Theo chân những người xịt thuốc khử khuẩn phòng chống virus corona - Video: KHÁNH TRẦN
Vác chiếc máy phun thuốc trên vai, anh Nguyễn Thế Phương (27 tuổi, cán bộ Trung tâm y tế dự phòng huyện Thới Bình, Cà Mau) cho biết động lực để anh và cả đội hoàn thành tốt nhiệm vụ là để bảo vệ sức khỏe của mọi người.
Theo anh Phương, trọng lượng của chiếc máy không là cái làm khó người phun thuốc.
Khi máy chạy, độ rung của chiếc máy tạo nên một áp lực đè xuống vai. Thuốc từ trong bình phun ra ngoài tạo nên một lực đẩy ngược trở lại tay, vì thế điều khiển máy phun đúng hướng là chuyện không hề dễ.
"Làm nhiều nên quen, chứ lần đầu phun ê ẩm hết cả người, về nhà ăn cơm còn không vô", anh Phương vui vẻ nói.
Dịch viêm phổi cấp bùng phát với tốc độ nhanh, học sinh, sinh viên được nghỉ học một tuần để tránh dịch, đây là lúc đội phun thuốc hành động - Ảnh: KHÁNH TRẦN
Chiếc áo bên trong ướt đẫm mồ hôi do mặc đồ bảo hộ bên ngoài, vác máy nặng, di chuyển liên tục, làm việc với tần suất cao dưới trời nắng, anh Nguyễn Anh Diệp, cán bộ Trung tâm y tế dự phòng, cho biết oại thuốc diệt khuẩn này là Cloramin B.
Thường 300g Cloramin B pha với 20 lít nước, nhưng còn tùy nồng độ muốn sử dụng sẽ có công thức pha chế thuốc khác nhau.
"Với 10 lít nước chúng tôi pha khoảng 2 chén thuốc, phun được khoảng 100m2. Thuốc này có mùi hôi rất khó chịu, làm khô họng người hít phải. Vì vậy dù có đồ bảo hộ nhưng vẫn bị ảnh hưởng, khô hết cả họng", anh Diệp nói.
Vào môi trường này, "các dũng sĩ diệt khuẩn" cũng không thể thở tự nhiên, chỉ hít một nhịp rất ngắn rồi thở chậm ra. Chưa kể chiếc khẩu trang ướt mồ hôi càng làm cản trở quá trình hô hấp.
Vừa phun xong một bình thuốc, chai nước suối còn uống dở, nhóm liền pha thêm bình mới, lập tức tiếp tục công việc để tranh thủ thời gian phun thuốc khử khuẩn ở các điểm tiếp theo.
Đội phun được trang bị đồ bảo hộ trước khi bắt đầu công việc. Quần, áo, nón bảo hộ làm bằng chất liệu bông, rất nhẹ và chống hơi nước - Ảnh: KHÁNH TRẦN
Mỗi bình có dung tích 12 lít, nhưng nếu bơm đầy khi đưa lên vai, máy chạy nước bị chảy ra ngoài làm ướt lưng người phun, vì vậy mỗi bình chỉ pha 10 lít nước với 2 chén thuốc - Ảnh: KHÁNH TRẦN
Cloramin B là loại thuốc được ưu tiên hàng đầu trong việc diệt khuẩn. Khi sử dụng loại thuốc này phải đeo găng tay bảo hộ, tránh tiếp xúc trực tiếp với da - Ảnh: KHÁNH TRẦN
San sẻ thuốc cho nhau để bảo đảm đủ thuốc cho những phòng học cuối cùng - Ảnh: KHÁNH TRẦN
Đội phun thuốc chỉ nghỉ tay trong khoảng thời gian ngắn, là lúc máy hết thuốc, chờ châm bình thuốc mới lại tiếp tục công việc - Ảnh: KHÁNH TRẦN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận