18/12/2020 09:35 GMT+7

Theo dấu trường ca Hòn vọng phu - Kỳ cuối: Ngàn đời còn nhớ "ai bế con mãi đứng chờ"

THÁI LỘC - SƠN LÂM
THÁI LỘC - SƠN LÂM

TTO - Trải cùng bao cuộc bể dâu đất nước, Hòn vọng phu của Lê Thương càng được người đời thấu hiểu và yêu thích hơn, cả ở giá trị âm nhạc lẫn văn hóa lịch sử. Trường ca chạm sâu vào vấn đề lớn của dân tộc và luôn mang tính thời sự.

Theo dấu trường ca Hòn vọng phu - Kỳ cuối: Ngàn đời còn nhớ ai bế con mãi đứng chờ - Ảnh 1.

Lê Thương đã “bất tử” với trường ca Hòn vọng phu - Ảnh: THÁI LỘC

Hòn vọng phu của Lê Thương phản ánh một nước Việt luôn luôn có chiến tranh, người vợ luôn luôn chờ chồng. Đã có Chinh phụ ngâm, rồi những hòn vọng phu bằng đá, rồi nối tiếp là nhạc phẩm này. Đấy là một tư tưởng lớn chứ không phụ thuộc vào đâu cả.

NGUYỄN THỤY KHA

Hình ảnh đẹp về người phụ nữ

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở TP Hội An, nữ danh ca Ánh Tuyết cho biết rời không gian âm nhạc ngót nghét đã 10 năm. Hầu như mọi thứ liên quan cứ "nhớ nhớ, quên quên", nó cứ xen lẫn với mối bận tâm hiện thời là đất đai, vườn tược, rau cỏ... Song, khi nghe nhắc đến Lê Thương và Hòn vọng phu, nữ danh ca bỗng tuôn trào cảm xúc. Ánh Tuyết bảo như một cơ duyên, thậm chí là định mệnh, chỉ một câu trong bản trường ca Hòn vọng phu như dẫn lối cho chị vào nghiệp ca hát...

"Nơi phía nam giữa núi mờ. Ai bế con mãi đứng chờ. Như nước non, xưa đến giờ" - ca sĩ dàn trải câu hát như sự bộc phát của tiếng nói thầm kín tràn đầy cảm xúc. "Tôi nghe ca sĩ D.K. hát từ khi còn rất nhỏ, hồi đó nhà tôi mở hàng cơm trên phố Phan Châu Trinh ở phố Hội này. Chao ôi, nghe nó thật xa vời vợi, cái núi đó nó mờ khuất với tâm tư của con người chứ không phải tầm nhìn, nó quá xa đến mức tâm tư con người cũng không vói tới được. Chính vì câu hát đó mà tôi mê Hòn vọng phu từ hồi nhỏ xíu" - chị bày tỏ.

Ánh Tuyết gặp nhạc sĩ Lê Thương lần đầu vào tháng 8-1994, trong đêm nhạc do một Việt kiều tổ chức tại khách sạn Công Đoàn TP.HCM. Cử tọa lúc ấy toàn những "đại thụ" của làng nhạc VN như Lê Thương, Văn Cao, Tô Vũ, Ngọc Bảo... Được mời hát, Ánh Tuyết "mần luôn ba bài" Hòn vọng phu. "Hồi đó, tôi đang hát giữa bài hai thì thật bất ngờ, chú Lê Thương lên sân khấu bắt tay. 

Chú nói trong sự xúc động: "Chưa bao giờ tôi nghe Hòn vọng phu mà có cảm xúc mạnh đến như vậy, giống như mình đẻ đứa con và được đứa con bày tỏ điều gì với mình vậy". Lúc đó tôi chưa nghĩ nhiều về việc thể hiện của mình, bởi vì có biết bao nhiêu ca sĩ hàng đầu đi trước mình đã thể hiện" - ca sĩ bày tỏ.

Chị nhớ như in cuộc gặp gỡ ngay sau đó: "Khi nghe chú Lê Thương khen tôi hát nhạc ông hay, chú Tô Vũ tiếp ngay lời: "Cô ấy hát nhạc tôi cũng hay thế, chứ đợi nhạc ông à!", mấy ông thương dữ lắm". Sau khi Lê Thương qua đời, tri ân người nhạc sĩ tài ba, Ánh Tuyết đã gặp gỡ gia đình và xin phép thực hiện album Thằng Cuội, gồm ba bài Hòn vọng phu và sáu bài Tuổi thơ, Đàn bao tuổi rồi, Một ngày xanh, Thu trên đảo Kinh Châu, Thằng Cuội, Đàn tình xưa của Lê Thương.

"Hồi đó rất khó khăn, đang nghèo, ở nhà thuê, nhưng có thể nói tôi làm album Thằng Cuội là một sự tri ân với người nhạc sĩ tài ba đã gieo vào tôi những ấn tượng âm nhạc đầu đời, một phần cũng muốn làm món quà cho ông, cho gia đình và những thính giả mến mộ gia tài âm nhạc Lê Thương" - chị nói.

Ánh Tuyết nức lòng ngợi ca Hòn vọng phu: "Mỗi lần hát là mỗi lần cảm xúc, nó đa chiều, làm cho mình cứ cuồn cuộn, đẩy mình lên độ nóng tột cùng, hăng tột cùng, say tột cùng, và cũng đẩy mình chìm vào nỗi đau đến tận đáy. Một người chinh phụ chờ chồng - một người chinh phu vì đất nước, cũng mong ngày về với vợ con mà không biết ngày về. Bản trường ca ngợi ca người phụ nữ tuyệt đẹp, chung thủy, sắt son sừng sững như núi. Theo tôi, đây là trường ca đỉnh cao của Việt Nam không chỉ ở mặt âm nhạc, mà còn ở ca từ, ở câu chuyện".

Theo dấu trường ca Hòn vọng phu - Kỳ cuối: Ngàn đời còn nhớ ai bế con mãi đứng chờ - Ảnh 3.

Một số tác phẩm của Lê Thương xuất bản giai đoạn 1949-1954 - Ảnh: THÁI LỘC

Kiệt tác của một đại nhân

Nhạc sĩ Lê Hoàng Long viết: "Tác phẩm của Lê Thương được xây dựng trên chuyện cổ tích truyền kỳ hay thần thoại Việt Nam cũng như lịch sử của giống nòi. Ông là người thực tâm hướng về đất nước nên trong chuyện ca cũng như nhạc lịch sử đều chứa đựng một nội dung súc tích trong kỹ thuật già dặn và nhạc hứng chân thành không gò bó giả tạo". 

Hồi ký Phạm Duy thì ghi: "Trong làng tân nhạc, Lê Thương là người trí thức nhất. Mỗi bài nhạc, mỗi giai đoạn nhạc của anh đều chứa đựng thông điệp. Qua những bài vừa soạn ra, ta thấy một thứ triết lý thời loạn của anh. Người nghệ sĩ này, khi đi vào cuộc đời và cuộc chiến, đứng hẳn về phía kẻ yếu".

Đề tài, cảm hứng Hòn vọng phu nhắm dựa vào hình tượng người phụ nữ mòn mỏi chờ chồng ra trận đã chạm đến vấn đề lớn của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử và đến nay vẫn nguyên tính thời sự. 

Nhìn vào nghìn năm lịch sử kể từ ngày giành độc lập, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn cho rằng: "Chiều dài lịch sử mở nước là một quá trình vọng phu. Từ cuộc chiến giành độc lập trước giặc phương Bắc, cho đến mở mang bờ cõi đến Quảng Trị vào thời Lý, đến Quảng Nam dưới thời Trần, đến Phú Yên dưới thời Lê và cả miền Nam dưới thời Nguyễn. Sự đằng đẵng cảnh đàn ông ra trận chống giặc và theo đoàn lưu dân mở cõi trấn thủ bảo vệ đất đai ở phương Nam. Nỗi lòng phụ nữ ở nhà, vẫn đợi chờ mòn mỏi, không hóa đá sao được. Vọng phu chuyện của muôn đời, một nỗi niềm đằng đẵng của người Việt Nam. Kể cả giai đoạn hiện nay đang thái bình mà chuyện vọng phu vẫn cứ canh cánh".

Theo nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha, ba bài Hòn vọng phu có vị trí lớn trong tân nhạc: "Bởi vì nó đụng đến một vấn đề của dân tộc, đó là đối diện với chiến tranh vệ quốc, mà gần như trước đó chưa có tác giả nào nói. Tầm vóc lớn của tác phẩm vì đứng về phía dân tộc, không theo hơi thở nào khác ngoài dân tộc". 

Một công trình nghiên cứu lớn, một cuộc hội thảo về nhạc sĩ Lê Thương, theo ông Nguyễn Thụy Kha là rất cần thiết tổ chức, có thể nhân 110 năm ngày sinh của nhạc sĩ vào năm 2024 tới đây. Bởi lẽ: "Có những người rất lâu người ta mới nhận ra, Lê Thương là trường hợp như vậy. Dần dần vị trí của Lê Thương sẽ sáng dần ra. Khi con người ta biết đau đớn, biết giá trị của sự mất mát, không ồn ào, thì mới biết giá trị rất lớn của Hòn vọng phu"...

"Ai cũng biết rằng hình ảnh người đàn bà chờ chồng hóa đá biểu hiện sự đau thương vì chiến tranh liên miên... Không có gì đẹp hơn bằng cách chuyển cuộc ra đi của người chồng vì mối tình ngang trái thành cuộc ra đi vì đại nghĩa, và hình ảnh người đàn bà cũng trở nên hợp hơn, đúng hơn với người chinh phụ! Người đàn bà luôn chịu thiệt thòi. Cần phải trả lại cho họ cái chức phận thiêng liêng, cao quý.

Người vợ ở đây hóa đá để đợi chồng, chứ không phải tự nhiên. Đó cũng là hình ảnh "chứng quả tình thâm": tình vợ chồng chưa toại lòng nhau đã cách biệt, tình cha con chưa tròn ôm ấp đã chia li, tình đồng loại chưa sum vầy đã xa cách" - nhạc sĩ LÊ THƯƠNG (Phan Hoàng, sách Phỏng vấn người Sài Gòn, NXB Trẻ 1998)

Theo dấu Trường ca Hòn vọng phu - Kỳ 6: Trường ca bất tử Theo dấu Trường ca Hòn vọng phu - Kỳ 6: Trường ca bất tử

TTO - Hòn vọng phu được xem là tuyệt tác của nền tân nhạc Việt Nam, đến nay vẫn mang tính đương đại và sẽ còn vang vọng mãi mai sau...

THÁI LỘC - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên