Người phát ngôn Lực lượng tuần duyên Philippines, chuẩn đô đốc Armando Balilo cho biết tàu chở dầu MTKR Jason Bradley bị chìm ngoài khơi thị trấn Mariveles thuộc tỉnh Bataan vào khoảng 17h chiều 27-7 theo giờ địa phương. Sự việc chỉ được công bố hôm nay 28-7.
Nhà chức trách đã điều ba tàu tuần duyên và thả các phao để khoanh vùng, ngăn không cho dầu lan ra. Một sĩ quan tuần duyên Philippines cho biết thời điểm bị chìm, ngoài dầu dùng để chạy động cơ, trên tàu MTKR Jason Bradley không chở theo lô dầu nào khác.
Lại chìm tàu chở dầu ở ngoài khơi Philippines
Tuy nhiên, người ta vẫn chưa biết chính xác lượng dầu trên tàu MTKR Jason Bradley. Các đội lặn của tuần duyên Philippines đã đến địa điểm chiếc tàu chìm ngày 28-7 để có thêm thông tin.
Con tàu bị chìm ở độ sâu khoảng 9m, cách bờ gần 550m, theo truyền thông Philippines. Việc trục vớt có thể mất từ một đến hai tuần.
Đây là tàu chở dầu thứ hai chìm ngoài khơi Philippines chỉ trong vài ngày qua. Hôm 25-7, tàu chở dầu MT Terranova mang theo 1,4 triệu lít dầu cũng bị chìm ngoài khơi tỉnh Bataan hướng ra Biển Đông.
Sự việc đã làm dấy lên lo ngại về một thảm họa môi trường nếu số dầu trên bị rò rỉ, buộc nhà chức trách đặt ưu tiên hàng đầu là hút dầu từ tàu càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên trong thông báo ngày 28-7, tuần duyên Philippines cho biết việc hút dầu sẽ phải lùi lại để thợ lặn có thể bịt kín các van bị rò rỉ trước, ngăn dầu tiếp tục tràn ra bên ngoài. Sớm nhất phải đến ngày 30-7 việc hút dầu mới có thể được tiến hành.
"Thời tiết trên biển vẫn còn xấu, nhưng chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành việc bịt kín các van vào ngày 29-7", chuẩn đô đốc Balilo nói thêm.
Số dầu rò rỉ từ tàu MT Terranova trước đó hiện đã tràn đến bờ biển thành phố Hagonoy, cách Manila khoảng 40km về phía tây bắc. Các đội dọn dẹp môi trường của tuần duyên đã được triển khai đến khu vực này ngày 28-7 để giảm thiểu ảnh hưởng.
Lực lượng này cũng kêu gọi người dân ngừng đánh bắt cá ở vịnh Manila để ngăn chặn việc ăn phải cá bị ô nhiễm, theo truyền thông Philippines.
Thông tin ban đầu cho biết cả hai vụ chìm tàu chở dầu nói trên đều do thời tiết xấu vì bão Gaemi và gió mùa.
Trong quá khứ, Philippines đã phải vật lộn để ngăn chặn các vụ tràn dầu nghiêm trọng.
Năm ngoái, phải mất nhiều tháng nước này mới dọn dẹp xong hậu quả khi một tàu chở 800.000 lít dầu nhiên liệu công nghiệp bị chìm ngoài khơi đảo Mindoro. Vụ việc làm ô nhiễm vùng biển hòn đảo này, gây thiệt hại lớn cho ngành đánh bắt cá và du lịch.
Một tàu chở dầu khác cũng bị chìm ngoài khơi đảo Guimaras ở miền trung vào năm 2006, làm tràn hàng chục ngàn lít dầu, phá hủy một khu bảo tồn biển, ngư trường và bờ biển địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận