Trường hợp lần này là cụ ông Cao Hữu Châu (87 tuổi), sau khi nhận được điện thoại của người nhà bệnh nhân, bác sĩ Luân Thanh Trường - trạm trưởng Trạm y tế xã Thạnh An, Cần Giờ - nhanh chóng quyết định chuyển bệnh nhân vào thẳng đất liền vì trường hợp này nằm ngoài khả năng điều trị của trạm y tế.
Những ‘hiệp sĩ’ cấp cứu trên xã đảo Thạnh An
Nỗi lo vượt biển đi cấp cứu
Khi nghe tin ông Châu khó thở, ngay lập tức con cháu đã có mặt đầy đủ để chăm sóc ông. Người thì nắn tay chân, người thì gọi bác sĩ, người khác lại chuẩn bị hành lý đưa ông vào đất liền nhập viện.
"Đây không phải lần đầu ông ấy nhập viện, mỗi lần như vậy gia đình tôi lo lắm. Lo nhất là ông đã lớn tuổi, không tự đi đứng được mà quãng đường để đến được Trung tâm y tế huyện lại vô cùng gian nan.
Hôm may mắn thì gặp thời tiết thuận lợi, hôm xui rủi thì trời mưa dông gió bão, mỗi lần như vậy chỉ biết cầu trời khấn Phật cho cả gia đình đưa ông ấy vào bờ an toàn.
Nếu không có y bác sĩ ở đây tận tình cộng thêm bà con ai cũng nhiệt tình giúp đỡ thì hành trình này sẽ càng khó khăn gấp bội", bà Võ Thị Đẹp, vợ ông Châu, chia sẻ.
17h, một chiếc xe điện được điều động đến tận nhà bệnh nhân, đi theo là bác sĩ trẻ Nguyễn Trọng Duy. Duy là bác sĩ trẻ từ trung tâm thành phố ra công tác tại xã đảo 3 tháng. Anh sẽ đảm nhiệm việc chăm sóc cụ ông trong suốt hành trình từ xã đảo vào đất liền.
Anh Cao Hữu Tuấn cùng cha mình đợi xe đến đưa ra bến đò, trong lúc này ông Châu đã được truyền một chai nước biển
Mong bớt gian truân
Trước kia bệnh nhân được chuyển viện bằng chiếc ghe gỗ, nhưng vài năm trở lại đây đã được "nâng cấp" lên thành ca nô do UBND xã trang bị.
Hiện nay, đây là phương tiện cấp cứu duy nhất của cả đảo. Đoạn đường để bệnh nhân lên được ca nô cũng lắm gian truân, tài xế xe điện phải luồn lách trên những con hẻm nhỏ đưa bệnh nhân ra bến đò.
Trước đó nhiều bệnh nhân được vận chuyển bằng xe ba gác và di chuyển bằng ghe gỗ vào đất liền (ảnh chụp tháng 4-2023)
Tại đây rất nhiều tài xế xe ôm và người dân đã chờ sẵn để phụ giúp khiêng bệnh nhân xuống. Cụ ông nằm bất động trên cáng, nếu không may sẩy tay sẽ không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra.
Từng chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân ra đi mãi mãi vì mất đi thời gian vàng điều trị, bác sĩ Luân Thanh Trường hiểu được tầm quan trọng của phương tiện cấp cứu:
"Nếu có một phương tiện với trang thiết bị hiện đại hơn, an toàn hơn thì sẽ có rất nhiều người dân trên xã đảo của chúng tôi có cơ hội được cứu sống kịp thời.
Trong y tế thời gian vàng rất quan trọng, khoảnh khắc này mà qua đi là sự sống của bệnh nhân cũng vụt tắt theo", bác sĩ Trường chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận