Bà Trần Tố Nga với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM - Ảnh: Tự Trung |
Cuộc trò chuyện diễn ra ngay khi hai luật sư vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, sau chuyến bay dài từ Paris (Pháp) đến TP.HCM, để tham gia tuần hành cùng các nạn nhân chất độc da cam.
Tăng tính tấn công
* Hai luật sư có thể thông tin cho bạn đọc Tuổi Trẻ biết về diễn tiến vụ kiện da cam của bà Trần Tố Nga cho đến hôm nay?
- LS Bertrand Repolt: Phiên đầu tiên vào tháng 4-2015 chỉ là phiên thủ tục. Phiên điều trần thứ hai diễn ra ngày 18-6 có 5/19 công ty phía bị đơn đã gửi một số văn bản bắt bẻ phía nguyên đơn là chưa đủ chứng cứ.
Chúng tôi cho rằng đây là thủ thuật kéo dài thời gian và chưa công ty hóa chất nào đề cập đến việc nhận hay từ chối trách nhiệm của họ với các nạn nhân chất độc da cam.
Chứng cứ chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ, nhưng sẽ đưa ra lần lượt theo trình tự diễn tiến. Chúng tôi đang chờ đợi đến phiên điều trần kế tiếp vào ngày 15-8.
* Được biết trong phiên điều trần thứ hai, luật sư đã một mình đối diện với 19 luật sư đại diện cho phía bị đơn. Điều đó có gây áp lực cho một luật sư trẻ như ông không? Thái độ của các luật sư bị đơn ra sao?
- LS Bertrand Repolt: Vâng, tôi đến dự một mình và cuộc họp giữa tôi và các luật sư phía bị đơn cũng là một cuộc trao đổi nghề nghiệp thân mật, không có gì căng thẳng, áp lực.
Chúng tôi làm việc theo luật pháp và ở đó còn có chủ tọa. Việc của luật sư là trình bày chứng cứ để thuyết phục chánh án, nên số lượng luật sư hai bên dù có không cân bằng nhưng cũng không quan trọng.
Văn phòng luật sư Bourdon & Forestier đã chuẩn bị đầy đủ “vũ khí và phương tiện” để chúng tôi làm việc mà không phải băn khoăn gì trước các luật sư rất nổi tiếng khác.
* Luật sư có thể nói rõ hơn về “vũ khí và phương tiện” ấy không, trong hoàn cảnh các vụ kiện tương tự của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã bị tòa án Mỹ bác bỏ trước đó?
- LS Amélie Lefebvre: Đó là luật pháp Pháp luôn bảo vệ sự công bằng và nhân quyền. Là công lý thuộc về các nạn nhân chất độc da cam mà cả thế giới thừa nhận.
Là những nạn nhân thừa can đảm và nỗ lực như bà Trần Tố Nga và những người khác mà tôi đã gặp và sắp được gặp trong chuyến đi này.
Là kinh nghiệm 30 năm tranh tụng quốc tế trong các vụ rất phức tạp của luật sư William Bourdon và văn phòng Bourdon & Forestier mà chúng tôi được thụ hưởng và rèn luyện. Và cuối cùng là sự ủng hộ không thể nghi ngờ của dư luận với vụ kiện của chúng tôi.
Chúng tôi đã chuẩn bị các chứng cứ, lập luận để phản biện, tăng tính tấn công trong các phiên tranh tụng sắp tới.
Chúng tôi biết và đã tìm hiểu các vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ở Mỹ ngay từ những ngày đầu tiên và không lo lắng hay bị ảnh hưởng gì vì mỗi vụ kiện phụ thuộc vào luật pháp của nước sở tại và hoàn cảnh người đi kiện.
Là công dân Pháp, bà Nga được luật pháp Pháp bảo vệ.
* Với kinh nghiệm tranh tụng quốc tế của văn phòng Bourdon & Forestier, các luật sư có dự đoán được vụ kiện này sẽ kéo dài bao lâu không?
- LS Bertrand Repolt: Từ giờ đến tháng 10, các công ty hóa chất sẽ lần lượt gửi các bản kết luận của họ về đơn khởi kiện của bà Trần Tố Nga, văn phòng chúng tôi dự tính sẽ phải mất khoảng sáu tháng để trả lời, phản biện cho từng công ty. Tôi cho rằng có lẽ đến cuối năm 2016 mới có thể diễn ra phiên tranh tụng.
LS Amélie Lefebvre - Ảnh: P.Vũ |
Thắng lợi lớn nhất không phải là tiền bạc mà là việc các công ty hóa chất thừa nhận sai lầm, chịu đứng ra sửa chữa những sai lầm ấy đã gây ra ở Việt Nam |
LS AMÉLIE LEFEBVRE |
“Chúng ta đang đi tới”
* Văn phòng luật sư Bourdon & Forestier có tự tin về khả năng thắng lợi của vụ kiện?
- LS Amélie Lefebvre: Đương nhiên chúng tôi tự tin. Cũng đương nhiên chúng tôi có nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi, nản chí khi quá trình chuẩn bị hồ sơ gặp những rắc rối về pháp lý và bị kéo dài ra tới năm năm (hồ sơ đã phải dừng lại một thời gian dài khi luật pháp Pháp thay đổi, không cho phép tranh tụng quốc tế - PV); thông tin, tư liệu nằm ở khắp nơi và tại những khoảng thời gian cách xa nhau, liên quan đến lịch sử và con người...
Nhưng những mệt mỏi ấy đã qua đi rất nhanh. Có một câu mà LS William Bourdon, tôi, Bertrand Repolt và ông Andre Bouny thường nhắc đi nhắc lại khi được hỏi về vụ kiện này: “Chúng ta đang đi tới”.
- LS Bertrand Repolt: Chúng tôi không đặt ra, cũng không nghi ngờ điều đó. Vấn đề đòi lại công lý, công bằng cho nạn nhân chất độc da cam đã và đang được đặt ra khắp thế giới và chúng tôi đang có một nạn nhân của chất độc da cam hội đủ điều kiện để khởi kiện.
Mỗi một diễn tiến là một thắng lợi: 19 công ty hóa chất, trong đó có hai công ty lớn nhất thế giới Monsanto và Dow Chemical, cử luật sư tham gia là một thắng lợi; họ lợi dụng thủ thuật để đối phó cũng là một thắng lợi; dư luận quốc tế và Việt Nam quan tâm cũng là một thắng lợi... và lòng tin của chúng tôi ngày càng được củng cố.
Chúng tôi cam kết sẽ theo đuổi tới cùng bất kể thời gian là bao lâu và quyết tâm của chúng tôi sẽ được giữ nguyên như ngày đầu.
* Các nạn nhân da cam khác ở Việt Nam sẽ có cơ hội gì khi bà Trần Tố Nga thắng kiện?
- LS Amélie Lefebvre: Kể cả với bà Trần Tố Nga và chúng tôi, thắng lợi lớn nhất không phải là tiền bạc mà là việc các công ty hóa chất thừa nhận sai lầm, thừa nhận tác hại của những sản phẩm của họ và chịu đứng ra sửa chữa những thảm họa mà sai lầm ấy, sản phẩm ấy đã gây ra ở Việt Nam. Việc đó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
* Sự ủng hộ của dư luận có ý nghĩa thế nào với vụ kiện và các luật sư mong muốn người Việt Nam hỗ trợ mình như thế nào với vụ kiện này?
- LS Bertrand Repolt: Sự ủng hộ của mọi người nhắc cho chúng tôi biết vụ kiện này là một thách thức lịch sử và trách nhiệm của chúng tôi là phải vượt qua khó khăn để giành lại công lý.
Mỗi lần được đến Việt Nam (đây là lần thứ hai LS Bertrand Repolt đến Việt Nam - PV), được gặp các nạn nhân chất độc da cam, tôi càng hiểu rõ sự thật và có những lập luận xác thực, sắc bén hơn để tham gia tranh tụng.
Chứng kiến nỗ lực của những nạn nhân da cam trong cuộc sống, tôi càng thấy mình nhỏ bé và như được họ tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục đi tới trong vụ kiện. Nếu được hỗ trợ, tôi mong được tạo điều kiện thực hiện những chuyến đi như thế này, nó rất hữu ích cho công việc của luật sư.
- LS Amélie Lefebvre: Những câu chuyện lịch sử và con người là nhân chứng lịch sử mà tôi biết được trong quá trình tham gia vụ kiện này khiến tôi rất xúc động, tiếp thêm cho tôi nghị lực để vượt qua những khó khăn.
Những món quà nho nhỏ từ Việt Nam, đôi khi được làm từ chính bàn tay các nạn nhân da cam mà bà Trần Tố Nga gửi cho chúng tôi luôn được đặt trong văn phòng càng khiến chúng tôi không thể quên những gửi gắm và chờ đợi của họ.
Năm năm qua, các luật sư trong văn phòng chúng tôi không nhận thù lao của vụ kiện, nhưng cũng không có vụ kiện nào lại không tốn tiền.
Tranh tụng quốc tế nên chi phí dịch thuật tài liệu, gửi hồ sơ là không nhỏ và vừa rồi chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ để chi trả các chi phí ban đầu của vụ kiện.
Vì vậy, bên cạnh sự ủng hộ tinh thần luôn luôn rất lớn từ Việt Nam và bạn bè quốc tế, chúng tôi cũng sẵn sàng nhận sự ủng hộ về vật chất và cam kết tất cả sẽ được sử dụng để giành lại công lý cho nạn nhân da cam. Phần thưởng dành riêng cho chúng tôi là được làm việc vì con người.
LS Bertrand Repolt - Ảnh: P.Vũ |
Sự ủng hộ của mọi người nhắc cho chúng tôi biết vụ kiện này là một thách thức lịch sử và trách nhiệm của chúng tôi là phải vượt qua khó khăn để giành lại công lý |
LS BERTRAND REPOLT |
Chuẩn bị hồ sơ từ năm 2010, đến tháng 5-2014 văn phòng luật sư Bourdon & Forestier đại diện cho bà Trần Tố Nga nộp đơn kiện 35 công ty hóa chất Mỹ vì sản xuất chất độc da cam gây ra những thảm họa trên nhiều thế hệ con người Việt Nam lên tòa đại tụng thành phố Envry, Pháp. 19/35 công ty hóa chất đã cử luật sư đến tòa tham gia vụ kiện. Bà Trần Tố Nga có ba luật sư đại diện bảo vệ quyền lợi: LS William Bourdon, LS Bertrand Repolt và LS Amélie Lefebvre. Vụ kiện của bà Trần Tố Nga với tư cách công dân Pháp được coi là cơ hội cuối cùng để giành lại công lý cho các nạn nhân chất độc da cam trước các tòa án quốc tế. Trước đó, suốt năm năm từ năm 2004 - 2009, đơn kiện của hàng ngàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trình lên ba cấp sơ thẩm, phúc thẩm và tòa án tối cao liên bang Hoa Kỳ đều đã bị bác với lý do không có trách nhiệm xem xét. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận