26/04/2014 02:59 GMT+7

Theo chồng ra đảo

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Rời quê hương, bỏ ngang công việc chốn phồn hoa đô thị, họ lặng lẽ theo chồng đến nơi chỉ có sóng biển và ánh sao trời làm bạn. Tình yêu, sự hi sinh của họ như dòng nước ngọt mát lành giữa đảo khơi khô cằn, mặn mòi nắng gió.

L9lmGYUe.jpgPhóng to
Gia đình nhỏ của thiếu úy Đào Minh Thắng trên đảo Hòn Khoai (Cà Mau) - Ảnh: T.T.D.

Họ là vợ những người lính đảo đang ngày đêm canh giữ biển trời phía Tây Nam Tổ quốc.

Đoàn tụ

Hai năm nay, đảo Hòn Khoai (thuộc tỉnh Cà Mau) có thêm một gia đình. Tàu ghe cập vào Hòn Khoai đều nhìn thấy trước tiên căn nhà tạm rộng rãi dưới bóng cây sát cầu cảng. Đó là mái ấm của thiếu úy Đào Minh Thắng (công tác tại trạm rađa 610 Hòn Khoai) và vợ là chị Lê Thị Thủy (26 tuổi). Trước khi ra đảo, chị Thủy từng thấm thía nỗi khổ xa chồng. Sau khi cưới, chị làm việc tại một công ty ở Đồng Nai, còn anh lên đường ra đảo tiếp tục nhiệm vụ của mình. Làm lụng cực nhọc cho quên đi nỗi nhớ thương chồng, người vợ trẻ đổ bệnh, đau yếu triền miên, đứa con đang thành hình trong bụng cũng không giữ được.

“Không được ở gần nhau, mọi công việc đều phải tự lo toan, dù vẫn gắng đảm đương nhưng làm sao tránh được những lúc yếu đuối, thấy mình thiếu đi một điểm tựa. Xảy ra chuyện đau lòng như vậy, anh động viên mình thu xếp ra đây ở cùng anh, có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều, miễn sao được ở gần để đỡ đần nhau. Được các anh các chú chỉ huy tạo điều kiện, mình xin phép hai bên gia đình ra đảo ở. Vậy mà cũng được hai năm rồi” - chị Thủy kể. Rồi con gái Khánh Chi ra đời ngay trên đảo. Vốn tính hay làm, chị Thủy mua thêm bàn ghế, ít cà phê, nước ngọt, vừa trông con vừa bán hàng. Đảo không có dân ở. Khách của chị là những đồng chí cùng đơn vị của chồng xuống chơi với “mẹ con Khánh Chi” và những đoàn khách, ghe cá cập vào Hòn Khoai theo mùa. Có thêm tiếng nói cười của phụ nữ và trẻ con, hòn đảo chừng như vui hơn, đỡ đi phần quạnh vắng.

"Dù anh đã gửi trước cho một tấm hình nhưng mình vẫn ngỡ ngàng bối rối khi thấy anh gầy, người nhỏ xíu trong bộ quân phục rộng thùng thình. May sao khuôn mặt lại trong sáng, hiền lành đúng kiểu bộ đội. Gặp nhau thêm ba lần nữa thì cưới. Ngày làm lễ nạp tài, suýt nữa anh còn chẳng về kịp. Thế mà vẫn thương. Giờ anh đi tới đâu là mình sẽ theo tới đó"

Lê Thị Phương (vợ của thượng úy Hoàng Văn Thành)

Xã đảo An Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang) mấy tháng nay vừa thêm sự có mặt của người phụ nữ trẻ Lê Thị Phương (26 tuổi), vợ của thượng úy Hoàng Văn Thành, chính trị viên trạm rađa 600 đóng trên đỉnh cao nhất đảo. Cưới nhau được hai ngày, anh Thành quay về đơn vị. Chị Phương khăn gói vào thăm, đúng dịp xã An Sơn tổ chức cuộc thi chạy bộ từ chân dốc lên tới trạm rađa. Quãng đường dài hơn 3km, dốc thoải. Và hôm đó cả xã đảo xôn xao không tin nổi một cô gái mới ra đảo mấy ngày đã đoạt chức vô địch. Số là chị Phương vừa tốt nghiệp trường sư phạm thể dục thể thao, quãng đường ấy với chị không phải là vấn đề gì lớn lắm. “Lên tới đỉnh dốc ngoái lại nhìn chẳng thấy ai. Mọi người chọc: thế là em đủ tiêu chuẩn sống ở đây luôn rồi nhé” - chị Phương cười. Trong lúc chờ một công việc ở đảo, chị Phương được tạo điều kiện ở chung với chồng, ngày ngày phụ giúp đơn vị những việc nhỏ. Chị hiền lành, môn thể thao nào cũng chơi giỏi nên mọi người rất mến. Còn anh chàng chính trị viên 28 tuổi thì khỏi nói là vui mừng đến thế nào, cười: “Chỉ cần vợ có mặt ở đây đã là sự động viên lớn nhất rồi”.

“Gái có công, chồng chẳng phụ...”

Anh Thành là con một, cưới vợ hai ngày thì quay về đơn vị. Chị Phương cũng muốn theo chồng đi ngay, nhưng lại nghĩ mình phận dâu con nên ở nhà chăm sóc cha mẹ cho chồng yên tâm công tác. Nhưng rồi ông bà thấy vợ chồng mới cưới đã biền biệt, mình thời chiến đã đành, giờ đến đời con sao để chúng xa nhau tội nghiệp. Thế là họ tìm mọi cách động viên chị vào Nam, ra đảo với anh Thành: “Thôi thì xa cha mẹ nhưng gần chồng, ráng mà lo cho nhau”.

Câu chuyện tình yêu của anh Thành - chị Phương đã thành giai thoại. Họ quen nhau, ngỏ lời yêu nhau, đồng ý lấy nhau qua... tin nhắn điện thoại. Mất một năm nhắn tin làm quen, ngỏ lời yêu tám tháng sau nữa mới được gặp mặt. Chị Phương vẫn nhớ đó là một ngày trời mưa tầm tã, anh gọi chị ra bến xe đón: “Dù anh đã gửi trước cho một tấm hình nhưng mình vẫn ngỡ ngàng bối rối khi thấy anh gầy, người nhỏ xíu trong bộ quân phục rộng thùng thình. May sao khuôn mặt lại trong sáng, hiền lành đúng kiểu bộ đội. Gặp nhau thêm ba lần nữa thì cưới. Ngày làm lễ nạp tài, suýt nữa anh còn chẳng về kịp. Thế mà vẫn thương. Giờ anh đi tới đâu là mình sẽ theo tới đó”. Chị tin rằng để yêu và lấy một người lính chắc hẳn phải là một mối nhân duyên cộng với niềm tin mãnh liệt không bao giờ nguội tắt.

Còn chị Thủy giữa đảo vắng vẫn hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Chị vẫn nhớ đất liền, nhớ cái ồn ào phố thị nơi chị từng qua, từng sống. Nhưng nỗi nhớ ấy có là gì so với niềm hạnh phúc được bên chồng. Chị hay pha trò, nói chuyện rất vui: “Ở đảo chẳng có cô nào nên khỏi phải ghen tuông cho mệt. Vợ chồng cũng chẳng cãi nhau bao giờ. Anh chỉ cần nhìn mặt vợ là biết vợ đang vui hay giận, là tự biết phải làm gì rồi. Chồng thương, chồng chiều như vậy chắc chỉ có chồng bộ đội”.

Một điều nữa, bé Khánh Chi của chị từ nhỏ sống ở đảo không khí trong lành, “trộm vía chẳng đau ốm bao giờ”, lại rất ngoan và nhanh nhẹn. Chị nói đó là món quà lớn nhất mà anh Thắng và cuộc đời dành riêng cho chị.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên