưng thành Long Hồ xây dựng sau khi Long Hồ dinh được thành lập trước đó hơn 80 năm.Theo sử sách, tháng 4 năm Nhâm Tý 1732, Ninh Vương Nguyễn Phúc Chu chính thức thành lập châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ ở phía nam sông Tiền.
Đến năm 1744, vùng Nam Bộ của nhà nước Đại Việt có bốn đơn vị hành chính là dinh Trấn Biên (vùng Biên Hòa, Đồng Nai), Phiên Trấn dinh (vùng Gia Định), Long Hồ dinh và Hà Tiên trấn.
Riêng Long Hồ dinh, từ năm 1757 đã cai quản vùng đất rộng lớn bao gồm Vĩnh Long, Trà Vinh, Tân An, Gò Công, Cần Thơ, Bạc Liêu, Long Xuyên, Kiên Giang, Cà Mau. Lúc đầu, thủ phủ của Long Hồ dinh và châu Định Viễn đặt tại thôn An Bình, huyện Kiến Đăng (nay là thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - NV).
Đến năm 1757, theo đề nghị của cụ Nguyễn Cư Trinh (ký lục Long Hồ dinh) và Thống suất Trương Phước Du, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho dời lỵ sở của Long Hồ dinh và châu Định Viễn từ Cái Bè về xứ Tầm Bào thuộc địa phận Long Hồ thôn (nay là TP Vĩnh Long - NV).
Long Hồ dinh đã trở thành một đơn vị hành chánh rất quan trọng ở phía Nam xứ Đàng Trong, có trách nhiệm cai quản một vùng đất rất rộng lớn, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp biên giới Cao Miên.
Nhưng đến cuối năm Kỷ Hợi 1779, chúa Nguyễn Ánh sau khi chiếm lại đất Gia Định đã "khai tử" Long Hồ dinh, đổi tên thành Hoằng Trấn dinh, lỵ sở dời về Cầu Kè (Trà Vinh). Từ 1804 đến 1832, Long Hồ dinh lần lượt đổi tên thành Vĩnh Trấn dinh rồi Vĩnh Thanh trấn.
Đến năm 1832, vua Minh Mạng chia Nam Kỳ thành Lục tỉnh, trấn Vĩnh Thanh được đổi thành trấn Vĩnh Long, phân hạt gọi là tỉnh Vĩnh Long. Tên Vĩnh Long bắt đầu từ đây.
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Minh trong sách Vĩnh Long xưa và nay, người có công lớn trong việc định hình và phát triển Long Hồ dinh buổi đầu chính là cụ Nguyễn Cư Trinh. Cụ tài kiêm văn võ, từng nắm giữ các chức vụ cao như Thượng thư Bộ Lại, Tào vận sứ, tước Nghi biểu hầu dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, nổi tiếng thanh liêm, chính trực, giỏi việc cai trị và có tài ngoại giao. Từ năm 1735, cụ Nguyễn Cư Trinh nhiều lần hiến sách lược cho chúa Nguyễn khai thác đất miền Tây Nam Bộ, lập Long Hồ dinh.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến động của lịch sử, đầu năm 1976 tỉnh Vĩnh Long sáp nhập với tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long. Đến năm 1992, tỉnh Vĩnh Long bên dòng Cổ Chiên được tái lập, danh xưng Long Hồ dinh trở lại đầy tự hào với cư dân nam sông Tiền.
Cảnh cũ, người xưa giờ đã vắng
Từ cửa Hữu thành Long Hồ, tôi đi qua những con đường của TP Vĩnh Long, mong tìm lại những dấu tích xưa cũ của Long Hồ dinh. Nhà cửa đã được kiến trúc hiện đại, phố xá mua bán sầm uất, tấp nập người xe, nhưng đường phố nội ô Vĩnh Long vẫn nhỏ hẹp như nhiều thập niên trước.
Trên một con rạch nhỏ có tên rạch Cầu Lầu, một cây cầu bê tông cốt thép hiện đại mang tên Cầu Lầu bắc ngang, nối phường 1 và phường 4 TP Vĩnh Long. Theo ông Nguyễn San, Cầu Lầu là cây cầu rất xưa, xuất hiện cùng thời với thành Long Hồ và là một vị trí rất trọng yếu.
Trong sách Vĩnh Long xưa và nay, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh cho biết: "Cầu bắc cao trên giữa lòng rạch, vừa làm vọng canh vừa qua lại, hai bên cầu có thang trèo lên và xuống. Dưới lót ván cho bộ hành đi, giữa có bốn cây cột cao lên, lót sạp độ 6, 7 thước, lợp ngói âm dương làm nóc, bốn bên có lỗ châu mai... là một trong hai cửa vào thành, vốn là nơi quan yếu nhất, nên được đặc biệt bố phòng như một vị trí chiến lược hệ trọng. Đó là nơi để quân lính lên vọng lầu đứng canh chừng quân địch từ ngã tư Long Hồ kéo sang, mà cũng tiện dòm ra sông Long Hồ ngăn ngừa thủy quân địch đổ bộ".
Ông Huỳnh Minh còn cho biết sát bên rạch Cầu Lầu (vị trí chợ Cầu Lầu hiện nay - NV) xưa kia là xóm Lò Rèn, chuyên lãnh việc chế tạo binh khí cho quan quân trong thành Long Hồ. Nhưng sau khi người Pháp chiếm Vĩnh Long, cây Cầu Lầu nổi tiếng bị phá dỡ, sau đó thay bằng cầu bê tông, xóm Lò Rèn cũng bị triệt hạ không còn dấu tích.
Cũng theo ông Huỳnh Minh, con đường nối từ Cầu Lầu đến cầu Chợ Cua xưa kia có tên đường Văn Thánh (nay là đường Trần Phú - NV). Bởi lẽ trên con đường này có một ngôi miếu nổi tiếng được xây dựng từ năm Giáp Tý 1864 đến năm Bính Dần 1866, là di tích xưa nhất của Long Hồ dinh còn sót lại, đó là Văn Thánh miếu.
Văn Thánh miếu (gồm Chánh điện, Hữu ban, Tả ban, Hữu vu, Tả vu, Văn xương các) là nơi thờ phụng Khổng tử, các bậc hiền nhân, cụ Võ Trường Toản và cụ Phan Thanh Giản...
Đứng bên dòng Cổ Chiên giang cuộn sóng ngầu đỏ phù sa, những bậc cao niên ở Vĩnh Long cho biết hiện nay nhiều di tích xa xưa của Long Hồ dinh không còn tồn tại theo sự tàn phá của thời gian. Ngay bên bờ sông Cổ Chiên, một làng nghề nổi tiếng hàng trăm năm tuổi cũng đang đứng trước nguy cơ mai một.
"Đó là làng nghề gạch gốm, một thời được người Vĩnh Long tự hào gọi là "vương quốc đỏ" bởi nét đặc sắc, chất lượng tuyệt hảo của các sản phẩm mang màu sắc đặc biệt rất đặc trưng từ đất Vĩnh Long mà không nơi nào có được", ông San tâm sự.
Theo thời gian vật đổi sao dời, nhiều lần trùng tu nên Văn Thánh miếu không khỏi mất đi những nét kiến trúc cổ kính. Nhưng với người dân Vĩnh Long, nơi này là một di tích vô giá, tượng trưng cho tinh thần hiếu học, bảo vệ đạo đức và thuần phong mỹ tục.
-----------------
Hai bên đường dọc bờ Cổ Chiên từ Long Hồ xuống Mang Thít, Vĩnh Long, những miệng lò nung như cây nấm khổng lồ màu đỏ vươn lên trời cao.
Kỳ tới: Ngậm ngùi “vương quốc đỏ” bên dòng phù sa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận