Bà Hương, 45 tuổi, bật khóc khi được bác sĩ khám tận nhà
Khi thấy bệnh nhân báo bác sĩ ơi em khỏe rồi, đỡ rồi, hoặc nhận tin nhắn cảm ơn thì bao mệt mỏi tan biến hết.
Bác sĩ ĐÀO DUY HIẾU
Trạm y tế lưu động phường 4 (quận 3) được trưng dụng từ một trường mẫu giáo. Trạm có 4 bác sĩ, 4 điều dưỡng, 1 y sĩ tình nguyện cùng 2 bác sĩ và 2 sinh viên Học viện Quân y hỗ trợ. Đây là 1 trong 400 trạm được thành lập tại TP.HCM để cứu giúp các F0 tại nhà và đưa vào bệnh viện khi cần thiết.
Gõ cửa khám bệnh từng nhà
Chiều một ngày Sài Gòn lất phất mưa, chúng tôi theo chân nhóm bác sĩ Nguyễn Đình Phương đến khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho các F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Đi cùng bác sĩ Phương còn có một bác sĩ và sinh viên năm thứ 5 Học viện Quân y cùng hai tình nguyện viên khác.
"Chúng tôi đi khám trước một lượt để phân loại bệnh nhân nhẹ đến trung bình, hướng dẫn cách sử dụng thuốc và theo dõi tại nhà. Phường lập nhóm chat Zalo để khám và điều trị, qua đó ai thắc mắc gì nhắn vào sẽ có bác sĩ giải đáp" - bác sĩ Phương cho biết.
Đi xe máy luồn vào các con hẻm trong cư xá Đô Thành, cầm danh sách trên tay, bác sĩ Phương gõ cửa từng hộ. Vừa đo thân nhiệt và chỉ số SPO2, anh hỏi bà Dung (61 tuổi, ngụ đường số 7) cảm thấy trong người thế nào?
Bà Dung cho biết mình bị nhiễm hôm 7-8. Bà chỉ bị ho và mệt, không sốt và tự cách ly trong phòng ở tầng hai, kế bên là phòng con gái bà cũng bị nhiễm nhưng không triệu chứng. Hai mẹ con đã khỏe nhưng chưa test lại. Kiểm tra thấy sức khỏe bà Dung ổn, bác sĩ Phương dặn dò bà vài thứ rồi nhờ con gái bà cho số điện thoại để thêm vào group Zalo phường.
Đến đường số 5, trước con hẻm nhỏ bị rào kẽm gai chắn phía trước, tình nguyện viên dẫn đường đi cùng phải tháo dây kẽm ra mọi người mới vào được. Người phụ nữ tên Hương, 45 tuổi, xúc động bật khóc khi được nhân viên y tế khám bệnh.
Bà Hương cho biết mình được đội y tế phường đến test và phát hiện nhiễm COVID-19 hai ngày trước mà không biết nguồn lây từ đâu, dù chỉ bị ho nhưng sợ sẽ trở nặng khiến bà nức nở.
Sau khi hỏi bà các triệu chứng, loại thuốc bà đang dùng, ăn uống có thấy lạt miệng hay có bệnh nền gì không, cùng với các chỉ số của bà bình thường, bác sĩ Phương khuyên bà không nên lo lắng mà chỉ cần ăn uống đầy đủ, tập thể dục và dùng thuốc theo lời bác sĩ.
Bác sĩ Hiếu (phải) vừa kiểm tra bình oxy, vừa điện thoại hướng dẫn F0 điều trị tại nhà
"Chờ mẹ về nhé!"
Trong một buổi chiều, nhóm bác sĩ Phương đã khám cho 8 hộ ở phường 4, đa số là bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng.
Bác sĩ Đình Phương công tác tại trạm y tế phường 4. Trước đó, anh cũng là F0 không triệu chứng, bị nhiễm bệnh trong lúc tham gia cấp cứu. Sau khi cách ly tại nhà 10 ngày và khỏi bệnh, tối 23-8 anh nhận nhiệm vụ phụ trách chính tại trạm.
Ở nhóm còn lại của trạm, bác sĩ Vũ Thị Mai Hoa - bác sĩ CKI Học viện Quân y - cho hay chiều hôm đó chị cũng đã thăm khám cho 30 ca F0.
"Có một khu phố đấy cả mấy nhà bị nhiễm, trong đó một nhà có tới 7/11 người nhiễm rồi, 2 người nặng nhất đã đưa đi viện, chỉ còn 5 người tự cách ly tại nhà. Còn hai ca nặng hơn ở cùng một nhà, hai bác tự mua máy tạo oxy thở" - bác sĩ Hoa nói về ngày đầu tiên làm nhiệm vụ tại TP.HCM của chị.
Bác sĩ Mai Hoa là một trong số hàng nghìn nhân lực của Học viện Quân y từ Hà Nội vào hỗ trợ chống dịch cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tới TP.HCM vào chiều 23-8, chị và một bác sĩ khác cùng hai sinh viên năm thứ 5 của học viện được phân công đến trạm y tế lưu động phường 4 (quận 3).
"Có lệnh đi hỗ trợ miền Nam cách đây một tháng rồi nên tôi cũng không bất ngờ và hào hứng vì được điều đi chống dịch, hỗ trợ bà con. Chúng tôi được phân công nhưng hầu hết là tham gia tự nguyện, chỉ một số ít bác sĩ đang mang thai hoặc có con nhỏ dưới 1 tuổi thì được ưu tiên ở lại" - bác sĩ Hoa cho biết.
Được sự ủng hộ của gia đình, trước khi lên đường, chị Hoa gửi hai con nhỏ cho ông bà chăm sóc vì chồng chị phải đi làm cả ngày.
"Con còn bé nên không hiểu mẹ đi đâu, chỉ biết mẹ phải đi làm xa. Lúc đi thì con nắm tay hỏi mẹ đi khi nào về, tôi bảo lâu lắm và dặn hai con ở nhà phải ngoan, chờ mẹ về nhé" - bác sĩ 32 tuổi xúc động kể.
Trước khi vào Nam, chị có xem báo đài và các đồng nghiệp vào đây trước cũng nói tình hình trong đây rất căng thẳng. Chị chia sẻ: "Khi vào TP.HCM và ngày đầu khám bệnh cho các bệnh nhân COVID-19 tại đây thì mới cảm nhận rõ.
Chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào vì mình thường tiếp xúc với người nhiễm. Chủng Delta này không cần tiếp xúc trực tiếp với nhau mà chỉ cần qua không khí cũng đủ lây bệnh. Vì thế phải tự bảo vệ mình, không nhiễm thì tốt, còn nhiễm thì cũng chịu thôi".
Bác sĩ chỉ có mặt, bà con đã yên tâm
Với bác sĩ Hoa, là người của quân đội, lại còn trong ngành y, thì đây là nhiệm vụ thiêng liêng.
"Chúng tôi xác định đi là sẽ đi lâu, nhưng nếu TP.HCM xong sớm thì mình có thể tăng cường cho nơi khác cũng đang căng thẳng chẳng hạn Bình Dương. Phục vụ cho đất nước thì không có gì phải đắn đo, suy nghĩ hết. Nhiều đồng nghiệp của mình đã vào Nam mấy tháng nay còn vất vả hơn nhiều.
Biết là cực, khó khăn, nguy hiểm, nhất là chuyến đi xa nhà đối với bác sĩ nữ, nhưng chúng tôi vẫn sẵn lòng cùng bà con miền Nam chiến đấu, đẩy lùi dịch bệnh" - nữ bác sĩ tâm sự. Và đó cũng là động lực chiến đấu với "giặc" COVID-19 của bác sĩ Đào Duy Hiếu - bác sĩ CKII của Học viện Quân y.
Chiều 21-8, bác sĩ Hiếu đến TP.HCM cùng 2 sinh viên nhận nhiệm vụ tại trạm y tế lưu động phường 12, quận Tân Bình. Từ hôm đó đến nay, anh liên tục bận rộn với các cuộc gọi từ sáng sớm đến giữa đêm để tư vấn, hướng dẫn cách điều trị, cấp cứu tại nhà cho các trường hợp khẩn cấp.
"Làm cả ngày, đúng lúc bê cơm lên chưa kịp ăn thì bệnh nhân gọi phải đi. Thậm chí đi tắm cũng không dám rời điện thoại, trả lời tin nhắn mà run hết đầu ngón tay. Mình không có khái niệm thời gian nữa, chỉ biết sẵn sàng nhận việc và làm bất kể ngày đêm.
Tôi hiểu được cảm giác của bệnh nhân, khi đến nhà khám bệnh mới thấy sự cô đơn, lo lắng của họ. Không vào từng con hẻm, lên chỗ họ nằm thì không biết người ta cần mình thế nào. Có trường hợp tới động viên thôi họ đã an tâm, vui hơn chứ chưa phải làm gì.
Với tôi, đến khám và bóc từng viên thuốc cho F0 là trải nghiệm để đời của một bác sĩ" - bác sĩ Hiếu nói và cho biết dù làm ở địa bàn này nhưng nếu bất cứ bệnh nhân nơi nào cần cũng sẽ giúp hết mình.
Theo anh, bác sĩ tư vấn qua điện thoại và tới tận nhà khám bệnh rất quan trọng vì giúp người bệnh an tâm điều trị và giảm tải áp lực cho các bệnh viện, giảm ca tử vong.
Bác sĩ Phương khám bệnh nhà 4 người có 3 người nhiễm, 2 người đã đi cách ly, còn cháu bé không nhiễm nên mẹ (trái) ở lại chăm con - Ảnh: DIỆU QUÍ
Bác sĩ Đình Phương cho biết phường 4 có 123 ca F0 cách ly, điều trị tại nhà (tính đến ngày 29-8).
Tại trạm có trang bị khu hỗ trợ F0 được chia làm 2 phòng với 15 giường, 6 máy tạo oxy, 7 bình oxy lớn nhỏ. Một phòng chứa những ca dương tính nhẹ, phòng còn lại là nơi chờ kết quả test PCR sau khi người bệnh đã khỏe và test nhanh âm tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận